Công nghệ VAR trong tứ kết Việt Nam - Nhật Bản ra đời như thế nào?

Trận tứ kết Việt Nam – Nhật Bản tại Asian Cup 2019 ngày mai sẽ áp dụng công nghệ VAR (trợ lý trọng tài video). Có lẽ ít người biết VAR ra đời trong hoàn cảnh nào.

Trọng tài Joel Aguilar kiểm tra video trước khi cho Thụy Điển hưởng phạt đền trong trận đấu thuộc World Cup 2018. Ảnh: Getty Images

Công nghệ VAR nổi tiếng từ World Cup 2018 và nay đã được ứng dụng khá nhiều trong bóng đá. Sắp tới, trận tứ kết giữa Việt Nam và Nhật Bản tại giải bóng đá Asian Cup 2019 diễn ra 20h ngày 24/1 cũng sẽ sử dụng VAR. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đối mặt với “trợ lý trọng tài ảo”. Trọng tài chính điều hành trận đấu sẽ được kết nối thông tin với trọng tài video thông qua tai nghe, sau đó sẽ sử dụng ký hiệu bằng cách vẽ một hình chữ nhật để yêu cầu xem lại tình huống. VAR chỉ có ý nghĩa giúp trọng tài nhìn nhận, đánh giá lại tình huống và trọng tài vẫn sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Bạn có tò mò VAR ra đời trong hoàn cảnh như thế nào? VAR là một phần trong dự án đầy tham vọng của Hiệp hội Bóng đá Hoàng gia Hà Lan (KNVB) có tên Refereeing 2.0 (trọng tài 2.0) nhằm tạo ra cuộc cách mạng cho trọng tài. Ông Lukas Brud, Thư ký của Liên đoàn Bóng đá thế giới (IFAB) cho biết trọng tài là người duy nhất không thể nhìn nhận chính xác điều gì đang diễn ra nhưng lại là người duy nhất nên biết. Liên đoàn muốn giúp trọng tài không phạm phải các sai lầm mà ai cũng có thể nhìn ra ngay lập tức.

Một trong các thành công đầu tiên của dự án là việc giới thiệu công nghệ goal-line của FIFA năm 2012 sau 2 năm thử nghiệm bởi KNVB. Tại các trận đấu World Cup, trọng tài ngay lập tức được cảnh báo khi bóng vượt qua vạch vôi nhờ công nghệ được công ty Hawk-Eye của Anh phát triển.

Năm 2014, KNVB bắt đầu kiến nghị không chính thức IFAB để giới thiệu trợ lý video trong các trận đấu. Tuy nhiên, chỉ sau khi Sepp Blatter từ chức Chủ tịch FIFA, dự án mới được xem xét đúng mức. Tháng 10/2015, Chủ tịch FIFA mới Gianni Infantino tổ chức hội nghị tại trụ sở FIFA ở Zurich, Thụy Sỹ để cân nhắc đề xuất VAR của Hà Lan. Ý tưởng được đón nhận nhiệt tình. Phần lớn thành viên trong tổ chức đều muốn tìm ra giải pháp ngăn chặn các tranh cãi xuất phát từ các quyết định sai lầm của trọng tài. Ông Brud cho biết: “nếu nhắc đến ý tưởng về trợ lý video trong năm 2010, mọi người sẽ bảo chúng tôi điên nhưng nay, họ xem nó như cơ hội trợ giúp trọng tài và đạt được kết quả công bằng hơn”.

Tuy vậy, khi ấy, công nghệ vẫn chưa được thử nghiệm trong các trận cầu đỉnh cao. Hà Lan chỉ thử nghiệm tại giải bóng đá trong nước mùa giải 2012-2013. Tháng 3/2016, tại cuộc họp thường niên của IFAB, quyết định thử nghiệm trong 2 năm nhằm đánh giá VAR mới được đưa ra. VAR được thử nghiệm đầu tiên trong hai trận đấu giao hữu giữa Ý – Tây Ban Nha và Ý – Đức.

Ban đầu, họ có ý định sử dụng VAR cho mọi tình huống trên sân nhưng nhanh chóng nhận ra đây là điều không thực tế. Thay vào đó, họ chọn giảm thiểu các trường hợp cần dùng đến VAR nhằm đạt được cái gọi là “can thiệp tối thiểu và lợi ích tối đa”. VAR chỉ được dùng để xác định các pha phạm lỗi xảy ra trước khi có bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ hay khi trọng tài cảnh cáo sai cầu thủ. Năm 2017, VAR được thử tại nhiều giải bóng đá quốc gia như Bundesliga (Đức), Seria A (Ý), Primeira Liga (Bồ Đào Nha), League Cup và FA Cup (Anh). Đúng như dự đoán, VAR cũng bị đưa ra mổ xẻ vì nhiều sai sót.

VAR và 3 trợ lý trọng tài VAR trong phòng điều hành. Ảnh: FIFA

World Cup 2018 diễn ra tại Nga là lần đầu tiên VAR được sử dụng xuyên suốt giải. Trọng tài chính, hai trọng tài biên, trọng tài thứ ba và trợ lý trọng tài video (VAR) trao đổi liên tục qua headset. Sau một sự cố, VAR có thể đưa ra đề nghị hoặc trọng tài yêu cầu VAR đưa ra ý kiến. VAR cũng có thể báo cáo các sự cố mà trọng tài bỏ qua. Trong trường hợp này, trọng tài có thể chấp nhận phán quyết của VAR hoặc kiểm tra lại bằng màn hình đặt ở đường biên. Bản thân VAR đặt trong phòng điều hành tại trung tâm Matxcova. Đội ngũ VAR gồm 1 VAR và 3 trợ lý, tất cả đều là quan chức FIFA. Mỗi một trợ lý lại ở trong phòng điều hành video với 10 màn hình chiếu đủ góc độ. Các màn hình cảm ứng cho phép trọng tài phóng to, thu nhỏ, liên tục thay đổi góc độ khác nhau. Để tránh việc bị chỉ trích là phán đoán chủ quan, đồ họa cùng video phát lại được chiếu trên màn hình khổng lồ trong sân vận động cho cầu thủ và khán giả được xem.

Dù còn nhiều tranh cãi, một điều không thể phủ nhận là với VAR, bóng đá đã thay đổi hoàn toàn, không còn như trước.

Du Lam (Theo Wired)

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/cong-nghe-var-trong-tu-ket-viet-nam-nhat-ban-ra-doi-nhu-the-nao-178126.ict