Công nghệ và tương lai việc làm tại ASEAN

ASEAN được đánh giá là khu vực có sự phát triển đầy ấn tượng, khi cân bằng được tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, giúp hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Song, già hóa dân số, năng suất lao động chưa cao, sự lệ thuộc vào đầu tư ngoài khối, khoảng cách phát triển cơ sở hạ tầng nội khối..., nhất là tác động từ các công nghệ mới, đang gây ra không ít thách thức cho tăng trưởng bền vững của ASEAN.

Một phiên thảo luận trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018.

Theo báo cáo “Công nghệ và tương lai việc làm ASEAN” được Tập đoàn Cisco công bố trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) về tác động của trí tuệ nhân tạo tới việc làm của sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái-lan và Việt Nam, trong vòng 10 năm tới, các quốc gia này có khả năng gặp sự thay đổi rất lớn về cơ hội việc làm. Theo đó, vào năm 2028 để đạt được năng suất như hiện nay, các nền kinh tế không cần đến khoảng 28 triệu lao động, tương đương hơn 10% tổng số lao động đang có. Người lao động kỹ năng thấp sẽ chịu rủi ro lớn nhất, trong đó các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là ngành dịch vụ, nông nghiệp. Quốc gia có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Singapore với 20,6% tổng số việc làm, tương đương khoảng 500 nghìn việc làm; con số này ở Indonesia là hơn 8%, tương đương 9,5 triệu việc làm; Malaysia là 7,4%, tương đương 1,2 triệu việc làm; Philippines là 10,1% với 4,5 triệu việc làm; Thái-lan là 11,9% với 4,9 triệu việc làm. Con số này ở Việt Nam là 13,8%, tương đương 7,5 triệu việc làm.

Sự phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cùng việc công nghệ này ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống sẽ tác động lớn đến các nước thành viên ASEAN trong thập kỷ tới, giúp các quốc gia tăng năng suất và thịnh vượng. Việc áp dụng rộng rãi công nghệ hiện có, cùng với những tiến bộ trong việc sử dụng AI thông qua phần mềm, phần cứng và rô-bốt sẽ giúp giảm chi phí hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy nhu cầu và tạo ra hàng triệu việc làm mới. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng, một số lĩnh vực sẽ có nhu cầu rất lớn về nguồn lao động mới, như ngành bán buôn và bán lẻ cần tới 1,8 triệu lao động mới, sản xuất và xây dựng cần 0,9 triệu lao động mới cho mỗi ngành, giao thông cần 0,7 triệu lao động mới.

Chủ tịch Cisco khu vực Ðông - Nam Á N.Mê-nơn cho biết, trong số 28 triệu lao động bị ảnh hưởng, có tới 6,6 triệu lao động cần được đào tạo thêm các kỹ năng nếu muốn duy trì hiệu quả làm việc trong thị trường lao động đang biến đổi này. Kỹ năng tương tác, đàm phán, thuyết phục, tư duy phê phán, lãnh đạo, giải quyết xung đột, các kỹ năng dịch vụ chăm sóc khách hàng... sẽ là những kỹ năng cơ bản bảo đảm cho sự phát triển của thị trường lao động ASEAN. Ông N.Mê-nơn cho rằng, các bên liên quan, gồm chính phủ, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục - đào tạo cần bảo đảm để lực lượng lao động hiện tại và tương lai của khu vực nắm bắt được các kỹ năng cần có ngoài những kiến thức kỹ thuật thuần túy.

Ông Ð.Oai-giơ-rát-ni, một lãnh đạo Trung tâm thị trường tăng trưởng của Công ty PricewaterhouseCoopers (PWC) tại Singapore, cũng nhận định, cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh mẽ đến khu vực ASEAN trong các vấn đề như: giải quyết tỷ lệ thất nghiệp, tăng năng suất lao động... Theo ông Ð.Oai-giơ-rát-ni, trong tương lai, ASEAN cần tìm ra những giải pháp mang tính tích cực và chủ động, xem xét sự chuyển dịch trong bối cảnh nhiều quốc gia khu vực ASEAN đang có tốc độ già hóa dân số cao. Các nước ASEAN cần tạo môi trường, hỗ trợ người lao động có cơ hội nâng cao kỹ năng để có mức thu nhập tốt hơn trong tương lai.

Cũng theo báo cáo của Cisco, Việt Nam không nằm ngoài xu thế. Sau 10 năm, Việt Nam có thể hưởng lợi từ một nền kinh tế năng động, với lực lượng lao động trẻ, có hiểu biết tốt về kỹ thuật số. Do đó, để có được tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm, ngoài việc đầu tư cho công nghệ, cần đào tạo kỹ năng tốt hơn cho lực lượng lao động, trong đó có cả lao động nữ và đội ngũ lao động đã già hóa, có ít khả năng tiếp cận với công nghệ.

XUÂN MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37613402-cong-nghe-va-tuong-lai-viec-lam-tai-asean.html