Công nghệ V.A.R mà đội tuyển Việt Nam sắp lần đầu được trải nghiệm ra đời như thế nào?

Sự ra đời của công nghệ hỗ trợ trọng tài thông qua video (V.A.R) không diễn ra trong một sớm một chiều.

Tối nay (24/01, theo giờ Việt Nam), đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Nhật Bản sẽ tranh tài cùng nhau trong trận đấu Tứ kết đầu tiên của Asian Cup 2019. Một điểm thú vị liên quan đến trận đấu này nằm ở việc nó là trận đấu đầu tiên trong lịch sử Asian Cup được áp dụng công nghệ hỗ trợ trọng tại thông qua video (V.A.R). Trước thời điểm diễn ra trận thư hùng đang được nhiều người chờ đợi này, hãy cùng tìm hiểu cách mà công nghệ V.A.R ra đời.

V.A.R theo đó là một phần của dự án đầy tham vọng được thực hiện bởi Liên đoàn Bóng đá Hoàng gia Hà Lan (KNVB) với tên gọi Refereeing 2.0 cùng mục đích tái định hình công tác trọng tài trong bóng đá. “Với tất cả những kết nối 4G và Wi-Fi ở các sân vận động như hiện tại, trọng tài lại là người duy nhất không nhìn thấy được chính xác những gì diễn ra trong khi ông ta thực tế lại là người cần làm điều này nhất,” Lukas Brud, thư kí của Hội đồng Liên đoàn Bóng đá Thế giới (IFAB) chia sẻ. “Chúng tôi biết rằng mình cần bảo vệ trọng tài khỏi những lỗi lớn và rõ ràng mà ai cũng có thể nhìn thấy ngay.”

Công tác chuẩn bị cho công nghệ V.A.R tại Asian Cup 2019.

Một trong những thành công đầu tiên của dự án này là màn áp dụng thành công công nghệ Goal-Line bởi FIFA tại World Cup 2012 tại Hàn Quốc sau khi được KNVB thử nghiệm ròng rã suốt hai năm. Nhờ công nghệ này, tại các trận đấu World Cup, các trọng tài sẽ được thông báo gần như ngay lập tức nếu trái bóng đã vượt qua vạch vôi khung thành thông qua công nghệ được phát triển bởi một công ty công nghệ Anh có tên Hawk-Eye. “Bóng đá lúc nào cũng rất bảo thủ khi được giới thiệu các công nghệ mới,” Brud nói. “Chúng tôi đang mở một cánh cửa lớn và một khi đã bước chân trên con đường này, sẽ không có đường lui.”

Năm 2014, KNVB bắt đầu thực hiện lấy ý kiến của IFAB về việc phát triển các luật thi đấu cho công tác hỗ trợ trọng tài thông qua video. Dù vậy, chỉ khi Chủ tịch FIFA Sepp Blatter (một người nổi tiếng chống lại các tiến bộ công nghệ trong bóng đá) rời vị trí của mình, yêu cầu nói trên mới thực sự được để ý. Tháng 10 năm 2015, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino tổ chức một cuộc họp tại trụ sở chính của FIFA ở Zurich để cân nhắc đề xuất của người Hàn Lan liên quan đến V.A.R. Ý tưởng này bất ngờ được đón nhận tích cực. Nhiều thành viên có mặt trong cuộc họp đó đồng ý rằng bóng đá đã có quá nhiều tranh cãi lớn và đã đến lúc cần một giải pháp cho điều này.

Việt Nam cùng Nhật Bản là hai đội bóng đầu tiên được trải nghiệm V.A.R trong lịch sử Asian Cup.

Ở thời điểm đó, V.A.R dù vậy vẫn chưa được thử nghiệm trong các giải đấu lớn. Người Hà Lan theo đó vẫn mới chỉ thử nghiệm nó ở dạng ngoại tuyến và giả định tại một số giải đấu tại Evedivise (giải đấu quốc nội lớn nhất nước này) mùa giải năm 2012-13. Vào tháng 3 năm 2016, tại cuộc họp thường niên của IFAB, quyết định thử nghiệm trong hai năm một cách khoa học để thẩm định V.A.R mới được đưa ra. Thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trong hai trận đấu giao hữu quốc tế trong tháng đó giữa Ý - Tây Ban Nha và Ý - Đức. “Nó đã rất thành công vì không có điều gì xảy ra,” Brud cười lớn. “Nó thể hiện đúng những gì chúng tôi muốn, rằng V.A.R dù có mặt sẽ không phải lúc nào cũng được dùng trong các trận đấu.”

Ban đầu, V.A.R được kì vọng có thể được áp dụng trogn tất cả các tình huống có thể diễn ra trong trận đấu, thế nhưng người ta nhanh chóng nhận ra đây là một mong muốn quá viển vông. Thay vào đó, các nhà làm luật đã chọn một cách tiếp cận khác mà họ gọi là “can thiệp ít nhất nhưng lợi ích cao nhất.” Theo đó, việc sử dụng V.A.R sẽ được giới hạn với các tình huống có tính chất thay đổi trận đấu cùng các lỗi “rõ ràng và hiển nhiên”, bao gồm: xác định bàn thắng, xác định phạt đền, xác định thẻ đỏ hay xác định danh tính cầu thủ. “Các trận đấu ngày càng nhanh hơn và thực sự ngày càng khó cho các trọng tài để theo sát mọi tình huống và đưa ra quyết định hoàn hảo. Thế nhưng chúng tôi sẽ không cố gắng giải quyết được mọi vấn đề trong công tác trọng tài và đó là hiểu lầm mà nhiều người đang nghĩ đến,” Brud chia sẻ. “Chúng tôi sẽ loại bỏ các scandal. Nhưng cũng không muốn tại ra một thứ trong bóng đá liên tục làm gián đoạn và phá hủy trận đấu.”

Công nghệ V.A.R để lại những dấu ấn tích cực cho công tác trọng tài tại Asian Cup 2019.

World Cup 2018 tại Nga là lần đầu tiên công nghệ V.A.R được áp dụng một cách hoàn thiện và đầy đủ. Công nghệ này hoạt động theo cách tiếp cận: 5 trọng tài - trọng tài chính điều khiển trận đấu, hai trọng tài viên, trọng tài chính thức thứ 4 và trọng tài V.A.R - liên tục liên hệ với nhau qua tai nghe.

Lê Nam Khánh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/cong-nghe/cong-nghe-v-a-r-ma-doi-tuyen-viet-nam-sap-lan-dau-duoc-trai-nghiem-ra-doi-nhu-the-nao-4499043.html