Công nghệ tuần qua: Vì sao xe ô tô rẻ nhất thế giới gặp khó ở Việt Nam?

Với kiểu dáng không mấy bắt mắt, tiện nghi nghèo nàn, Tata Nano gặp khó ngay từ lần đầu tiếp cận khách hàng Việt.

Vì sao ôtô rẻ nhất thế giới Tata Nano chưa bán ở Việt Nam?

Cuối năm 2012, TMT Motor từng đưa Tata Nano về nước. Chiếc xe được bắt gặp chạy thử trên đường phố TP.HCM và xuất hiện tại nhà máy của TMT ở Hưng Yên.

Ngày 11/5 vừa qua, chủ sở hữu Nano là hãng xe Ấn Độ Tata Motors đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phân phối, cung cấp xe và chuyển giao công nghệ với đối tác Việt Nam TMT Motor.

Theo nhận định của giới kinh doanh ôtô giá rẻ, trước đó Tata Nano vào Việt Nam trùng thời điểm mẫu xe này gặp khó tại thị trường Ấn Độ, với doanh số ước đạt chỉ 229.157 chiếc sau gần 4 năm lên kệ. Chính vì thế, đây có thể được coi là một động thái đẩy hàng và tìm cơ hội ở một thị trường mới cho Tata Nano. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam đã thể hiện quan điểm không khác mấy so với khách hàng ở Ấn Độ.

So với những mẫu xe đang có mặt tại thị trường Việt Nam, chiếc Tata Nano LX từng được đưa về Hà Nội sở hữu trang thiết bị, tiện nghi nghèo nàn hơn hẳn. Ngoại thất, nội thất của xe chỉ ở mức tối thiểu, với gương gập tay, đèn pha, đèn hậu, ghế nỉ, hệ thống điều hòa và không có hệ thống âm thanh. Đó là 1 trong những lý do khiến mẫu xe này khó có doanh thu tốt tại thị trường Việt. (xem tiếp)

Xe rẻ gặp khó, xe sang cũ đắt hơn xe mới trăm triệu vẫn hút người mua

Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, năm 2015, có hơn 2.000 ô tô cũ nhập khẩu về Việt Nam. Còn 10 tháng đầu năm nay, con số này cũng vào khoảng 1.600 xe. Hầu hết trong số đó là xe sang mang thương hiệu Lexus, Land Rover, Porsche, Audi, BMW... giá hàng tỷ đồng.

Nếu so với tổng số xe mới các loại nhập khẩu về Việt Nam trong 1 năm thì đây là con số khá nhỏ bé, không đáng quan tâm.

Nhưng, chỉ tính riêng phân khúc hạng sang, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 7.000 chiếc xe mới tất cả, thì xe cũ chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ.

Ngoài chi phí bỏ ra thuê người đứng tên đăng ký, "làm cũ"... thì những xe này khi nhập về Việt Nam còn chịu thêm thuế tuyệt đối ngoài thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng như xe mới. Vì vậy, giá đội lên khá cao so với xe mới cùng loại.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng giàu có vẫn rất thích những chiếc "xe cũ" loại này. Lý do được DN giải thích, vì xe mới cùng loại do các DN nhập khẩu chính hãng về Việt Nam, thường bị loại đi rất nhiều trang thiết bị, tính năng hiện đại để giảm tối đa chi phí. Do đó, nó hoàn toàn giống nhau nhưng mất hẳn đẳng cấp và trở nên tầm thường hơn. (xem tiếp)

Với 400 triệu, người dùng mua được ô tô có trang bị hiện đại không?

Khi nhắc đến những mẫu xe trong phân khúc giá rẻ, người dùng thường coi đây là những chiếc xe với chức năng cơ bản chỉ để di chuyển. Nhưng với những thay đổi trong công nghệ những năm gần đây, nhiều mẫu trong phân khúc này đã được trang bị những công nghệ không thua kém bất kỳ mẫu xe tầm trung nào.

Việc cùng một mẫu xe giá rẻ ở thị trường Việt Nam có tới 5,6 tùy chọn phiên bản với những trang bị khác nhau là việc khá phổ biến. Chênh lệch giữa phiên bản cơ bản với công nghệ an toàn, trang bị giải trí tối thiểu đến phiên bản đầy đủ nhất có thể tới cả trăm triệu đồng. Do đó những người dùng muốn tiết kiệm chi phí thường chọn cách mua những mẫu xe cơ bản và lắp thêm các trang bị.

Nếu những trang bị liên quan đến giải trí cơ bản như màn hình định vị, điều khiển hệ thống giải trí trên tay lái hay camera, cảm biến lùi, việc lắp thêm lên xe khá đơn giản và không tốn quá nhiều chi phí thì những công nghệ an toàn kèm xe lại khó khăn hơn nhiều.

Việc lắp thêm những hệ thống an toàn này lên xe vừa khó thực hiện và không phải gara nào cũng đủ khả năng làm, ngoài ra chi phí lắp thêm cũng không nhỏ trong khi thực tế sau khi lắp chưa chắc những phần lắp thêm này có thể hoạt động hiệu quả. (xem tiếp)

Xe nhập tắc đường về, ô tô mùa Tết tăng giá

Ông Vũ Huy Chỉnh, Công ty TNHH ô tô Đông Hải, cho biết, tháng 8/2016, công ty ông khốn khổ khi nhập 3 chiếc ô tô 5 chỗ ngồi thương hiệu Samsung từ Hàn Quốc về, bị ách lại tại cảng Hải Phòng do không được thông quan.

Theo quy định tại Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương, khi nhập khẩu ô tô, các doanh nghiệp phải có 2 loại giấy, gồm: Giấy ủy quyền nhập khẩu chính hãng của nhà sản xuất và Giấy chứng nhận bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp.

Tuy nhiên, từ 1/7/2016, Thông tư 19/2012 quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu đã hết hiệu lực nên Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý cấp giấy chứng nhận này.

Trong khi đó, khi làm thủ tục nhập khẩu, cơ quan Hải quan vẫn đòi đầy đủ các giấy tờ như quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương, khiến các doanh nghiệp khốn khổ vì phải lo thủ tục. (xem tiếp)

Minh Trang

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/cong-nghe-tuan-qua-vi-sao-xe-o-to-re-nhat-the-gioi-gap-kho-o-viet-nam-2254908.html