Công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản của doanh nghiệp Việt chinh phục người Thái

Thành công bước đầu của Công ty Cổ phần Lina Network với ứng dụng Lina Supply Chain/LINA đã chứng minh: Doanh nghiệp Việt Nam có thể làm rất tốt việc đưa ứng dụng blockchain vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong nước mà đã vươn ra tầm khu vực.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan tại Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Xuân 2018 có chủ đề “Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam” ngày 24/4 đã đem lại nhiều bất ngờ thú vị.

Đối tác Thái Lan mà Công ty Cổ phần Lina Network do doanh nhân Vũ Trường Ca làm Chủ tịch HĐQT giới thiệu với Diễn đàn là Tập đoàn ChokChai - tập đoàn chăn nuôi bò sữa lớn nhất Đông Nam Á; Tập đoàn SAP Siam Food International Co. Ltd và Tập đoàn AIM THAI thuộc Top 7 doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan, chuyên kinh doanh sản phẩm nông sản.

Điều đặc biệt, 3 tập đoàn của Thái và Công ty Cổ phần Lina Network đã chọn khuôn khổ Diễn đàn để thực hiện Lễ ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác ứng dụng Lina Paltform vào chuỗi cung ứng (còn gọi là ứng dụng Lina Supply Chain/LINA của Công ty Cổ phần Lina Network).

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Cổ phần Lina Network và các đối tác Thái Lan. (Ảnh: Minh Hoa/DNVN).

Đây là minh chứng rõ nhất trước đông đảo nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn: Doanh nghiệp Việt Nam có thể làm rất tốt việc đưa ứng dụng blockchain vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong nước mà đã vươn ra tầm khu vực.

Vậy ứng dụng LINA của Công ty Cổ phần Lina Network là gì và tại sao người Thái lại tin dùng?

LINA được xây dựng trên nền tảng Ethereum Blockchain là Blockchain phổ biến và dễ sử dụng nhất thế giới. Tuy nhiên, nền tảng LINA được tối ưu bằng thiết kế Hybrid, hay tạm gọi là “thiết kế lai”, nhờ vậy đảm bảo được việc theo dõi nguồn gốc một sản phẩm nào đó trong thời gian thực.

LINA có 3 ưu điểm chính:

Khả năng hiển thị minh bạch: Với chuỗi cung ứng thông thường sẽ luôn có các “điểm mù” (blind spot) trên chuỗi (chain). Ví dụ, liệu người bán có gửi đủ đơn đặt hàng hay không, hay tàu chở hàng cập bến hay chưa… Trong khi đó, công nghệ Blockchain có thể cho phép thể hiện chi tiết sản phẩm trong hệ thống đang ở đâu và ở trạng thái nào, tại bất kỳ thời điểm nào, ai đang nắm quyền lưu giữ sản phẩm đó.

Khả năng tối ưu hóa: Với thông tin trên, các tổ chức trong chuỗi cung ứng có thể “dự đoán” được là khi sản phẩm đến nơi sẽ có trạng thái như thế nào và trong thời gian nào, qua đó tối ưu hóa được quy trình. Ví dụ, Toyota sử dụng công nghệ Blockchain để theo dõi hàng ngàn bộ phận linh kiện được di chuyển qua nhiều quốc gia, nhà máy trong thời gian thực để qua đó tối ưu hóa quá trình lắp ráp ô tô.

Truy suất nguồn gốc: Vì dữ liệu trong Blockchain là hoàn toàn minh bạch với tất cả mọi người và được cập nhật gần như tức thời. Vì vậy có thể truy suất nguồn gốc của sản phẩm gần mọi lúc, ở mọi thời điểm và ở bất cứ đâu.

Phát biểu tại Diễn đàn, doanh nhân Vũ Trường Ca một lần nữa khẳng định: Khách hàng cần sự minh bạch, cần sự bất biến ở mọi lúc mọi nơi. Họ cần cái chuẩn hóa, liên kết và an toàn. Công nghệ ứng dụng blockchain vào supply chain sẽ giải quyết được triệt để bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

“Bằng việc tạo ra sự liên kết chặt chẽ, giúp người dễ dàng truy xuất tất cả các loại giao dịch, tương tác và theo dõi các thay đổi, Lina Supply Chain có thể đem lại sự minh bạch, loại bỏ các chi phí không hiệu quả và không cần thiết, cũng như nâng cao tính bảo mật và trao quyền cho cộng đồng thông qua việc tham gia vào hệ thống - điều mà các lĩnh vực truyền thống không thể có được. Việc tiếp cận Lina Supply Chain nói riêng và blockchain nói chung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay giống như chúng ta tiếp cận Internet cách đây hơn 20 năm vậy, tuy chập chững nhưng là quá trình không thể đảo ngược”, ông Ca chia sẻ.

Chuỗi Supply Chain.

Chia vui với thành công mà Công ty Cổ phần Lina Network đạt được, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và TS. Đào Thế Anh, thành viên Liên minh Nông nghiệp, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông nghiệp thêm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thiếu của ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp-một vấn đề vô cùng nan giải hiện nay.

“Để người tiêu dùng đón nhận sản phẩm nông nghiệp cần phải quan tâm tới vấn đề minh bạch thông tin. Do người tiêu dùng chưa hiểu rõ sản phẩm, biết rõ nguồn gốc nên mới dẫn đến thực trạng sản phẩm tốt vẫn không thể tiêu thụ được. Khi các nhà sản xuất hợp tác với nhau và mọi thông tin về sản phẩm được minh bạch, lòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm sẽ tăng lên”, theo TS. Đào Thế Anh.

Doanh nhân Vũ Trường Ca tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin và bắt đầu sự nghiệp tại Công ty tin học Silicon với chức vụ chuyên viên kinh doanh từ năm 1999-2003. Ông đã gặt hái được nhiều thành công trong đa lĩnh vực và dần khẳng định vị thế của công ty trên đấu trường quốc tế.* Là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lina Network. * Là sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Nhà An Cư.* Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Smart Farm.* Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thảo dược Thế giới.* Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Kim Minh Đạt.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/cong-nghe-truy-xuat-nguon-goc-nong-san-cua-doanh-nghiep-viet-chinh-phuc-nguoi-thai-1408.html