Công nghệ số khiến Lực lượng RVSN Nga nguy hiểm hơn

Theo Sputnik, trong năm 2020, Lực lượng tên lửa chiến lược Nga (RVSN) đã hoàn toàn chuyển sang công nghệ kỹ thuật số để truyền thông tin.

Cục thông tin và truyền thông đại chúng của Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một thông báo: "Động lực của việc cung cấp mẫu thiết bị liên lạc mới cho quân đội giúp lực lượng tên lửa chiến lược có thể chuyển đổi hoàn toàn sang các công nghệ kỹ thuật số hiện đại để truyền thông tin vào cuối năm 2020.

Trong 4 năm qua, các hệ thống kỹ thuật số mới để truyền thông tin cho các khu vực vị trí của các sư đoàn tên lửa đã được đưa vào trang bị cho Lực lượng tên lửa chiến lược".

Vũ khí của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Vũ khí của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Nguồn tin cho biết thêm, trong các đơn vị quân đội đã trang bị cho các sở chỉ huy của Lực lượng tên lửa chiến lược và bao gồm cả sư đoàn tên lửa thiết bị viễn thông kỹ thuật số, điều này sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả của việc sử dụng vũ khí của quân đội.

Lực lượng tên lửa chiến lược Nga có nhiệm vụ răn đe và tấn công đáp trả hạt nhân vào đối phương nếu bị tấn công. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, RVSN đã trở thành bộ phận không thể thay thế trong lực lượng vũ trang Nga.

Để đảm bảo răn đe hạt nhân và tấn công đáp trả trong mọi tình huống, lực lượng này hiện đang vận hành khoảng 300 tên lửa liên lục địa (ICBM) khác nhau gồm các loại từ hầm phóng cố định đến loại triển khai trên xe phóng di động.

Cựu phát ngôn viên của RVSN, Đại tá Igor Yegorov cho biết, Lực lượng Tên lửa chiến lược của Nga sẽ thực hiện hơn 200 cuộc tập trận ở nhiều cấp độ trong năm 2021, bao gồm các cuộc diễn tập chiến thuật và chiến thuật đặc biệt với sự tham gia của các sư đoàn và trung đoàn tên lửa, cũng như các cuộc tập trận chỉ huy và tham mưu với các đội hình tên lửa.

Trong năm 2019, RVSN đã thực hiện 16 vụ phóng thử ICBM, trong đó bao gồm việc thử nghiệm các tên lửa tiên tiến đồng thời kiểm tra khả năng sẵn sàng của các hệ thống tên lửa đã được phiên chế cho lực lượng này. Năm 2018, RVSN thực hiện 8 vụ phóng tên lửa, trong đó vụ thử nghiệm tên lửa mới nhất Sarmat, RS-24, Topol... Và trong năm 2020 vừa qua, con số này ấn tượng hơn.

Hầu hết những vụ thử này được thực hiện tại bãi thử Kapustin Yar. Đầu đạn tên lửa này đã phá hủy mục tiêu giả định tại bãi thử Sary Shagan ở Kazakhstan với độ chính xác cực cao.

Cùng với tuyên bố của ông Yegorov, vị chỉ huy cấp cao thuộc Lực lượng RVSN, Sergey Karakayev cho biết, trong thời gian tới, tên lửa Sarmat sẽ cùng với Rubezh và Bulava là bộ 3 tên lửa chiến lược của Nga chuyên để đối phó Mỹ và phương Tây.

Vị chỉ huy này cho biết, khi ICBM Sarmat được đưa vào trang bị, đây sẽ là sự đáp trả sáng kiến chiến lược "Đòn tấn công nhanh toàn cầu" và sẽ có thể vượt qua hầu như mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và phương Tây.

Tên lửa có thể bay rất xa qua Nam cực và buộc Mỹ phải xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa vòng tròn rất phức tạp. Ngoài ra, khả năng mang tải trọng lớn của tên lửa cho phép bố trí trên tên lửa không chỉ các đầu đạn mà cả các hệ thống đột phá phòng thủ tên lửa khác nhau.

Việc phát triển Sarmat đang đúng tiến độ. Sarmat sẽ là tên lửa có một không hai trên thế giới, có khả năng vượt qua hầu như mọi cản trở, mọi hệ thống phòng thủ tên lửa và khiến kẻ thù khiếp sợ vì có thể tấn công qua cả Bắc cực và Nam cực.

Ngoài Sarmat, Lực lượng RVSN còn có tên lửa RS-26 Rubezh và R-30 Bulava. Với bộ 3 tên lửa này, một khi Nga phát động tấn công đối thủ của Nga sẽ không có cách nào để chống đỡ được, vị chỉ huy này cho biết.

Thanh Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/cong-nghe-so-khien-luc-luong-rvsn-nga-nguy-hiem-hon-3425708/