Công nghệ số giúp người dân an toàn trong dịch bệnh

Tại buổi họp báo chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia mới đây, PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, y tế là một trong những ngành đầu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Công nghệ số giúp ngành y tế tránh lãng phí

Theo ông Tường, chuyển đổi số y tế là yêu cầu bắt buộc trước sự thay đổi mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 với các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, in 3D…

Thời gian qua, ngành y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, khám chữa bệnh… Kết quả ban đầu, 100% bệnh viện trên toàn quốc áp dụng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 10 bệnh viện và 1 phòng khám thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử, trong đó Quảng Ninh có tới 3 bệnh viện (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản nhi), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Đa khoa khu vực An Giang…

“Mỗi năm, mỗi bệnh viện mất vài tỷ đồng để in bệnh án giấy, có bệnh viện trong TP.HCM còn phải thuê kho chứa ở nơi khác, chở bệnh án đến để bảo quản, lưu giữ, hết sức tốn kém”, ông Tường dẫn chứng.

Tại Bệnh viện Đa khoa An Giang, họp giao ban trên điện tử, mọi số liệu về số lượng bệnh nhân biến động trong ngày, đơn thuốc, thu chi… đều hiển thị đầy đủ nên lãnh đạo có thể can thiệp, điều chỉnh ngay hành vi của bác sĩ nếu có tình trạng lạm dụng kê đơn, chỉ định xét nghiệm quá mức…

Người dân cài ứng dụng đăng ký khám bệnh online tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM - Ảnh: Hoàng Lộc

Người dân cài ứng dụng đăng ký khám bệnh online tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM - Ảnh: Hoàng Lộc

Ngoài ra, 23 bệnh viện đã dùng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Nếu tất cả các bệnh viện đều chuyển dùng PACS, mỗi năm có thể tiết kiệm 4.000 tỷ đồng, là chi phí dành để mua phim in hàng năm.

Một số bệnh viện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM hiện đã sử dụng mạng xã hội để tương tác với bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum; 1.300 cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh từ xa Telehealth…

Đặc biệt, công nghệ thông tin đã hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam với hàng loạt ứng dụng như khai báo y tế điện tử (NCOVI), ứng dụng truy vết Bluezone với 23 triệu người dùng, an toàn Covid-19…

Theo tính toán, nếu một bệnh viện lớn đầu tư chuyển đổi số bài bản từ đầu có thể mất 160 tỷ đồng, mức thấp khoảng 20-30 tỷ đồng.

“Dù lợi rất lớn nhưng nhiều cơ y tế không đánh giá được, không sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn ban đầu. Chúng tôi tính toán mỗi bệnh viện chỉ cần bỏ ra 0,6-3% tổng doanh thu để đầu tư chuyển đổi số. Đây là con số có thể chấp nhận được”, ông Tường nói.

Thẻ khám bệnh thông minh tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: Mạc Thảo

Xây dựng thống kê y tế điện tử trên 36 tỉnh, thành phố

Trong lĩnh vực xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, nhiều tỉnh, thành phố đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Phú Thọ, Bình Dương… Ngành cũng đã xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất; hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20. Toàn ngành đã xây dựng thống kê y tế điện tử trên 36 tỉnh, thành phố. Trong năm 2021, sẽ đẩy mạnh tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hiện ngành Y tế đang triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn như mạng kết nối y tế Việt Nam (yte.gov.vn), hệ thống PACS cloud, ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến và nhiều ứng dụng thiết thực khác, triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia…, hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành y tế.

Mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế 5 năm tới, phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến.

Đến năm 2025, 15% (khoảng 210 bệnh viện/1.400 bệnh viện) chuyển đổi số thành công và phấn đấu đến 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%.

Trung bình một ngày, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) tiếp nhận từ 1000-1500 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Những ngày cao điểm có hơn 1800 người bệnh gây tình trạng quá tải, tạo áp lực cho cả cán bộ y tế và người dân khi phải chen chúc xếp hàng chờ đợi đến lượt đăng kí khám bệnh và thanh toán viện phí.

Để hạn chế tập trung đông người vào giờ khám bệnh, giảm thời gian chờ đợi, đảm giãn cách an toàn khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Bệnh viện Bãi Cháy đã triển khai dịch vụ đăng kí khám bệnh trực tuyến qua tổng đài 0912.379.628, 085.6099.633, 085.6799.633, website benhvienbaichay.vn và trả kết quả online từ tháng 5/2020.

Thống kê cho đến 20/11/2020 đã có 19.336 lượt bệnh nhân đăng kí khám bệnh trực tuyến, 13.582 người bệnh được tạo tài khoản truy cập hệ thống trả kết quả online trên website của Bệnh viện Bãi Cháy. Điều này cho thấy sự hưởng ứng tích cực và chuyển biến về thói quen đăng kí khám bệnh của người dân đối với hình thức khám chữa bệnh online bệnh viện đang triển khai.

Song song với triển khai đăng kí khám bệnh, trả kết quả online, bệnh viện cũng đẩy mạnh hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt với thẻ khám bệnh thông minh.

Thẻ khám chữa bệnh tại bệnh viện Bãi Cháy, tích hợp đầy đủ thông tin người bệnh, đồng thời có đầy đủ tính năng của một chiết thẻ ATM. Bệnh nhân có thể nạp tiền và rút tiền dễ dàng, tiện lợi.

Khang Anh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/cong-nghe-so-giup-nguoi-dan-an-toan-trong-dich-benh-127213.html