Công nghệ sinh trắc học chống tội phạm và khủng bố

Năm 2015, trong nỗ lực thu thập thông tin sinh trắc học nhằm ngăn chặn khủng bố, chính quyền Pakistan quy định buộc các chủ thuê bao điện thoại di động phải đăng ký dấu vân tay với cơ sở dữ liệu quốc gia để xác định danh tính nếu không dịch vụ sẽ bị chặn.

Một vài quốc gia khác, đi đầu là Mỹ, thì đang ứng dụng công nghệ sinh trắc học nhận diện khuôn mặt trong công tác phòng ngừa tội phạm, khủng bố.

Pakistan thu thập thông tin sinh trắc học chống khủng bố

Do lo ngại trước tình trạng sử dụng lan tràn những thẻ SIM bất hợp pháp và không đăng ký danh tính thuê bao, quy định mới của chính quyền Pakistan được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực phục hồi an ninh trật tự sau vụ một nhóm phần tử khủng bố Taliban thảm sát 150 học sinh và giáo viên tại một trường học ở Peshawar hồi cuối tháng 12-2014. Trong vụ khủng bố tàn bạo này, 6 tên giết người đã liên lạc với nhau bằng điện thoại di động với các thuê bao đăng ký tên của một phụ nữ sống tại địa phương nhưng không có liên quan gì đến cuộc tấn công.

Một người bán điện thoại di động trên đường phố Rawalpindi, tỉnh Punjab.

Một người bán điện thoại di động trên đường phố Rawalpindi, tỉnh Punjab.

Ngay từ đầu năm 2015, 103 triệu thẻ SIM được giới chức chính quyền Pakistan xác định không được đăng ký đúng danh tính người thuê bao. Trong vòng 6 tuần sau khi quy định mới ban hành, 53 triệu thẻ SIM thuộc về 38 triệu chủ thuê bao đã được xác minh qua kiểm tra sinh trắc học. Một quan chức Bộ Nội vụ giấu tên cho biết: "Sau khi mỗi một SIM được đăng ký dấu vân tay rõ ràng, cùng với việc những SIM không đăng ký bị chặn dịch vụ, thì bọn khủng bố sẽ không còn có cơ hội sử dụng điện thoại di động nữa. Chính quyền biết đây là quy định cực kỳ khó khăn cho các nhà mạng di động và khách hàng của họ song tất cả cũng vì an ninh quốc gia".

Trong cuộc chiến chống chiến binh Hồi giáo cực đoan kéo dài ở Pakistan, người dân gặp khá nhiều rắc rối với những chốt kiểm soát của cảnh sát mọc lên như nấm trong các thành phố và bây giờ họ phải khổ sở chen nhau đi đăng ký SIM để điện thoại không bị cắt dịch vụ. Abid Ali Shah, tài xế taxi 50 tuổi, đứng chờ lấy dấu vân tay tại một cửa hàng điện thoại, than phiền: "Tôi làm việc suốt ngày và có khi đến tận đêm khuya nên không thể chờ đợi suốt nhiều giờ để đăng ký SIM. Nhưng, nếu không chấp hành quy định thì điện thoại của tôi sẽ không sử dụng được".

Kể từ khi công ty điện thoại di động đầu tiên bắt đầu hoạt động tại Pakistan năm 1991, số thuê bao tăng lên vùn vụt từ 5 triệu năm 2003 đến khoảng 136 triệu hiện nay - theo số liệu từ Cơ quan Viễn thông Pakistan (PTA). PTA là doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm về việc thành lập, vận hành và bảo trì viễn thông ở Pakistan. Trụ sở chính đặt tại Islamabad, PTA cũng có văn phòng khu vực đặt tại Karachi, Lahore, Peshawar, Quetta, Muzaffarabad và Rawalpindi.

Anh Muhammad Safdar sử dụng điện thoại sau khi đã đăng ký dấu vân tay.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ thuê bao di dộng ở Pakistan hiện vào khoảng 73%, tương đương với nước Ấn Độ láng giềng. Với 50 triệu thẻ SIM không đăng ký danh tính chủ thuê bao, các công ty điện thoại phải cử nhân viên đi đến vùng quê và miền núi để thông báo với người dùng về quy định mới của chính phủ.

Omar Manzur, giám đốc điều hành công ty Mobilink có 38 triệu khách hàng ở Pakistan, cho biết: "Đó là công tác quy mô toàn quốc song chúng tôi luôn cố gắng để xác minh toàn bộ khách hàng của chúng tôi trước kỳ hạn cuối cùng vào tháng 4-2015. Chúng tôi đã cử 700 xe đi khắp Pakistan và đến tận những vùng hẻo lánh của đất nước". Trong nhiều năm qua, một vài quốc gia - bao gồm Nam Phi và Ấn Độ - đã triển khai chiến dịch thu thập và lưu trữ thông tin sinh trắc học nhưng các chuyên gia viễn thông nhận định không nơi đâu nhanh và quy mô hơn Pakistan.

Theo Wahaj us Siraj - giám đốc điều hành và đồng sáng lập Nayatel, nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Pakistan - phát biểu: "Tại một quốc gia mà cơ sở hạ tầng còn yếu kém ở nhiều khu vực, nhiệm vụ này thật là vô cùng khó khăn".

Sau khi nhiệm vụ xác minh SIM của chủ thuê bao được hoàn thành, giới chức cảnh sát và tình báo sẽ dễ dàng điều tra nguồn gốc tội ác hay tấn công khủng bố - theo Ammar Jaffri, cựu phó giám đốc Cơ quan Điều tra liên bang Pakistan (FIA) và hiện là chủ tịch Hội An ninh thông tin Pakistan (PISA).

Jaffri cũng nhấn mạnh việc bọn khủng bố thường dùng điện thoại di động để kích nổ quả bom từ xa. Sau khi kiểm soát chặt chẽ thẻ SIM, chính quyền Pakistan cũng dễ dàng phát hiện những vụ tội phạm tống tiền sử dụng điện thoại di động. Jaffri cho rằng người dân Pakistan không nên lo ngại về vấn đề quyền riêng tư người dùng mà cần phải đối mặt với nó.

Tại văn phòng đại lý của Mobilink ở Islamabad, công dân 30 tuổi Muhammad Safdar cho biết anh đăng ký tên mình với 6 thẻ SIM khác nhau. Còn Ghulam Rasool, công dân Afghanistan đang sống ở Pakistan, khi đi đăng ký dấu vân tay mới biết thẻ SIM anh mua cách đây vài năm bị coi là bất hợp pháp. Rasool giải thích khi quyết định đổi sang SIM mới: "Mọi người đều có số điện thoại cũ của tôi và bây giờ tôi phải liên lạc thông báo đổi số mới với hàng trăm người ở Pakistan và Afghansitan".

Mặc dù hết sức phiền hà, song nhiều người Pakistan vẫn chấp nhận với hy vọng giảm bớt những vụ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, họ vẫn còn hoài nghi quyết định xác minh thẻ SIM của chính quyền có thể chấm dứt được cuộc chiến chống khủng bố đã giết chết hơn 50.000 người Pakistan và binh lính trong hơn 10 năm qua.

Cơ sở dữ liệu sinh trắc học khổng lồ của FBI

Trong thập niên qua, công nghệ "nhận diện gương mặt" được thương mại hóa rất nhanh, di chuyển từ các cơ quan chính quyền vào đời sống thường ngày và trở thành công cụ hữu ích để xác định nhân dạng một cách bảo đảm. Đối với một số người, "nhận diện gương mặt" không có gì nguy hại, thậm chí tiện lợi.

Lĩnh vực kinh doanh công nghệ sinh trắc học dự kiến sẽ đạt 20 tỷ USD vào năm 2020.

Tại một sân bay ở Đức, hành khách áp đôi mắt vào một camera rồi thoải mái đi vào nước này mà không cần phải trình hộ chiếu! Hình ảnh của hành khách được lưu giữ vào file máy tính giúp camera nhận biết gương mặt. Facebook cũng sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt giúp bạn bè dễ dàng giao tiếp với nhau.

Tuy nhiên, công nghệ cũng có mặt tối của nó. Chính quyền Mỹ đang trong tiến trình xây dựng cơ sở dữ liệu nhận diện gương mặt lớn nhất thế giới, nhằm mục đích nhận dạng mỗi người trong nước này. Dự án tạo cơ sở dữ liệu như thế có nghĩa là bất cứ ai cũng bị chính quyền theo dõi mọi lúc mọi nơi. Công nghệ nhận diện gương mặt từng được sử dụng trong các căn cứ quân sự để kiểm soát người đi vào các khu vực nhạy cảm.

Tại Iraq và Afghanistan, công nghệ được sử dụng để kiểm tra đối chiếu những hình ảnh tù nhân với danh sách các đối tượng Al - Qaeda đang bị truy nã. Cảnh sát Seattle cũng ứng dụng công nghệ để xác định những can phạm được ghi hình trong camera an ninh. Công nghệ nhận diện gương mặt cũng được tích hợp trong các thiết bị mà chúng ta sử dụng hàng ngày.

Ví dụ, công ty khởi nghiệp NameTag tích hợp phần mềm nhận diện gương mặt vào các thiết bị mang trên người như là Google Glass. Với sự phát triển nhanh của công nghệ nhận diện gương mặt, Janice Kephart - người sáng lập Hiệp hội Sinh trắc học và An toàn nhân dạng (SIBA) - dự đoán lĩnh vực kinh doanh sinh trắc học toàn cầu sẽ tăng trưởng đến con số 20 tỷ USD năm 2020. Kephart tin rằng công nghệ sinh trắc học sẽ ngăn chặn được những vụ tấn công khủng bố như ngày 11-9-2001 ở Mỹ và hành vi rò rỉ thông tin mật như vụ người thổi còi Edward Snowden.

Phần mềm nhận diện gương mặt được ứng dụng trong các công ty.

Hiện nay, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang tập trung thu thập hình ảnh nhận diện gương mặt - bước thứ 4 trong chương trình gọi là Nhận diện thế hệ mới (NGI), dự án trị giá 1,2 tỷ USD được cơ quan khởi động từ năm 2008 để xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học lớn nhất thế giới.

NGI là nỗ lực của FBI nhằm thay thế Hệ thống nhận diện dấu vân tay tự động tích hợp (IAFIS). Theo thông tin từ tổ chức phi lợi nhuận Ranh giới Điện tử (EFF), chương trình NGI của FBI thu thập 52 triệu hình ảnh nhận diện gương mặt - bao gồm hình ảnh của bọn tội phạm lẫn dân thường - vào năm 2015.

Năm 2012, cơ sở dữ liệu NGI đã chứa khoảng 13,6 triệu hình ảnh gương mặt của 7 đến 8 triệu người và sang năm 2013 là 16 triệu hình ảnh. Một lần nữa, chương trình NGI của FBI gây lo ngại cho các nhóm nhân quyền. Stephen Fischer, người phát ngôn của FBI, từ chối bình luận về tiết lộ của EFF.

Hệ thống NGI của FBI lưu trữ cả hình ảnh quét mống mắt và dấu lòng bàn tay.

Theo nữ luật sư Jennifer Lynch của EFF, cơ sở dữ liệu NGI cũng bao gồm cả hình quét mống mắt (tròng đen) và dấu lòng bàn tay. Hình ảnh quét mống mắt từ lâu được sử dụng trong các nhà tù để giám sát các tù nhân khi họ di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong nhà tù. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có một cơ sở dữ liệu được chia sẻ một phần với cơ sở dữ liệu sinh trắc học của FBI.

Trong nỗ lực phát hiện sớm phần tử khủng bố và tội phạm, hệ thống NGI khổng lồ (có khả năng xử lý hơn 55.000 gương mặt mỗi ngày) của FBI sẽ được chia sẻ với các cơ quan liên bang và khoảng 18.000 tổ chức hành pháp trên toàn nước Mỹ. Công ty xây dựng hệ thống nhận diện gương mặt cho FBI là MorphoTrust USA.

Jennifer Lynch nhận định với hệ thống NGI mới của FBI, không một cá nhân nào có thể trở thành "vô danh" trong xã hội. Và, trong tương lai, chính quyền dễ dàng biết được khi nào một cá nhân sử dụng máy tính, các tòa nhà nào được người này vào ra mỗi ngày hay người này lái xe đi đâu. Nữ luật sư Lynch cho biết hiện nay giới chức FBI và Quốc hội Mỹ vẫn chưa đưa ra những giới hạn đối với các thông tin nhập vào hệ thống NGI và chúng được sử dụng như thế nào. Hay nói cách khác, chưa có những quy định pháp lý đối với NGI.

Duy Ân (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/cong-nghe-sinh-trac-hoc-chong-toi-pham-va-khung-bo-534727/