Công nghệ sinh học: Giải pháp phục hồi sản xuất hậu Covid-19

Các giống cây trồng, nhất là cây lương thực ứng dụng công nghệ sinh học được xem là giải pháp lâu bền giúp tăng lượng thực phẩm cho nông dân giai đoạn hậu Covid-19 và cho cả tương lai về sau.

Kenya và Uganda vốn là những nước mất an ninh lương thực trầm trọng nhất tại Châu Phi. Đại dịch Covid-19 hoành hành vừa qua càng khiến người dân 2 nước này đối mặt cảnh thiếu ăn và thiếu cả dinh dưỡng thiết yếu một cách trầm trọng.

Nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề hơn

CropLife Việt Nam cho biết, một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trung tâm Sinh học Nông nghiệp Quốc tế (CABI) vừa công bố trên tạp chí World Development mới đây đã chỉ ra những ảnh hưởng nặng nề, khốc liệt của đại dịch Covid-19 lên người dân hai nước Kenya và Uganda.

Khảo sát được thực hiện thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Telegram, Twitter, WhatsApp. Với một mẫu ngẫu nhiên gồm 442 người, nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ mất an ninh lương thực (ANLT) đã tăng 38% tại Kenya và 44% tại Uganda.

Nguyên nhân là khi dịch bệnh xảy ra, lệnh đóng cửa được ban hành khiến nông dân gặp khó khăn trong việc đi tới nông trại, cũng như tiếp cận đầu vào và vận chuyển sản phẩm nông sản tới thị trường.

So sánh với những người làm công ăn lương, đối tượng nông dân trong đợt khảo sát lần này có mức thu nhập khá thấp. Do đó, ngay cả một tác động nhỏ đối với hoạt động tạo ra thu nhập cũng gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tác động rõ rệt nhất từ nghiên cứu cho thấy, bữa ăn hàng ngày của nông dân đã phải thay đổi rất nhiều để đối phó với sự bùng phát của Covid-19. Chế độ ăn đã không còn đa dạng, nông dân thậm chí phải cắt giảm khẩu phần và bỏ bữa.

Hơn 50% số người dân Kenya trong khảo sát đã không còn được tiêu thụ hầu hết các nhóm thực phẩm “xa xỉ” như hoa quả, hải sản, thịt và gia cầm. Chỉ còn lại rau củ là nguồn cung cấp dinh dưỡng thường trực. Điều này làm dấy lên các lo ngại về việc thiếu các dưỡng chất vi lượng quan trọng cho sức khỏe.

TS. Justice Tambo, đồng tác giả của nghiên cứu chia sẻ, so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chỉ có 30% người tham gia khảo sát tại Kenya đối diện với tình trạng mất ANLT. Nhưng sau Covid-19, hơn một nửa số người tham gia khảo sát đã tỏ ra lo lắng về tình trạng thiếu lương thực, các loại thực phẩm tiêu thụ bị hạn chế, khẩu phần ăn bị cắt giảm; nguồn thực phầm giàu dinh dưỡng và lành mạnh thiếu hụt nghiêm trọng.

Tình trạng cũng diễn ra tương tự với nhóm nông dân được khảo sát ở Uganda. Các mối lo trong thời điểm Covid-19 tăng lên đáng kể so với bình thường khi 30% số người sợ bị giảm lượng thực phẩm tiêu thụ; 35% sợ không được ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh; 45% sợ chế độ ăn uống trở nên nghèo nàn và 50% lo lắng về việc không có đủ thực phẩm để ăn.

CNSH giúp phục hồi sản xuất

Trước những khó khăn mà người dân tại Kenya và Uganda phải đối mặt, Chính phủ các nước này đã thực hiện một loại thay đổi chính sách về tài chính cũng như kinh tế để giảm thiểu các tác động.

Ngô BĐG có thể giúp người dân Uganda đối phó với sâu keo mùa thu. (Nguồn: SciDev.net)

Ngô BĐG có thể giúp người dân Uganda đối phó với sâu keo mùa thu. (Nguồn: SciDev.net)

Chính phủ Kenya đã đề xuất gói kích thích kinh tế hậu Covid-19 trị giá 53,7 tỷ Shilling (tương đương với 503 triệu USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Trong khi đó tại Uganda, chính phủ nước này cũng áp dụng chính sách hoãn nợ, giãn nợ lên đến 12 tháng, giảm lãi suất cho vay của ngân hàng trung ương từ 9% xuống 8%. Việc cứu trợ lương thực cho những người lao động gặp khó khăn cũng được cân nhắc, đặc biệt là các đối tượng mà hoạt động hàng ngày có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cách ly.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài, chính phủ các nước cần xây dựng chính sách phù hợp để phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm, giúp giảm thiểu tình trạng thiếu lương thực trầm trọng như hiện nay.

Theo TS. Kansiime, các chương trình trợ cấp xã hội như chuyển trực tiếp tiền mặt và hiện vật cho các hộ gia đình, hoặc miễn giảm các chi phí tiện ích (điện, nước…) không thực sự hiệu quả. Vì các giải pháp cứu trợ chỉ được thực hiện khi người dân hoàn toàn mất đi nguồn thu nhập trong khi các biện pháp bảo trợ xã hội hầu như không thể thực hiện được do những thách thức về hậu cần.

Từ kết quả của cuộc khảo sát, các nhà khoa học tin rằng, các phản ứng của chính phủ, cả hiện tại và tương lai nên tập trung vào những thay đổi mang tính cấu trúc trong an ninh xã hội. Những thay đổi này được thực hiện thông qua việc xây dựng các gói đáp ứng, nhằm hỗ trợ cho những người bị đẩy vào cảnh nghèo đói do các đại dịch tương tự.

Việc xây dựng các tổ chức tài chính lớn mạnh nhằm hỗ trợ sự hồi phục của các doanh nghiệp trong trung hạn, cũng như đảm bảo sự phục hồi của chuỗi cung ứng thực phẩm, đặc biệt là các mắt xích sản xuất thực phẩm giàu dinh dưỡng cũng cần được chú trọng hơn.

Tại Kenya, báo cáo về công nghệ sinh học (CNSH) cho thấy, việc ứng dụng các quy trình canh tác và các giống cây trồng biến đổi gen (BĐG) giúp chống lại các loại sâu hại. Từ đó, giúp gia tăng sản lượng, tăng thu nhập cho nông dân cũng như GDP cả nước.

Với việc hình thành chính sách quản lý cây trồng CNSH, Kenya là một trong những quốc gia Đông Phi đầu tiên triển khai canh tác cây bông BĐG. Đây được xem là một trong những công cụ giúp giảm đói nghèo tại quốc gia này.

Cây sắn cũng được dùng làm thực phẩm rất phổ biến tại Kenya. Hiện giống sắn Bt đang được thử nghiệm để xác định khả năng kháng bệnh sọc nâu và bệnh khảm lá. Nếu việc sản xuất sắn Bt tiếp tục cho thấy các kết quả khả quan, căng thẳng về an ninh lương thực (ANLT) có thể sẽ trở thành ký ức đối với người dân Kenya.

Còn tại Uganda, ngô được xem như nông sản chính nhưng việc trồng ngô đang gặp nhiều khó khăn do sâu keo mùa thu gây hại. Tại các buổi tập huấn cho nông dân về quản lý và kiểm soát sâu keo mùa thu được tổ chức bởi Trung tâm Thông tin Khoa học Sinh học Uganda (UBIC) hồi tháng 9 vừa qua, nông dân nước này bày tỏ mong muốn được cung cấp giống ngô Bt có thể kháng lại sâu keo mùa thu.

“Tại sao chúng tôi phải tiếp tục sử dụng các loại thuốc BVTV trong khi ngô BĐG có thể giúp mình chống lại loại sâu keo mùa thu? Khi được Chính phủ cung cấp, chúng tôi sẵn sàng thử nghiệm các giống cây trồng có sức kháng bệnh tốt”, Yeko Jetu, một nông dân từ quận Kapchorwa (Uganda) bày tỏ mong muốn.

Thanh Tâm

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/cong-nghe-sinh-hoc-giai-phap-phuc-hoi-san-xuat-hau-covid-19-post38500.html