Công nghệ robot bước vào đời sống của con người

Công nghệ robot chưa bao giờ phát triển mạnh hơn lúc này. Các công nghệ mới đang giúp các nhà nghiên cứu tạo ra nhiều loại robot có khả năng ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực.

Bộ áo Auberon giúp lính cứu hỏa leo thang bộ với 40 kg vật dụng trên vai.

Theo bản báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Statista (Mỹ), doanh thu theo ước tính từ thị trường robot toàn cầu, gồm cả ngành công nghiệp và không công nghiệp, từ năm 2016 đến năm 2022 là khoảng 40 tỉ đô la. Thị trường robot cho ngành sản xuất công nghiệp – vốn đại diện cho ngành công nghiệp robot và được dẫn dắt bởi các nhà sản xuất Nhật Bản và châu Âu – đang dần bị lấn át vì sự phổ biến rộng rãi của robot dành cho những ngành không thuộc về công nghiệp, như robot hỗ trợ cá nhân, robot dùng cho dịch vụ khách hàng, xe hơi tự hành và thiết bị không có con người điều khiển. Nhưng đó chưa phải là tất cả, các công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo, công nghệ học máy, thuật toán và công nghệ robot mới đang giúp các nhà nghiên cứu tạo ra nhiều robot mới, có khả năng ứng dụng vào rất nhiều dạng công việc mà nhiều khi con người chưa hình dung ra được.

Việc sử dụng robot giúp người ta giải quyết những điểm còn hạn chế như làm sao để xây trường học ở những vùng xa, làm sao dựng nhà thật nhanh nhưng vẫn bảo đảm tính chắc chắn cho ngôi nhà đó. Nó cũng giúp tiết kiệm được nguồn nhân lực và tiết kiệm chi phí đầu tư cũng như giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu, thiết kế sản phẩm và còn thúc đẩy sự sáng tạo.

Trường học cho vùng xa

Zaha Hadid Architects (ZHA) đã khiến thế giới của những người làm thiện nguyện thêm phần hy vọng vì mở ra cho họ một cách thức nhanh, gọn để giúp trẻ em ở các vùng xa xôi hẻo lánh có được một ngôi trường học khang trang và hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương.

Trường học sẽ do ông Jinggan Yu, Chủ tịch trường Cao đẳng Nghệ thuật tỉnh Giang Tây thành lập. Yu là một kiến trúc sư và cũng là người lập ra ZHA, một công ty thiết kế nội thất chuyên nghiệp đầu tiên và rất thành công của Trung Quốc. ZHA, theo kế hoạch, sẽ dùng robot công nghiệp Odico để xây dựng Trường Tiểu học Lushan ở tỉnh Giang Tây nhằm tăng tốc xây dựng và giảm chi phí. Ngôi trường sẽ có các cấu trúc hình vòm lớn, tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên và kết hợp hài hòa với quang cảnh xung quanh trường, hứa hẹn một môi trường học tập dễ chịu và tràn đầy ánh sáng. Dự án sẽ bao gồm một trường học, một ký túc xá và một số tòa nhà tiện ích. Một khi được hoàn tất, Lusan sẽ là nơi học tập của khoảng 120 trẻ em từ 12 làng địa phương.

Xây nhà trong ngày

Theo tổ chức vì các thành phố bền vững Ross Center for Sustainable Cities thuộc viện tài nguyên thế giới World Resources Institute, hơn 1 tỉ người trên khắp thế giới không có nhà ở đầy đủ. Tổ chức phi lợi nhuận New Story đã hợp tác với công ty công nghệ xây dựng ICON để phát triển một phương pháp in 3D mới có thể tạo ra các ngôi nhà một tầng không dùng xi măng trong vòng 12 đến 24 giờ đồng hồ. New Story cho rằng, ngôi nhà này bảo đảm về chất lượng và phù hợp với những quốc gia đang phát triển.

Ý tưởng in một ngôi nhà dùng kỹ thuật 3D Printing không phải là mới. Một trong những người sáng lập ICON là Jason Ballard cho biết công ty đã sử dụng một máy in Vulcan di động do chính công ty thiết kế để xây dựng ngay trên phần đất ở. Công ty này cho rằng, giải pháp này có thể áp dụng chon ngay ở các vùng xa đô thị - nơi mà người ta khó vận chuyển vật liệu xây dựng và một ngôi nhà 650 m2 với giá 10.000 đô la. Tuy nhiên, con số này có thể giảm ở mức 4.000 đô la trong tương lai. Theo ICON, xây nhà theo phương pháp in 3D này cũng ít tạo ra chất thải và làm giảm đáng kể chi phí nhân công xây dựng. Hiện tại công ty này còn tiếp tục nghiên cứu về vật liệu xây dựng cho ngôi nhà theo hướng này nhằm giảm chi phí xây dựng đến mức thấp nhất nhưng vẫn bảo đảm chất lượng tốt cho ngôi nhà.

New Story đang gây quỹ để xây 100 ngôi nhà theo cách này cho các gia đình có nhu cầu ở El Salvador. Họ hy vọng sẽ hoàn thành dự án vào năm 2019. Sau đó, mở rộng quy mô công nghệ cho các tổ chức phi lợi nhuận khác trên khắp thế giới sử dụng. Triển vọng in nhà cũng có thể cho phép mỗi cộng đồng thiết kế phong cách nhà ở riêng của mình mà không phải tăng chi phí xây dựng.

Những mái vòm tận dụng nguồn sáng tự nhiên cho trường học.

3D Nike Flyprint – đôi giày in 3D

Đôi giày mới Nike Zoom Vaporfly Elite Flyprint vẫn sử dụng công nghệ vải dệt Flyknit nổi tiếng của Nike nhưng được thiết kế và hoàn tất nhờ kỹ thuật sản xuất đắp lớp (công nghệ in 3D - 3D printing) hiện đại. Bret Schoolmeester – nhà thiết kế giày chạy bộ cấp cao của Nike – cho hay, các nhà thiết kế của họ luôn luôn dùng công nghệ in 3D để làm mới các thiết kế, nhưng gần đây một trong bốn nhà thiết kế của họ còn phát hiện ra rằng quá trình in 3D còn cho phép họ thoải mái sáng tạo ra vật liệu mới cho đôi giày. Nhờ đó, Nike đã có loại vải dệt in 3D Nike Flyprint đầu tiên trên thị trường, không thấm nước và đôi giày mới chỉ nặng 169 gram, nhẹ hơn người anh em Nike Flyknit Breaking2 hiện có 11gram và nhẹ gần một nửa so với các đôi giày chạy bộ hiện có trên thị trường. Và Eliud Kipchoge – Quán quân thế giới về chạy marathon 2017 – đã làm được điều anh mong muốn: mang đôi giày chạy bộ nhẹ nhất và được thiết kế nhanh nhất chỉ trong bốn tháng của Nike vào cuộc thi 2018 London Marathon và giành giải nhất.

Nike Zoom Vaporfly Elite Flyprint sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm nay.

Robot làm đồ nội thất IKEA

Tin vui cho những người hơi vụng về nhưng vẫn muốn tự làm đồ gỗ nội thất là đã có một con robot biết làm hết các khâu khó khăn như cưa cắt gỗ, lắp ráp, tra ốc vít. Một nhóm các nhà khoa học tại Trường Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore (NTU) đã phát triển một con robot có thể lắp ráp một chiếc ghế gỗ giá 25 đô la theo mẫu ghế cũa hãng hàng nội thất nổi tiếng Ikea trong vòng 20 phút.
NTU mất ba năm để xây dựng con robot, bao gồm hai cánh tay và một máy ảnh 3D cho phép nó đọc các bộ phận đồ nội thất được hiển thị trước mắt nó. Sau đó, nó thiết kế và thực hiện một kế hoạch để lắp ráp đồ nội thất bằng cách sử dụng các thuật toán được nhóm NTU phát triển.

Để bảo đảm robot không sử dụng quá nhiều lực khi cầm các bộ phận và gắn chúng lại với nhau, người ta trang bị thêm cho cánh tay của robot bộ cảm biến lực. Người ta cũng cho chúng thêm thời gian để bảo đảm quy trình thực hiện công việc lắp ráp. Các bot không đủ thông minh để thực hiện những gì bạn muốn và chỉ dựa trên những gì bạn ra lệnh cho nó và điều này có thể sẽ được thay đổi trong thập kỷ kế tiếp. Nhóm NTU đang tìm cách tích hợp trí thông minh nhân tạo nhiều hơn vào robot để bạn có thể khiến cho robot đặt một mảnh đồ nội thất lại với nhau chỉ đơn giản bằng cách cho nó biết phải làm gì hoặc hiển thị hình ảnh của một vật phẩm đã hoàn thành.

Robot tái chế điện thoại thông minh

Daisy là robot tái chế điện thoại thông minh iPhone cũ được hãng Apple đưa vào sử dụng trước Ngày Trái đất (Earth Day) vừa qua. Nhiệm vụ của Daisy là tìm các vật liệu còn sử dụng được trong chiếc điện thoại iPhone cũ cũng như loại bỏ các vật liệu không được phép tái sử dụng. Daisy có khả năng nhặt đúng loại vật liệu cần thiết trong chín loại iPhone khác nhau và trong một giờ đồng hồ nó rã được 200 chiếc iPhone cũ và hoàn tất quá trình thu nhặt vật liệu theo yêu cầu. Người anh em của Daisy là Liam, được ra mắt lần đầu vào năm 2016, nhưng nay không được sử dụng nữa và một số bộ phận của Liam được chuyển sang dùng cho Daisy. Robot Liam, còn gọi là “máy lắp ráp nghịch đảo lớn”, sử dụng 29 cánh tay để hoàn thành quá trình rã máy sau mỗi 11 giây. Giống như Daisy, Liam có thể tách rời các bộ phận của chiếc iPhone, thu nhặt một số vật liệu hữu ích và loại bỏ những vật liệu khác.

Auberon exoskeleton hỗ trợ lính cứu hỏa

Thảo Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/272556/cong-nghe-robot-buoc-vao-doi-song-cua-con-nguoi.html