Công nghệ hiện đại - yếu tố quyết định sự phát triển của nhà máy giấy

Ngành giấy là một trong những lĩnh vực sản xuất nguyên liệu quan trọng, được nhà nước cũng như nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, chỉ có số ít nhà máy giấy đang hoạt động tại Việt Nam đủ sức trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại, vừa đảm bảo năng suất cao, chất lượng giấy tốt, vừa hài hòa yếu tố thiên nhiên và con người.

Công nghệ: vướng mắc của ngành sản xuất giấy

Công nghệ dường như là vấn đề khiến ngành công nghiệp sản xuất “đau đầu”.

Công nghệ sản xuất của nhiều doanh nghiệp giấy nhỏ và vừa chỉ ở mức trung bình, thậm chí lạc hậu, máy móc, thiết bị có chất lượng thấp, không đồng bộ nên mức tiêu hao năng lượng rất lớn.

Trong đó, nhiều nhà máy không đủ năng lực xử lý nước thải. Mặt khác, do không được tối ưu hóa, nhiều quy trình trong công đoạn sản xuất phải thực hiện thủ công, dẫn đến năng suất lao động không cao, đôi khi xảy ra sai sót trong kỹ thuật. Kể cả nhiều nhà máy giấy có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cũng không đảm bảo về công nghệ. Có trường hợp nhà máy bị bỏ hoang, với nguyên nhân ban đầu được đưa ra là do toàn bộ thiết bị, công nghệ đầu tư được mua lại từ một nhà máy thanh lý nước ngoài bị cũ kỹ và chưa hoàn thiện, dẫn đến việc doanh nghiệp không sử dụng được.

Chưa kể, có nhà máy cũng không thể hoạt động sau gần 10 năm xây dựng do liên tục bị trục trặc; nếu có đầu tư sửa chữa, nhà máy vẫn không thể sản xuất được giấy thành phẩm do công nghệ không phù hợp.

Khi doanh nghiệp giải quyết bài toán về công nghệ

Một góc của hệ thống sản xuất công ty Lee & Man.

Có thể nói, công nghệ là yếu tố tiên quyết và quan trọng đối với sự phát triển của một nhà máy giấy. Trên thế giới, những tập đoàn giấy khổng lồ như International Paper, Procter & Gamble, Kimberly-Clark, Stora Enso, Oji Paper… đều chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại bậc nhất. Công nghệ mà họ sử dụng đến từ những nhà cung cấp thiết bị ngành giấy và bột giấy hàng đầu Mỹ và Châu Âu như: Andritz, Kadant Lamort, Eimco, GL&V, Voith, ABB, KBC, Valmet…, tập trung vào việc nâng cao chất lượng, sản lượng giấy, giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu, năng lượng, bảo vệ môi trường.

Điển hình như công nghệ CHP - nhiệt điện kết hợp giúp tiết kiệm khoảng 10-20% nhiên liệu và 30% năng lượng so với công nghệ truyền thống. Hay Valmet IQ - giải pháp quản lý chất lượng đo lường được và trên dây chuyền để tối ưu hóa các quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm cuối nguồn.…

Lee&Man Việt Nam khi khởi công xây dựng nhà máy giấy tại Hậu Giang đã mạnh dạn đầu tư hơn 650 triệu đô-la Mỹ cho dây chuyền sản xuất giấy bao bì hiện đại nhất thế giới từ những nhà cung cấp thiết bị sản xuất giấy hàng đầu như Cộng hòa Áo, Thụy Điển, Mỹ, Đức,… với công suất 420 ngàn tấn/năm (đang có dự án nâng công suất lên 1,420,000 tấn/năm). Mức độ tự động hóa cao cho phép nhà máy sử dụng ít năng lượng và tiêu thụ nước ở mức rất thấp trong ngành sản xuất giấy bao bì.

Cụ thể, dây chuyền OCC sử dụng công nghệ xử lý giấy phế liệu tiên tiến của Mỹ. Phần lớn thiết bị của dây chuyền này đều do KBC - công ty cung cấp thiết bị sản xuất bột giấy tốt nhất thế giới cung cấp. Riêng thiết bị cho dây chuyền chuẩn bị bột xeo từ nguyên liệu UKP (bột nguyên liệu đã được lọc, nghiền kỹ trong quá trình sản xuất) là sản phẩm của nhà cung cấp Andriz sản xuất tại Áo hoặc các nước tương đương. Đại diện công ty Lee & Man Việt Nam cho biết, tất cả các thiết bị của nhà máy được nhập trực tiếp từ Châu Âu và các nước khu vực G7, mới 100%.

Ngoài ra, để tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường, công ty đã đầu tư một lò hơi công suất 250T/h, 1 tuabin công suất 50MW, sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn và công nghệ xử lý khí thải lưu huỳnh bằng đá vôi, lọc bụi bằng túi vải, hệ thống xử lý NOx trong khí thải nhà máy nhiệt điện. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải ở công ty cho thấy các thông số đều đạt quy chuẩn, chất lượng nước thải sau xử lý đều tốt hơn các công ty trong tỉnh cũng như trong ngành giấy ở Việt Nam.

Mặt khác, công ty còn đầu tư hệ thống thiết bị, phòng thí nghiệm… tổ chức đưa nhân viên đi đào tạo trong và ngoài nước để cán bộ, kỹ sư, nhân viên nâng cao tay nghề và kỹ năng vận hành, đảm bảo sử dụng hiệu quả các thiết bị và đạt tiêu chí trong sản xuất giấy mà công ty đưa ra.

Ngoài công nghệ sản xuất, từ thiết bị, phòng thí nghiệm đến kỹ sư cũng cần sự đầu tư kỹ càng.

Trong “Quy hoạch phát triển ngành giấy ở Việt Nam đến năm 2020”, có xét đến năm 2025 do Bộ Công thương đề ra có thể thấy, hướng phát triển của nhà máy giấy này đang đi đúng hướng. Theo quy hoạch, nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng triển khai công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn, tái sử dụng nước, khép kín dây chuyền sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là yếu tố quan trọng.

Với sự đầu tư nghiêm túc, nâng cao công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp, tương lai ngành giấy Việt Nam sẽ có bước phát triển mới vượt trội hơn.

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/doanh-nghiep-san-pham-dich-vu/cong-nghe-hien-dai-yeu-to-quyet-dinh-su-phat-trien-cua-nha-may-giay-20180711150143389.htm