Công nghệ hiện đại ngành in ấn, bao bì phụ trợ cho các ngành sản xuất

Trước sự phát triển và đa dạng của bao bì nhãn mác, công nghệ và truyền thông kỹ thuật số, ngành in ấn và bao bì đang có những bước chuyển biến tích cực để nâng cao sức cạnh tranh. Phóng viên Báo Công Thương đã ghi nhận những ý kiến chia sẻ xung quanh những vấn đề trên của nhà quản lý, nhà cung cấp tại triển lãm Vietnam PrintPack lần thứ 17 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Máy in tem nhãn kỹ thuật số của hãng Konica

Theo ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho biết: Châu Á nói chung và đặc biệt là các nước Đông Nam Á đang là một trong những khu vực có sự tăng trưởng cao về ngành công nghiệp in, đặc biệt là bao bì. Tổng sản lượng in toàn thế giới lên đến 1.000 tỷ USD mỗi năm, trong đó in bao bì chiếm gần 50%, tăng trưởng trong 10 năm gần đây đạt 55%. Dự báo trong thời gian tới, ngành công nghiệp in bao bì toàn cầu sẽ tăng 4,5-5%, trong đó khu vực châu Á tăng 5-7% mỗi năm. Nền công nghiệp in thế giới đang tiến vào công nghiệp 4.0, đòi hỏi những thế hệ máy móc, thiết bị, công nghệ đang ngày một hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nga - Giám đốc Công ty Innopack Việt Nam, bằng việc cung cấp những công nghệ mới nhất của thế giới về ngành bao bì, sản phẩm đóng gói chỉ định, thân thiện với môi trường như giấy tổ ong cùng với ứng dụng bền chắc của giấy tổ ong vào những phân ngành khác như: balet giấy, UV, kiến trúc, xây dựng, trang trí nội thất, điện tử… Do chất lượng được khẳng định nên khách hàng của công ty là những tập đoàn lớn như Công ty Unilever, Posco… Đây cũng là sản phẩm hoàn toàn của Việt Nam nên có giá thành rất cạnh tranh, hiện đã được nhiều doanh nghiệp chú ý, đặt mua, trong đó cả các công ty nước ngoài.

Ông Hank Kan, Giám đốc Công ty SBL Machinery đến từ Đài Loan cho hay, nhu cầu tiêu thụ máy móc ngành bao bì, in ấn tại Việt Nam những năm gần đây tăng nhanh so với các nước trong khu vực. Nắm bắt xu hướng này, bằng việc cung cấp những thiết bị công nghệ mới nhất của thế giới về ngành bao bì, Công ty SBL đến triển lãm để tìm nhà phân phối và mang đến loại máy gấp dán hộp giấy, carton tự động tốc độ cao, đáp ứng được yêu cầu sản phẩm tốt chất lượng để sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Để đầu tư một dây chuyền, doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 245.000 USD nhưng thay vào đó giá trị thu về là rất lớn vì dây chuyền này có tuổi thọ bền, cho ra năng suất cao, tiết kiệm được lao động rất nhiều”, ông Hank Kan cho biết thêm.

Từ góc độ nhà phân phối, ông Lê Minh Thế - đại diện Công ty TNHH Konica Micolta Business Solutions Việt Nam cho biết: Ngành in ấn công nghiệp trong nước đang phát triển, mẫu mã rất quan trọng trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài đang xâm nhập vào thị trường Việt Nam, do đó các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn về mẫu mã, mới cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài, Công ty Konica đem đến triển lãm những sản phẩm máy mới đa dạng, tiên tiến nhất như máy in tem nhãn kỹ thuật số, đáp ứng cho cả 2 việc in dễ dàng nhanh sản lượng nhỏ, sản lượng lớn, chủ động trong việc test mẫu, thích hợp cho những doanh nghiệp in tem nhãn như thực phẩm, mỹ phẩm, bia hay nước giải khát... và máy in nhũ sáng tạo không giới hạn, in phôi nhũ ép lên nhũ chồng nhũ lấp lánh dành cho những doanh nghiệp photo book, ảnh cưới...

Sản phẩm ghế bằng giấy thân thiện môi trường của Inno pack tại triển lãm

Triển lãm là nơi để các doanh nghiệp trong ngành bao bì in ấn, nhãn mác của Việt Nam tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác, trao đổi công nghệ và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bao bì và in ấn Việt Nam.

Phương Hoa

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/cong-nghe-hien-dai-nganh-in-an-bao-bi-phu-tro-cho-cac-nganh-san-xuat.html