Công nghệ đã bị lợi dụng

Cả tuần nay, gia đình tôi rất quan tâm đến sự cố trong việc chấm thi tại Hà Giang vì cháu tôi năm tới sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông.

Trong vài năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nỗ lực rất nhiều trong việc cải tiến kỳ thi quan trọng này. Dư luận đánh giá cao những sự cải cách tiến bộ, tuy bên cạnh đó cũng vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Việc áp dụng những tiến bộ công nghệ vào để việc giảng dạy, việc thi cử và việc chấm thi trở nên tốt hơn là việc đáng làm. Trong quá trình thử nghiệm, nếu có những sai sót cũng là chuyện dễ hiểu, nhưng điều quan trọng là cần có thái độ tiếp thu, khắc phục những điều chưa hợp lý. Nhưng trong vụ việc xảy ra ở Hà Giang thì sự cố không phải do máy móc, không phải do công nghệ chấm thi mà là do con người cố tình gây ra.

Dư luận xã hội đã luôn phàn nàn về chương trình học tập quá tải của học sinh, rồi việc cải tiến liên tục của các kỳ thi cũng khiến tâm trạng của các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh càng thêm căng thẳng. Kết quả của mười hai năm học quyết định luôn việc bước vào cánh cửa trường đại học, quyết định quan trọng đến việc định hướng nghề nghiệp của các em. Giờ đây, kỳ thi đại học đã bớt căng thẳng phần nào vì các em đã có nhiều sự chọn lựa, điểm sàn các trường có nhiều mức và điểm đáng kể nhất là các em có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi điểm chuẩn đã được các trường công bố. Việc hơn kém nhau 0,5-1 điểm nhiều khi cũng khiến thí sinh này vượt qua thí sinh khác để được tuyển vào ngôi trường mà các em đã lựa chọn. Với bao công sức học tập vất vả cộng thêm sự kỳ vọng của cả gia đình vào kết quả thi thì chỉ cần một sự sai sót nhỏ trong việc chấm thi cũng sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề.

Vậy mà theo thông tin trên báo chí thì đã có 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm ít nhất từ 1,0 điểm đến cao nhất là 8,75 điểm. Một thông tin mà ai đọc cũng thấy bất ngờ. Và điều đáng buồn nữa đó là trong số những bài thi được chỉnh sửa có nhiều em là con em các vị lãnh đạo cao cấp của tỉnh. Ngoài Hà Giang, mới đây, Bộ lại thành lập tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường về điểm thi tại Lạng Sơn và Sơn La. Điều này khiến dư luận đặt nghi vấn về sự chính xác của công tác tổ chức chấm thi và xử lý điểm thi ở các Hội đồng thi khác trên toàn quốc. Nhiều ý kiến cho rằng áp dụng công nghệ gây tốn kém nhưng không có hiệu quả như vậy thì nên bỏ đi.

Thiết nghĩ, các công nghệ mới áp dụng trong việc thi cử vốn được kỳ vọng là mang lại sự minh bạch cho các cuộc thi. Trong trường hợp Hà Giang, công nghệ đã bị lợi dụng như một công cụ làm thay đổi bảng điểm, ít nhất là cho đến thời điểm này.

Thanh Thảo (Hà Nội)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275836/cong-nghe-da-bi-loi-dung-.html