Công nghệ cao không phải ngành 'mì ăn liền'

Thảo luận về chương trình công nghệ cao phục vụ chiến lược quốc gia vừa được Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức..

Sáng 3/3, Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức Hội thảo "Góp ý Dự thảo chương trình Quốc gia Phát triển công nghệ cao đến năm 2030".

TS. Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

TS. Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo TS. Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam, đại biểu Quốc hội Khóa XIV - nhận định, Chương trình Phát triển công nghệ cao cấp Quốc gia nằm trong Luật Công nghệ cao đã được thực hiện trong giai đoạn 10 năm.

Trong 10 năm qua, Bộ KH-CN đã đạt được một số thành tựu về công nghệ cao. Trong giai đoạn mới, cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhiều đổi mới về cơ chế đầu tư công, tình hình phát triển kinh tế xã hội trước thềm Đại hội XIII, Chương trình năm 2030 cũng phải có các thay đổi phù hợp hơn.

Một trong những vấn đề đặc biệt được quan tâm của các chương trình quốc gia là huy nguồn tài chính cho chương trình. Tại Chương trình năm 2030 đã huy động được nguồn ngân sách nhà nước không nằm trong 2% hàng năm, tức là ngân sách bổ sung. Đây là một "bước tiến".

Chương trình Quốc gia Phát triển Công nghệ cao đến 2030 là một trong những công cụ rất cơ bản, hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo các cấp trong nâng cao nhận thức hoạt động quản lý và tăng cường năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này chứng tỏ Chương trình 2030 đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thực tiễn.

Nhằm góp ý về Chương trình Quốc gia về Phát triển công nghệ cao năm 2030, Liên Hiệp Hội Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học gửi tới đơn vị soạn thảo nhằm hoàn thiện văn bản này.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Mai Hà- Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam - một trong những tác giả của chương trình công nghệ cao năm 2020 - đánh giá cao về Chương trình năm 2030 là việc có sự tham gia của các doanh nghiệp. Đây là điểm đáng lưu ý bởi đã có doanh nghiệp chú ý tới ngành này và dám đầu tư.

PGS.TS. Mai Hà (áo trắng) - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Tuy nhiên, điều khó khăn hơn là nguồn lực từ Bộ Tài chính. Lâu nay, các chương trình quốc gia vẫn thực hiện theo cơ chế xin-cho và khi nhắc tới công nghệ cao, những nhà quản lý tài chính vẫn cho rằng, đầu tư thì phải nhanh thu tiền về.

"Tôi cho rằng, công nghệ cao không phải là ngành 'ăn xổi' như các ngành kinh tế, kỹ thuật. Đó là cả quá trình nghiên cứu, chế tạo và cần có những tác động mạnh mẽ của cả cơ chế, thị trường.... Do vậy, cần đa dạng hơn nữa các nguồn lực tài chính cho chương trình, không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước" - PGS.TS. Mai Hà nhận xét.

Ông Mai Hà cũng cho rằng, mục tiêu của chương trình cần thể hiện rõ các chỉ tiêu, các danh mục đề án đi cùng, là những công việc cho thấy rõ thực hiện chương trình sẽ mang đến những sản phẩm gì, thành quả như thế nào. Tuy nhiên, mục tiêu của chương trình lần này thì 90% trùng hợp với chương trình của năm 2020. Điều này rất không phù hợp, cơ quan soạn thảo cần làm rõ và giải trình về cách viết chung chung như vậy.

Có chung ý kiến như vậy, GS. Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng, các mục tiêu mà Chương trình công nghệ cao là còn chung chung và không thể duy trì tình trạng đặt mục tiêu chung chung như vậy.

Bên cạnh đó, ông đề cao vai trò quan trọng của các trường Đại học, các khu nghiên cứu công nghệ cao. Đây là nền tảng cơ bản nhất và cần thiết cho chương trình công nghệ cao.

Ông Dinh nhấn mạnh, nếu trong chương trình năm 2020 chưa thể làm được nhiệm vụ bổ sung nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cho công nghệ cao, thì nhiệm vụ cho chương trình năm nay lại càng phải đặt nặng vấn đề này.

"Công nghệ cao nằm ở tri thức là chính, đây là vấn đề của các trường Đại học, là nguồn lực đầu vào cho thị trường công nghệ cao ở nước ta" - PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, không thể thực hiện một chương trình quốc gia mà không thể nhắc đến tính kinh tế của nó, đặc biệt lại còn là công nghệ cao.

Ông Dinh cho rằng, nên chuyển cách thức lấy nguồn tài chính từ Nhà nước để phục vụ chương trình quốc gia sang huy động các nguồn lực từ bên ngoài. Hoặc đi cùng với cơ chế cấp tài chính, cần phải có cơ chế để kiểm soát đầu ra của các dự án, phục vụ mục tiêu mà chương trình đề ra.

Ông Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VUSTA

Trong khi đó, GS.TSKH. Nguyễn Đức Cương - nguyên Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam ủng hộ quan điểm cho rằng công nghệ cao không phải là một ngành "mì ăn liền". Đặc biệt nếu là chương trình quốc gia, lại càng không thể đặt quá nặng vấn đề kinh tế để xem xét đầu tư.

Ông cho rằng, Việt Nam không thể cạnh tranh với Boeing, Airbus. Nếu không bay nhanh, bay cao như họ, chúng ta có thể phát triển thị trường ngách, ví như máy bay chậm, bay thấp, phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần có hành lang pháp lý để tạo môi trường đầu tư phát triển, thị trường và cạnh tranh lành mạnh, là bước đầu để các doanh nghiệp đầu tư và phát triển đi theo. Có thị trường thì không sợ gì đầu tư tài chính không lấy lại được vốn.

Không có tài chính thì không làm được chương trình quốc gia?

GS.TS. Lê Đình Lương - người sáng lập Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền cho rằng, một chương trình quốc gia hiệu quả là khi nó được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ và doanh nghiệp đều cùng đồng thuận để phát triển công nghệ cao thì khi đó chương trình đó sẽ được tạo điều kiện hết sức và đạt được mục tiêu.

Ông Lương cho rằng, trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc và Trung Quốc, ông nhận thấy giới khoa học được đặc biệt đầu tư và trở thành nền tảng để thúc đẩy thành tựu nhảy vọt của nền kinh tế một quốc gia.

Tuy nhiên, chương trình tại Việt Nam chưa làm được mục tiêu của chương trình quốc gia, tổng thể, chưa tạo được động lực phát triển trong các lĩnh vực quan trọng mà chỉ là các dự án mà doanh nghiệp cũng sẽ làm được.

"Chúng ta nên bỏ cách tư duy làm theo dự án, xin-cho tiền từ Bộ tài chính, chúng rất khó để tạo nên động lực cho giới tri thức khoa học công nghệ cao trong thực hiện đạt được mơ ước của mình phục vụ cho khoa học và xã hội" - GS. Lương nhấn mạnh.

Quan điểm này cũng được đồng tình bởi Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.

Ông Quân cho rằng, chương trình quốc gia không nên chọn mỗi ngành một công nghệ để phát triển. Đó là những ngành mà doanh nghiệp sẽ không làm, không có nhu cầu để làm. Những ngành nào mà doanh nghiệp làm được hãy để doanh nghiệp tự làm.

"Làm ô-tô điện, ô-tô tự lái, doanh nghiệp có thể làm được hãy để họ làm. Nhưng ví như làm đầu dẫn tên lửa hành trình thì không doanh nghiệp nào đủ khả năng làm thì Nhà nước thực hiện. Các dự án phục vụ cho xã hội, cho mục tiêu phát triển đất nước cũng là các nhiệm vụ mà Bộ Tài chính có thể rót tiền vào làm. Khi Nhà nước đầu tư, các Bộ ngành được giao nhiệm vụ cùng thực hiện thì chỉ cần vài dự án đã là một thành công rồi" - ông Nguyễn Quân nhận định.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.

Tại Hội thảo, ông Lý Hoàng Tùng - Vụ Phó Vụ công nghệ cao - Bộ KH&CN cho biết, chương trình quốc gia về công nghệ cao năm 2020 thực tế triển khai chỉ trong 6 năm, ảnh hưởng bởi các thông tư hướng dẫn. Do đó, chương trình bị chậm trễ và khó hoàn thành được mục tiêu đề ra. Trong đó, mục cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực công nghệ cao đều không triển khai được.

Tuy nhiên, chương trình quốc gia về công nghệ cao phục vụ cho y tế và ngành thép cũng được triển khai. Thành tựu chính của Chương trình năm 2020 là Việt Nam tiếp thu nghiên cứu công nghệ và chế tạo đặt STEM cho tim. Dự án đó là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài nhưng Việt Nam cũng chế tạo, đạt tiêu chuẩn và xuất ngược trở lại Mỹ. Giá thành sản phẩm cũng giảm đi một nửa so với trước đây nhập khẩu từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, sản xuất thép tiền chế hiện đã xuất khẩu ra nước ngoài. Dây chuyền đã xuất sang Úc và một số nước châu Phi.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/cong-nghe-cao-khong-phai-nganh-mi-an-lien-3397888/