Công nghệ bảo hiểm và thách thức cho nhà quản lý, doanh nghiệp

Thị trường Việt Nam được đánh giá là nhiều tiềm năng cho công nghệ bảo hiểm (insurtech) bùng nổ trong những năm tới. Tuy nhiên, insurtech cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).

Xu hướng đầu tư mở rộng

Theo TS Nguyễn Thu Hà, Học viện Tài chính, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ tài chính (fintech) đã trở thành một xu thế tất yếu của các quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, insurtech) là một bộ phận quan trọng của fintech.

Việc vận dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) đã tạo nên những thay đổi to lớn trong việc vận hành thị trường bảo hiểm truyền thống. Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều tiềm năng phát triển insurtech, tuy nhiên, số lượng người dân tham gia bảo hiểm cũng như thị trường insurtech chưa phát triển.

Sự ra đời của insurtech đã mở ra nhiều cơ hội cho các DNBH cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này được thể hiện qua xu hướng đầu tư của các nước trên thế giới vào insurtech.

Sự ra đời của insurtech đã mở ra nhiều cơ hội cho các DNBH cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Sự ra đời của insurtech đã mở ra nhiều cơ hội cho các DNBH cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Số liệu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cho thấy, insurtech đã trở thành xu hướng đầu tư trên toàn thế giới với giá trị cũng như số lượng các khoản đầu tư tăng mạnh trong giai đoạn 2014 - 2020.

Ở châu Âu và Mỹ, số lượng các DNBH thành công trong lĩnh vực này ngày càng nhiều, điển hình như công ty Metromile, Insurtech Pixoneye, Digital Fineprint…

Ở châu Á, làn sóng insurtech cũng đang nổi lên ngay tại những nước mà ngành bảo hiểm truyền thống vẫn như phát triển mạnh như: Indonesia, Philippines, Việt Nam...

Tại Việt Nam, một số insurtech đã xuất hiện, ứng dụng các công nghệ hiện đại như: Al, Big Data, OCR (nhận dạng ký tự quang học), công nghệ thị giác máy tính để cung ứng các sản phẩm trên thị trường.

Chẳng hạn như: Inso cung ứng sản phẩm ứng dụng bảo hiểm INSO trên điện thoại di động; Opes cung cấp các sản phẩm bảo hiểm tích hợp công nghệ và nâng cao trải nghiệm người dùng qua cá nhân hóa sản phẩm; Save money cung cấp nền tảng bảo hiểm kỹ thuật số cho các ngân hàng, bệnh viện và các công ty viễn thông; Papaya cung cấp ứng dụng để các doanh nghiệp quản lý tất cả các khía cạnh quyền lợi của nhân viên.

Cũng theo MB, insurtech đang cải thiện mô hình phân phối, cung cấp các đề xuất sản phẩm theo hướng cá nhân hóa cho khách hàng, nâng cao trải nghiệm thông qua các ứng dụng công nghệ trong quá trình bán hàng, chăm sóc khách hàng và giải quyết các thủ tục bảo hiểm.

Giúp tạo ra mô hình kinh doanh mới theo hướng đầu tư ngang hàng (P2P), giúp giảm thiểu chi phí cho khách hàng và công ty bảo hiểm với cách thức vận hành được cải tiến thông minh hơn. Nhờ ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp tăng cường hiệu quả ra quyết định và nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả kinh doanh của DNBH.

Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý

Tuy nhiên, bà Hà cho biết, bên cạnh những cơ hội phát triển tiềm năng, thị trường insurtech cũng còn nhiều khó khăn và thách thức nhất định, bà Hà cho biết.

Cụ thể, khung pháp lý hiện nay chưa đề cập các hoạt động bảo hiểm với các mô hình kinh doanh mới. Đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm có thể phá vỡ sự ổn định của thị trường, dẫn đến tình trạng khó quản lý, khó kiểm soát các kênh phân phối sản phẩm của các DNBH tới khách hàng.

Thách thức này đặt ra những khó khăn nhất định cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý, kiểm soát quá trình hoạt động của DNBH khi vận hành insurtech.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của insurtech. Để đáp ứng với việc ứng dụng công nghệ trong insurtech, các doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao, am hiểu công nghệ.

Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý về insurtech để đảm bảo các hoạt động của insurtech diễn ra an toàn.

Vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân là thách thức của fintech nói chung và insurtech nói riêng. Điều này đòi hỏi các DNBH phải đầu tư mạnh vào công nghệ để giảm rủi ro mất dữ liệu cá nhân của khách hàng.

Ngược lại, đối với những sản phẩm phụ thuộc vào công nghệ, DNBH còn phải đối mặt với rủi ro người bảo hiểm sử dụng công nghệ để trục lợi bảo hiểm.

Hiện nay, chi phí đầu tư vào insurtech lớn. Để số hóa các khâu trong quy trình bảo hiểm cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, các DNBH phải đầu tư lớn vào công nghệ trong khi lợi nhuận không cao khiến việc đầu tư dài hơi vào insurtech là trở ngại rất lớn.

Ngoài ra, sự biến động không ngừng của nền kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính của các DNBH. Điển hình như mức lãi suất thấp đặt áp lực lên hiệu quả hoạt động tài chính của các công ty. Khách hàng có xu hướng không muốn mua bảo hiểm nếu có mức lãi suất thấp và đây là nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm doanh thu cũng như lợi nhuận của các DNBH.

Để tạo cơ hội phát triển bền vững cho insurtech, bà Hà khuyến nghị: Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý về fintech nói chung và insurtech nói riêng để đảm bảo các hoạt động của insurtech được diễn ra an toàn và thuận lợi.

Cùng với đó là chú trọng đẩy mạnh mối liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ với các DNBH truyền thống; phát triển các website so sánh giá; hình thành sàn giao dịch thông minh hoặc các ứng dụng thương mại điện tử chuyển giao dịch các sản phẩm bảo hiểm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so/cong-nghe-bao-hiem-va-thach-thuc-cho-nha-quan-ly-doanh-nghiep/20230518084556072