Công lý vẫn tồn tại, sự thật vẫn là sự thật

'Thành công của tác phẩm không chỉ là việc gia đình quyết tâm theo đuổi đến cùng sự việc, tìm lại lẽ phải và môi trường giáo dục cho con mà còn là sự quyết tâm theo đuổi sự việc đến cùng của các cơ quan báo chí, sự lên tiếng của nhiều luật sư và đặc biệt là sự lên án mạnh mẽ của dư luận. Có lẽ ít sự kiện xã hội, đặc biệt là sự việc viết về trẻ em nào lại có sự tham gia đồng tâm như thế' – đó là chia sẻ của Nguyễn Huyên – phóng viên báo Lao Động.

Nguyễn Huyên – phóng viên báo Lao Động là tác giả giành 3 “Giải thưởng Báo chí về Trẻ em” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Tổ chức Cứu trợ trẻ em tổ chức.

Bài học sâu sắc, thậm chí là “đắt giá” cho mỗi người

+ Là một phóng viên trẻ mà có tên trong tận 3 tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi của giải Báo chí về Trẻ em vừa qua, quả thực là một dấu ấn khó quên đối với một người trẻ thế hệ 9X?

- Đúng vậy. Nhận được giải thưởng này đối với cá nhân tôi, giống như một món quà kỳ diệu dành cho những nỗ lực và cố gắng trong suốt năm 2016, 2017 vậy. Nhưng quả thực, giải thưởng vừa là động lực nhưng cũng là áp lực lớn hơn đối với một người làm nghề, luôn nghĩ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong những tác phẩm tiếp theo. Nhưng hơn hết, ý nghĩa lớn nhất không nằm ở giải thưởng mà là những giá trị mang tính xã hội của tác phẩm, sự công bằng đối với cá nhân những người trong cuộc và bài học sâu sắc, thậm chí là “đắt giá” cho mỗi người.

Phóng viên Nguyễn Huyên

+ Tôi rất ấn tượng về tác phẩm được giải Nhất của bạn, loạt bài “Hãy lên tiếng vì trẻ em!” viết về sự việc cô giáo Hiệu trưởng, hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên Hà Nội trong sự việc đâm ô tô vào học sinh Trần Chí Kiên. Câu chuyện ấy có thể được coi là cuộc chiến “đi tìm chân lý và sự công bằng”?

- Nói là cuộc chiến “đi tìm chân lý và sự công bằng” thì có lẽ hơi lớn nhưng xét ở một góc độ nhất định thì có ý đúng. Khi đi làm, rất nhiều các anh chị em phóng viên các cơ quan báo chí đã cùng lên tiếng trong sự việc này. Thành công của tác phẩm không chỉ là việc gia đình quyết tâm theo đuổi đến cùng sự việc, tìm lại lẽ phải và môi trường giáo dục cho con mà còn là sự quyết tâm theo đuổi sự việc đến cùng của các cơ quan báo chí, sự lên tiếng của nhiều luật sư và đặc biệt là sự lên án mạnh mẽ của dư luận. Có lẽ ít sự kiện xã hội, đặc biệt là sự việc viết về trẻ em nào lại có sự tham gia đồng tâm như thế. Tôi cũng may mắn là một trong những người tham gia “cuộc chiến” này. Đây là điều ấn tượng mà không phải một sự việc nào cũng có thể có.

+ Thành công của loạt bài là tính thời sự cùng với việc đeo bám sự việc đến cùng. Chắc hẳn có không ít những gian khó khi thâm nhập thực tế? Bạn có thể chia sẻ thêm về quá trình tác nghiệp loạt bài này?

- Rất nhiều khó khăn mà chúng tôi phải kiên nhẫn, từng bước thu thập tài liệu, gặp gỡ với nhân chứng, những người liên quan để tìm ra sự thật. Với loạt bài này, nhiều khi chúng tôi cảm giác như có thể sẽ lại đi vào “bế tắc” khi không thể tìm ra bằng chứng xác thực cho vụ việc. Chỉ đến khi cô giáo Trần Thị Thu Nhung, cô giáo Nguyễn Thanh Tú và cô giáo Vũ Thị Mừng đã cung cấp nhiều thông tin chứng minh sự không trung thực của cô Hiệu trưởng Tạ Bích Ngọc cùng các cô trong Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường thì sự việc như được mở nút thắt quan trọng nhất. Sau khi 3 giáo viên lên tiếng, 18 giáo viên tiếp tục gửi “Thư bày tỏ” tới các cơ quan báo chí.

Trong câu chuyện buồn gây xôn xao dư luận này, cô giáo Trần Thị Nhung – giáo viên chủ nhiệm của cháu Trần Chí Kiên – lại là một điểm sáng về tinh thần dũng cảm, dám nói lên sự thật dù sự thật đó đứng ở phía ngược lại với những gì mà lãnh đạo của mình đã nói ra. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự kiên trì của anh Trần Chí Dũng – bố cháu Trần Chí Kiên đã kiên trì hơn 3 tháng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, cho báo chí để tìm lại lẽ phải cho con rồi sau đó cả năm trời cùng con hồi phục sức khỏe. Đây mới chính là những người đáng khâm phục và đáng vinh danh trong câu chuyện này. Họ tiếp thêm động lực cho chúng tôi – những người làm báo có thêm sức mạnh, luôn tin tưởng và đi tìm công lý cho nhân vật của mình. Khẳng định một điều rằng công lý vẫn tồn tại, sự thật vẫn là sự thật. Bởi thực tế đi làm, chúng tôi gặp phải nhiều trường hợp mà chính những người trong cuộc chùn bước trước áp lực của dư luận, trước sự bao biện của những người có chức quyền khiến họ mất đi niềm tin vào công lý.

Chúng tôi luôn phải đặt mình vào nhân vật

+ Tác phẩm đoạt giải Nhì của bạn là câu chuyện Bố mẹ ly hôn, trẻ em đối diện nạn bạo hành. Đây là vấn đề mang tính xã hội cao, dù không mới nhưng là những nỗi đau... không của riêng ai. Nhưng điều gì khiến bạn và đồng nghiệp quyết tâm theo đuổi đề tài này để có loạt bài viết lay động lòng người đến vậy?

- Như chị nói đấy, nỗi đau này không của riêng ai. Cả tôi và đồng nghiệp của tôi là anh Ngô Cường đều là những người còn rất trẻ, chưa lập gia đình nên những trải nghiệm thực trong cuộc sống hôn nhân gia đình vô cùng hạn chế. Thế nhưng, chúng tôi luôn phải đặt mình vào nhân vật, mỗi một nhân vật, một câu chuyện tôi đều dành hết tình cảm và coi nhân vật như chính người thân của mình, câu chuyện, hoàn cảnh của nhân vật như chính câu chuyện, hoàn cảnh của mình. Có lẽ vì luôn đặt mình vào người khác để sẻ chia, để cảm thông mà chúng tôi có quyết tâm cao nhất theo đuổi đề tài này.

+ Chủ đề về “ly hôn, nạn trẻ em bị bạo hành” có lẽ không phải là chuyện dễ nói bởi ở góc độ này là tàn nhẫn, góc độ kia lại cần được nhìn ở sự bao dung... Hai mặt của vấn đề vẫn tồn tại song song chứ không phải là chuyện đúng, sai rõ ràng như nhiều vụ việc khác. Với bạn, chắc hẳn cũng không ít những cuộc “đấu tranh tâm lý” khi đặt bút viết?

- Đúng vậy. Có những tác phẩm trước khi gửi đăng bài, tôi đều phải giằng xé trước việc có gửi đăng không khi những chi tiết đôi khi quá rùng rợn, quá dã man hay có những khi người gây bạo hành cho trẻ là những người thiếu hiểu biết về pháp luật, chịu nhiều áp lực mới gây nên những hành động như thế. Chúng tôi cũng tìm hiểu xem người tố cáo, người cung cấp thông tin cho phóng viên có ý đồ gì, mục đích của họ là để bảo vệ trẻ em hay dùng việc bảo vệ trẻ em vào một mục đích khác không hề trong sáng? Có 2 trường hợp mà tôi đã phải giằng xé rất nhiều khi đăng bài. Trường hợp thứ nhất là em bé lớp 7 ở Thái Nguyên bị bạn bè trong lớp bạo hành suốt gần 2 năm với những hành vi dã man như cả nhóm xúm lại đập ghế, ném chổi, ngồi lên đầu... Khi đăng bài này, tôi xác định em đó có thể bị bạn bè tiếp tục xa lánh, bị nhiều giáo viên gây áp lực, người cung cấp thông tin cũng sẽ bị kỷ luật, bị những người có liên quan vì thành tích, vì bao che, những bậc phụ huynh của học sinh vi phạm mắng chửi...

Nhưng rồi vẫn phải quyết định làm vì nếu mình không lên tiếng thì chẳng ai dám nói và rồi sự việc sẽ lại tiếp tục kéo dài. Cách tốt nhất là chuẩn bị trước tâm lý cho cháu bé và người cung cấp thông tin, bảo vệ họ đến cùng. Trường hợp thứ 2 là việc cô giáo ở Hà Nội bạo hành con chồng. Cô giáo sinh năm 1989 mà đã một nách 4 đứa con nhỏ, gia đình lại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên có những hành vi đánh đập, chửi bới trẻ nhỏ. Rồi cũng có những thông tin nói rằng người tố cáo vì không thỏa thuận được về mức tiền để “im lặng” cho sự việc này nên mới lên tiếng tố cáo. Chúng tôi phải xác minh rõ các thông tin và cuối cùng vẫn chọn phương án bảo vệ trẻ em và bảo vệ lẽ phải mặc dù trước đó cũng có sự giằng xé và có đôi chút thông cảm cho cô giáo. Tất cả các trường hợp cháu nhỏ bị bạo hành chúng tôi làm đều có điểm chung là cha mẹ ly thân, mỗi người một nơi con ở với ông bà hoặc con riêng ở với mẹ kế hay bố dượng... Qua nhiều câu chuyện chúng tôi muốn đưa đến bạn đọc một thông điệp, dù bố mẹ không thể chung sống nhưng phải tạo môi trường tốt nhất cho con.

+ Xin cảm ơn bạn !

An Vinh (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/cong-ly-van-ton-tai-su-that-van-la-su-that-35347