Công Lý,Tiến Minh 'hóa ma' xuất thần trên sân khấu kịch Hà Nội

Khán giả yêu sân khấu kịch nói tại thủ đô vừa được thưởng thức một vở chính kịch đặc sắc do các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn. Vở diễn 'Mảnh đất lắm người nhiều ma' (Tác giả: Tiến sỹ Lê Mạnh Hùng, đạo diễn: NSND Lê Hùng).

"Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường được hoàn thành năm 1990. Đây là tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn xuất sắc và được dựng thành bộ phim truyền hình dài tập "Đất và Người" gây tiếng vang trong lòng khán giả, bộ phim đã lột tả chân thực về bức tranh của nông thôn miền Bắc Việt Nam thời kỳ đổi mới với sự ấu trĩ của bộ máy chính quyền địa phương và sự hận thù, đố kỵ của những dòng tộc trong làng, xã.

Từ một tác phẩm văn học đồ sộ, Tiến sỹ Lê Mạnh Hùng đã chuyển thể thành một vở kịch nói và được đạo diễn "phù thủy sân khấu" - NSND Lê Hùng hóa phép cho tập thể nghệ sĩ diễn viên của Nhà hát kịch Hà Nội tái hiện vô cùng xuất sắc trên sân khấu của Rạp Công Nhân - 42 Tràng Tiền.

Tuy nhiên, thành công lớn nhất thuộc về hai nam diễn viên Tiến Minh và Công Lý. Trên sân khấu kịch Hà Nội, hai nam diễn viên đã "hóa ma" một cách xuất thần và tạo nỗi ám ảnh kinh hoàng với khán giả thủ đô.

Những con ma của làng Giếng Chùa ảnh ám ảnh người xem

Chỉ với 110 phút trên sân khấu, vở diễn “Mảnh đất lắm người nhiều ma” mở ra một không gian u tối, nặng nề. Câu chuyện xoay quanh mối thù hận, tranh chấp, đấu đá kéo dài từ nhiều đời giữa hai dòng họ Vũ Đình và Trịnh Bá ở làng Giếng Chùa. Những hệ lụy từ mối thù truyền kiếp này khiến cho số phận những con người như bà Son, Đào, Tùng, ông Hàm, ông Thủ, ông Phúc ... bị rơi vào vòng xoáy khắc nghiệt tưởng chừng như không có hồi kết. Vở diễn thể hiện sâu sắc những vấn đề chìm và nổi, bề mặt và chiều sâu của các vấn đề gia tộc và dòng họ, hôn nhân và gia đình, các mối quan hệ công và tư, quan hệ làng xóm và lề thói nông xã ...

Tất cả những bóng ma màu trắng di chuyển vật vờ trên nền ánh sáng nhàn nhạt, tạo cho người xem sự liêu trai, rờn rợn và lành lạnh như đang ở nghĩa địa. Ma người, người ma lẫn lộn hư hư, thực thực cứ lởn vởn quẩn quanh cái địa danh xóm Giếng Chùa.

Những con ma luôn ẩn mình dưới gốc đa làng và chứng kiến tất cả mọi chuyện của làng Giếng Chùa

Đạo diễn đã ghi điểm ngay màn đầu tiên, khi dụ người xem lạc vào thế giới của ma và bị chi phối bởi chính những con ma trong xóm Giếng Chùa ấy.

Hình ảnh cây đa cổ thụ nơi người ta định vị trong tâm thức là quê hương là nguồn cội, bao hồn ma ẩn nấp dưới gốc đa làng và ngày đêm rủ rỉ bao chuyện dở hay, khóc cười của làng. Cây đa trở thành chứng nhân duy nhất chứng kiến những mọi câu chuyện buồn của vùng quê không yên ả này.

Làng Giếng Chùa trong màn đêm tăm tối với những bóng ma chơi chấp chới, ẩn hiện trong gốc cây đa cổ thụ gần cạnh chiếc giếng, khi cười, khi nói, khi chạy nhảy, la hét, khóc lóc om sòm bằng những âm vực của cõi âm văng vẳng, rờn rợn.

Công Lý - Trịnh Bá Hàm thành ma bởi hậu quả của sự ghen tuông, hẹp hòi, ích kỷ và sầu hận.

"Con ma" Hàm thọt - (NSUT Công Lý thể hiện) xuất hiện trong bộ dạng của một người đàn ông khắc khổ, với vẻ hận sầu u ám, ông ta ôm nặng mối thù truyền kiếp với dòng họ Vũ Đình. Cả một đời loanh quanh trong phạm vi làng xã với những tư tưởng cố hữu đất lề quê thói đã khiến cho người đàn ông này bị cột chặt vào những nếp nghĩ cũ kỹ đến nghiệt ngã.

NSUT Công Lý và Tiến Minh trở thành hai "con ma" đáng sợ trên sân khấu

Hàm "thọt"- người đàn ông tàn độc, đánh chửi vợ, xúi giục, ép buộc bày mưu tính kế cho em trai đi trả thù bằng mọi cách.

"Ngày bố mất, bố chỉ dặn một mình tôi vì bức tranh hổ phù bị chọc mù mắt, mấy mẫu ruộng ở cánh đồng làng Giếng Chùa bị mất trắng vào tay nhà họ Vũ Đình sau vụ chạy chức chánh tổng. Ai cũng tưởng thày ra đi thanh thản, nhưng chỉ mình tôi biết, thầy ôm cục hận to." (Lời thoại của Hàm với em trai là Thủ)

Hàm thọt luôn xuất hiện với vẻ u uất, nặng trĩu những mối hận sầu, không từ cả những thủ đoạn ác hiểm, thâm độc nhất. Chi tiết, một ông già thọt chân đi lê lết ra cánh đồng làng trong đêm thanh vắng rồi thuê người đào mồ, xới mả đốt khói hương trầm khấn vái những lời cay độc ám ảnh người xem đến tột cùng.

Những lời trù úng hiểm độc vang lên từ con ma già Trịnh Bá Hàm là đỉnh điểm của sự căm phẫn, oán thù nghiệt ngã: "Họ Vũ Đình ba đời tuyệt tự, hữu nữ, vô nam, hữu sinh vô dưỡng . Gái thì đẻ ngược , giai chết không mồ. Đứa ngã xứ Đoài, đứa vùi xứ Đông , đứa sống chạy rông , quanh năm khốn khó. Trồng dâu ra cỏ , trồng lúa ra lau. Gieo cà ra ớt. Quanh năm lận đận , hết đường sinh nhai".

"Tao sẽ đào cả họ nhà mày đến tán gia bại sản mới thôi, bố thằng nào chọc mù mắt hổ phù trên tranh thờ nhà tao, để hổ thần giận rút gân tao nên tao mới chân ngắn, chân dài thế này." (Lời thoại của Hàm với Tùng ngay trong đêm Hàm đào mả bố của Tùng để yểm bùa và bị bắt ngay tại chỗ)

Ông Hàm thọt dù yêu vợ nhưng không vượt qua được sự ích kỷ và hận thù

Ông Hàm hà khắc với vợ và con, sự tàn nhẫn ấy chung quy cũng bởi con ma của sự ích kỷ, của nỗi ghen tuông, sự thâm thù đã dày vò và chế ngự mọi hành động của ông.

Kẻ thù không đội trời chung với Trịnh Bá Hàm là Vũ Đình Phúc, mối thù càng thâm sâu bởi Phúc cũng là người đã từng cướp đi "cái ngàn vàng" của Son, trước khi Son trở thành vợ của Hàm.

Nghiễm nhiên Son trở thành kẻ tội đồ trong mắt ông Hàm, bà phải gánh tất cả mọi sự cay đắng, tủi nhục và chịu đựng mọi cơn thịnh nộ của chồng, miễn sao có được sự "im lặng" .

Một người chồng chưa đủ sự bao dung vị tha đúng nghĩa, những tư tưởng cũ rích bám rễ, ăn sâu vào trí não và chi phối tất cả mọi hành động của ông, khiến ông càng thêm bội phần cay độc. Đó là chi tiết ông cầm những đồng tiền ném xuống như bố thí cho Son (NSUT Huệ Linh) - người vợ của ông rồi ông rít răng, nghiến hàm ken két khi nhắc tới Phúc - "tình cũ" của vợ.

Bao nhiêu ngôn từ cay nghiệt xúc phạm, chì chiết, đay nghiến xổ ra khi ông Hàm nói với vợ là một thực tế cho thấy chuyện đó vẫn thường xảy ra ở nhiều vùng miền, thân phận người phụ nữ ở nông thôn, nhất là phụ nữ bị điều tiếng về chuyện tình ái, tiết trinh đều chịu chung một bản án là sự khinh miệt, rẻ rúm và thậm chí là sự ô nhục của gia đình đến hết đời.

Son đã chịu bao tủi hổ khi về làm vợ Hàm. Sự cam chịu, nhẫn nhục, bế tắc sống mòn trong gia đình Hàm là hệ quả của những dư luận làng xã đã cố tình trói buộc, ghì xiết như cái thòng lọng ở cổ của Son.

NSUT Linh Huệ diến xuất rất thành công trong vai Son (vợ của Hàm thọt)

Nhưng, hình ảnh đọng lại đắt giá nhất với vai diễn Hàm thọt của Công Lý chính là phân đoạn đi tìm vợ. Thực lòng ông Hàm có yêu vợ, nhưng ông không thể bước qua được sự tha thứ để cảm nhận được tình yêu đúng nghĩa. Chỉ tới khi bà Son tìm đến cái chết một cách đầy tức tưởi và oan uổng thì ông Hàm mới ngộ ra tất cả. Tiếng ông Hàm gọi vợ như xé ruột, xé gan vọng vào đêm buốt thấu.

Khán giả nhìn thấy những bước chân cao thấp, nặng nề khó nhọc đi quanh làng, từng hàng nước mắt rơi trên gương mặt khắc khổ của ông Hàm rồi chảy ròng ròng xuống sân khấu, cả cơ mặt của người đàn ông đau khổ ấy giật lên liên hồi, quai hàm nổi bành lên đầy gân cốt, đôi mắt như vô hồn và đôi tay run rẩy nâng vành khăn tang.

Lúc này, Công Lý làm cho không gian trùng xuống, nhiều tiếng nấc nghẹn ngào của khán giả đã cảm thông với nỗi mất mát của ông Hàm. Từ sự ghét bỏ ông, họ chuyển sang trạng thái thương cảm. Công Lý đã nhập vai xuất thần trong vở chính kịch "Mảnh đất lắm người nhiều ma". Qua đó cho thấy Công Lý không chỉ giỏi lấy tiếng cười của khán giả mà việc lấy nước mắt của họ mới thực sự là biệt tài của anh.

Tiến Minh -Trịnh Bá Thủ thành ma vì sự tàn độc, tham lam, đểu cáng và đê tiện.

"Mảnh đất lắm người nhiều ma" còn thành công, bởi vai diễn Trịnh Bá Thủ (do diễn viên - nhạc sĩ Tiến Minh đảm nhận).

Tiến Minh ít có cơ hội được thể hiện tài năng diễn xuất mà thường đảm trách việc làm nhạc cho vở diễn của nhà hát, điều đó khiến cho khán giả quên mất vai trò của Tiến Minh là một diễn viên của nhà hát Kịch thủ đô. Ít có những vai chính, (ngoại trừ vai diễn ấn tượng là Chúa Trịnh (vở Trạng Quỳnh) và một số vai diễn trong phim truyền hình thì Tiến Minh không có nhiều cơ hội thể hiện tài năng diễn xuất. Nhưng, Tiến Minh được nhớ đến nhiều hơn với vai trò là một nhạc sĩ có những ca khúc gây sốt viết cho hàng loạt phim truyền hình ăn khách và những bản hit trên thị trường âm nhạc như: Đi qua bóng tối, Vệt nắng cuối trời, Con đường hạnh phúc, Nơi tình yêu bắt đầu...

Tiến Minh - Trịnh Bá Thủ bí thư đảng ủy xã - tham quyền, cố vị không từ nan mọi thủ đoạn đê tiện để giữ ghế

Đạo diễn NSND Lê Hùng có con mắt thần khi nhìn thấy khả năng của Tiến Minh, ông đã giao cho Tiến Minh một cơ hội và sự hóa thân của Tiến Minh đã không phụ lòng đạo diễn và khán giả.

Trịnh Bá Thủ là một vai vô cùng nặng ký, vai diễn đòi hỏi người diễn viên phải lột tả được sự thâm độc, tàn nhẫn, đểu cáng đến tột cùng.

Chính đạo diễn Lê Hùng đã "đo ni, đóng giày" cho Tiến Minh. Có lẽ việc được giao đảm trách phần âm nhạc cho vở kịch này đã khiến Tiến Minh có cơ hội thâm nhập vào từng cảnh ngộ, từng chi tiết cụ thể của đường dây kịch bản. Điều này giúp anh khi hóa thân vào nhân vật rất tự nhiên và tạo những điểm nhấn, nút thắt xiết chặt hơn các hành động và các mối liên hệ của nhân vật.

Trịnh Bá Thủ em trai của Trịnh Bá Hàm cũng mang trong mình mối hận truyền kiếp với dòng họ Vũ Đình. Thủ vốn là "bí thư đảng ủy" của địa phương nên nắm trong tay mọi quyền hành, lợi dụng chức vụ Thủ không từ nan một mưu đồ gì hòng giữ ghế và kéo bè cánh, đảng phái để đạt mục đích của mình, kể cả đó là sự đê tiện nhất khi Thủ đưa người chị dâu tội nghiệp vào kịch bản của mình.

"Ta phải ra tay gấp, phải làm tình cảm mới xong, tối nay em sẽ cho họp Đảng ủy , khoảng 10h bá ra chỗ gốc đa đàu làng đợi lão Tùng đến nhé...Còn cái việc của bá ngày xưa thì cả cái làng này ai chả biết, bá ngủ với lão Phúc ... Bá phải làm như vậy để cứu được bá Thủ, chồng của bá và giữ được uy tín của dòng họ Trịnh Bá này." (Lời dọa nạt của Thủ với chị dâu khi buộc chị dâu phải hành động theo kế hoạch của Thủ)

"Con ma" Thủ dùng mọi kế ép buộc người chị dâu tội nghiệp phải làm theo kế hoạch do hắn bày ra

Độ ác hiểm, thâm độc và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của Thủ khiến người xem cảm thấy ghê tởm hắn và càng xót thương cho thân phận bọt bèo của Son.

Từ cái dáng vẻ to béo, bộ mặt thồn thộn, giọng cười man dại, khả ố, dáng đi cung cúc lềnh lệch và giọng nói vừa có chất nhừa nhựa, vừa có tiếng rin rít của dao mài trên đá, vừa như có gió lùa vào rờn rợn, vừa có tiếng nghiến sin sít nơi kẽ răng khiến cho độ nham hiểm và đểu cáng của Trịnh Bá Thủ càng rõ nét.

Chuyện ăn đứng, dựng ngược, vu khống và lập mưu hèn kế bẩn hãm hại người khác diễn ra để hạ bệ nhau là chuyện không xa lạ gì, nhất là trong bộ máy chính quyền làng xã, dòng tộc...Trịnh Bá Thủ - một bí thư đảng bộ xã, mượn mác đảng viên lộng hành rồi ỷ thế làm nhiều điều xấu chiếm đoạt ruộng đất, công sức lao động của dân lành.

Tuy nhiên, những việc làm của Trịnh Bá Thủ với chính người chị dâu là đỉnh điểm của tội lỗi, đã dồn ép và xô đẩy Son tới bước đường cùng và chỉ có cái chết mới khiến mọi việc được cởi nút.

Chuyện tình ái không trong sáng ở làng quê luôn mang nhiều dư luận, hệ quả xấu và người phụ nữ phải chịu tất cả

Người xem chuyển từ trạng thái căm phẫn, khinh bỉ Trịnh Bá Thủ sang sự sợ hãi và ghê tởm, điều đó cho thấy Tiến Minh rất thành công với vai diễn chính kịch có nhiều diễn biến tâm lý phức tạp và có nhiều hành động kịch rất xương này.

"Mảnh đất lắm người nhiều ma" chồng chéo những mối quan hệ gia đình, dòng họ, làng xã. Chuyện muôn năm xưa cũ đã bám sâu trong tư tưởng của người dân, hằn thành vết thương sâu, vết thương ấy lúc nào cũng ung mủ và chỉ chờ có dịp vỡ ra. Nạn nhân, tội nhân nảy sinh từ thói những định kiến, từ thói ích kỷ và sự suy diễn thiển cận.

Nói như lời của Trịnh Bá Hàm "Chuyện giữa các dòng họ không bao giờ là cũ cả".

"Mảnh đất lắm người nhiều ma" ngoài nước mắt, sự uất ức, nghẹn ngào còn có điểm thú vị, hài hước. Đó chính là nhân vật chủ tịch xã "bù nhìn" do diễn viên Trần Tuấn đảm trách. Sự xuất hiện của vị chủ tịch xã đủ mang lại tiếng cười và làm cho vở diễn giảm bớt đi sự u ám, nặng nề, điều đó còn phản ánh một thực tế về năng lực, trình độ yếu kém của đội ngũ cán bộ ở tuyến dưới, những con người thì sống vật vờ, mờ nhạt và lặng lẽ như những bóng ma, để những con ma hoành hành rồi lại đội lốt người để điều khiển và vận hành bộ máy chính quyền theo cách của chúng.

Tình yêu của Tùng và Đào hóa giải và mở ra lối thoát cho hai dòng họ

Tia sáng lóe lên ở phần cuối cùng của vở diễn, cũng là mở ra niềm hy vọng và lối thoát cho sự bế tắc của cả mảnh đất Giếng Chùa, hóa giải mối oán thù truyền kiếp của hai dòng họ, đó chính là tình yêu và cuộc hôn nhân của đôi trẻ Đào và Tùng.

Trong lúc đời sống văn nghệ của thủ đô quá sặc sỡ với những gam màu lòe loẹt và những âm thanh ồn ào, sáo rỗng thì "Mảnh đất lắm người nhiều ma" phiên bản kịch nói, do NSND Lê Hùng đạo diễn và tập thể nghệ sĩ diễn viên Nhà hát kịch Hà Nội thể hiện thực sự là món ăn tinh thần đáng thưởng thức, là một vị mặn góp phần làm cho đời sống văn nghệ của thủ đô đậm đà hương vị của nghệ thuật đích thực.

Ngân An

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/cong-lytien-minh-hoa-ma-xuat-than-tren-san-khau-kich-ha-noi-96131