Công lý nào cho phụ nữ Ấn Độ?

Gần 5 năm đã trôi qua kể từ ngày đen tối định mệnh đối với cô sinh viên y khoa Ấn Độ Jyoti Singh, 23 tuổi.

Cô bị 6 gã thanh niên cưỡng hiếp trên xe buýt ở Delhi và bị đánh đập tàn nhẫn cùng với bạn trai Awindra Pandey sau khi xem phim xong và lên xe buýt lúc 21 giờ 30 phút ngày 16-12-2012.

Sau khi hành hạ họ hơn 1 giờ, lũ yêu râu xanh ném cả 2 người xuống đường. Jyoti bị thương rất nặng nhưng cô chống chọi với tử thần để báo bằng được những cái tên mà cô nghe được cho cảnh sát.

Thủ tướng Ấn Độ lúc đó, ông Manmohan Singh và nội các của ông đã đưa ra một quyết định khác thường: Đưa Jyoti sang chữa trị tại một bệnh viện ở Singapore. Tuy nhiên, theo báo The Guardian, dư luận cho rằng lý do thực sự của động thái trên là không ai muốn cô gái chết ở một bệnh viện Ấn Độ bởi đó sẽ trở thành điểm tập trung của nhiều cuộc chống đối bạo lực hơn nữa.

Ngoài ra, nhà chức trách Ấn Độ vào thời điểm đó không cho phép công bố danh tính cô gái, thậm chí còn viện dẫn luật và hăm dọa 2 năm tù giam đối với ai làm như vậy. Bất chấp sức ép, cha mẹ của Jyoti, bà Asha Devi và ông Badrinath Singh, đã đồng ý tiết lộ tên con gái.

Cha mẹ của Jyoti Singh vẫn đang chờ đợi công lý cho con gái Ảnh: INDIA TODAY

Cha mẹ của Jyoti Singh vẫn đang chờ đợi công lý cho con gái Ảnh: INDIA TODAY

Jyoti qua đời 13 ngày sau khi bị hãm hại. 5 năm trôi qua, một phong trào bảo vệ nữ giới, những cuộc tranh luận nảy lửa liên tục nổ ra ở Ấn Độ. Tài xế taxi được khuyến cáo không liếc mắt với ý xấu với khách, một đồn cảnh sát toàn nữ đầu tiên ra mắt ở ngoại ô Delhi, các chương trình giới tính bắt buộc trong trường học, tòa án tối cao nghiêm cấm tục ly hôn tức thời... là những thắng lợi đạt được.

Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy sự đối xử với phụ nữ ở Ấn Độ chẳng thay đổi bao nhiêu. Hầu hết các cô gái trẻ vẫn cảm thấy không an toàn khi đi một mình ngoài đường phố vào ban đêm. Bà Swati Maliwal, Chủ tịch Ủy ban Delhi bảo vệ phụ nữ, cho biết từ năm 2012-2014, đã xảy ra 31.446 tội ác nhằm vào phụ nữ ở thủ đô Ấn Độ nhưng chỉ 150 vụ bị kết tội.

Hiện tại, bà Asha vẫn còn giận dữ bởi bọn người bị kết tội cưỡng hiếp và sát hại con gái bà chưa bị hành quyết dù đã bị xử tử hình. Bà phẫn nộ bởi tên trẻ tuổi nhất được xét xử riêng như tội phạm vị thành niên và đã tự do sau khi thụ án tù 3 năm.

"Đêm đêm tôi vẫn không thể ngủ yên giấc. Tôi không thể giải thích nổi chuyện những kẻ cưỡng hiếp và giết con gái tôi một cách tàn bạo vẫn sống nhởn nhơ. Tôi vẫn tự hỏi: Lỗi của Jyoti là gì? Cháu đã làm gì? Lúc này chúng tôi còn đang chờ đợi công lý" - bà Asha tâm sự.

Chồng bà, ông Badrinath, nói rằng điều đáng buồn nhất là các vụ cưỡng hiếp chỉ xảy ra với con gái nhà nghèo. Còn bà Asha quả quyết: "Tôi sẽ tiếp tục chống lại nạn cưỡng hiếp khi tôi còn sống, cho dù có ai đứng về phía tôi hay không".

Lục San

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cong-ly-nao-cho-phu-nu-an-do-20171204211853637.htm