Công lý bị bỏ quên

Có lẽ đến giờ này đôi bạn trẻ chơi trò ân ái trong rạp chiếu phim CGV cũng không thể nào tin nổi là hình ảnh của mình khi đó lại có thể bị camera của rạp chiếu phim ghi lại và đặc biệt là còn bị chính nhân viên rạp đó phát tán trên mạng xã hội, trở thành một đề tài của truyền thông, một chủ đề bàn cãi dữ dội của dư luận.

Hai sai không bằng một đúng

Tung hình ảnh sex của khách trong rạp chiếu phim lên mạng; post đoạn clip sex của khách hàng uống trà sữa lên facebook; bắt được đối tượng trộm chó, đánh, rồi cột con chó vào cổ của đối tượng để chụp ảnh loan truyền trên Internet…

Có rất nhiều câu chuyện vi phạm pháp luật được (hoặc bị) cho trôi qua một cách vô thanh vô ảnh, mặc dù nền tảng của xã hội văn minh chính là thượng tôn pháp luật.

Có quá nhiều những lời chỉ trích của cộng đồng mạng đối với hành động của cặp đôi này, nhân danh đạo đức, thuần phong mỹ tục. Hẳn cặp đôi này thấy mình rất dại dột khi quá háo hức với trò chơi ái tình dẫn đến nông nổi và cẩu thả: ân ái trong rạp chiếu phim.

Song, có suy nghĩ đi suy nghĩ lại, nghĩ tới rồi nghĩ lui thì họ cũng chỉ thấy mình ngu ngốc chứ không thể ngờ bị đối xử và bị lên án gay gắt như thế.

Vì sao nhân viên CGV lại thản nhiên tung hình ảnh nhạy cảm của khách hàng mình lên mạng? Để cảnh báo về hành vi đó chăng? Hay để câu like? Hay để lên án đôi nam nữ yêu đương? Nhưng dù có vì lý do gì thì đó cũng là một hành động mất trí.

Hẳn nhân viên đó đủ lớn để biết rằng, đó là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Và nhân viên đó hẳn cũng đã được CGV đào tạo về nguyên tắc phải bảo mật thông tin, hình ảnh của khách hàng của mình.

Ai vào rạp chiếu phim CGV cũng đều biết rằng, luôn có vài nhân viên trực trong lúc chiếu phim. Ai đó chỉ cần lấy điện thoại ra sử dụng, gác chân lên ghế hay to tiếng một chút,… là đều sẽ thấy nhân viên nhắc nhở ngay.

Minh họa: Hùng Dingo

Vậy những nhân viên hôm đó đã làm gì khi để đôi nam nữ kia thoải mái ái ân trên hàng ghế cao nhất mà không hề đến nhắc nhở, nhưng sau đó lại tung ảnh của họ lên mạng.

Thậm chí còn có xu hướng lên án đôi nam nữ này? Nếu muốn nhắc nhở, hẳn không phải là chuyện gì quá khó khăn bởi chỉ cần đến đứng cạnh đó thì chắc chắn sẽ ngăn được hành động này.

Nhưng lạ thay, tất cả những nhắc nhở thường thấy đó đã không diễn ra với trường hợp này và cuối cùng CGV có hình ảnh nhạy cảm của đôi nam nữ để tung lên mạng xã hội. Phải chăng đó là một sự cố tình?!

Đôi nam nữ kia có đáng lên án không? Vâng, đó là hành vi không phù hợp nơi công cộng. Tương tự như hành vi của một đôi nam nữ khác trong một quán trà sữa ở Thái Nguyên vậy. Họ khó có thể trách ai bởi sự dại dột của mình đã khiến cho họ phải trả giá.

Nhưng, cái giá mà họ phải trả có thể không quá đắt nếu như không có sự vô tâm ác ý của đồng loại. Cụ thể chính là hành vi của những người đã ghi lại hình ảnh này và sau đó phát tán lên mạng xã hội; đó mới là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Nhưng lạ thay, phản ứng của rất đông dư luận mạng xã hội lại không như vậy. Họ chỉ trích các đôi nam nữ mà không nhắc gì đến cái sai của người, của đơn vị đã tung hình ảnh nhạy cảm của khách hàng lên mạng!

Nhiều người chỉ thấy đôi nam nữ nhố nhăng, phản cảm mà “quên đi” cái cần lên tiếng để bảo vệ đó chính là công lý, là pháp luật. Người ta luôn nói về sự thượng tôn pháp luật nhưng lại dễ dàng bỏ qua nó chỉ vì một hình ảnh không vừa mắt của mọi người!

Nhưng càng lạ thay, chuyện cư dân mạng xã hội không lên tiếng đã đành, đằng này các cơ quan văn hóa, công quyền cũng im hơi lặng tiếng một cách bất ngờ trước những hành vi vi phạm nghiêm trọng như thế.

Nhớ trước đây, mỗi khi các người đẹp trong giới biểu diễn mặc trang phục hở hang, “lộ hàng” một chút trên sân khấu thì ngay lập tức bị cơ quan văn hóa tuýt còi xử phạt ngay.

Thậm chí, họ còn đau đầu để định lượng độ ngắn dài của cái váy để làm căn cứ quy định trang phục biểu diễn. Nhưng tuyệt nhiên họ lại im lặng như không có chuyện gì xảy ra đối với các vụ tung ảnh nóng lên mạng xã hội vừa qua?!

Có lẽ, đôi nam nữ trong rạp chiếu phim sẽ không đến để khiếu nại, đòi bồi thường đối với CGV. Song, phản ứng của dư luận xã hội và ngành văn hóa trong chuyện này là có vấn đề.

Nó cho thấy một khía cạnh về đời sống của pháp luật trong một xã hội thương tôn pháp luật rằng, đôi khi người ta lại quá dễ dàng bỏ qua những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng chỉ vì cảm xúc không vừa ý đẹp lòng nào đó. Đó mới thật sự là điều nguy hiểm của xã hội.

Khi người ta không mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ công lý chung của xã hội thì đôi khi công lý bị bỏ qua một cách dễ dàng trước những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Khi vụ tung ảnh nóng của khách hàng lên mạng không bị lên án, xử lý thì với tư duy đó, một ngày đẹp trời nào đó, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị phát tán hình ảnh đời tư lên mạng mà không được bảo vệ. Bởi vì khi đó, mọi người cũng sẽ nghĩ, anh/chị làm bậy thì ráng chịu!

Và với tư duy đó, lẽ phải có thể không còn được bảo vệ một cách chính đáng. Điều đó đã xảy ra khi lâu nay, thông tin cá nhân của rất nhiều người bị rao bán khắp nơi nhưng không một ai phải chịu trách nhiệm hay bị xử lý vì việc này cả

Đơn giản là vì, chẳng mấy ai quan tâm lên tiếng. Cũng vậy, đã có bao nhiêu trường hợp cá nhân, tổ chức sai phạm nhưng chỉ nhận trách nhiệm rồi thôi, bởi chẳng ai đòi phải xử lý họ theo pháp luật cả.

Câu hỏi đặt ra là xã hội sẽ ra sao khi công lý được người ta dễ dàng bỏ qua như thế? Khi đó, chắc chắn một điều rằng, sự an toàn của mỗi người sẽ không còn được đảm bảo bởi pháp luật nữa. Khi đó, sẽ có nhiều người lại than vì pháp luật không khác gì công lý trên truyền hình.

Hoàng Lãm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/17githang__-cong-ly-bi-bo-quen-505930/