'Cõng' lưu lượng xe quá lớn, vành đai 3 trên cao quá tải nghiêm trọng

'Tôi thường xuyên di chuyển trên vành đai 3 trên cao ở Hà Nội, mong muốn chạy xe với vận tốc 80km/h để tiện cho công việc, nhưng thực tế 'điệp khúc tắc' chỉ cho phép tôi đi 15km/h'.

Thời điểm cuối năm, tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường ở Hà Nội càng trở nên nghiêm trọng. Nhiều độc giả của VietNamNet gần đây gửi phản hồi về tình trạng ùn tắc liên tục xảy ra trên tuyến đường vành đai 3 trên cao (đoạn từ cầu Dậu đến Mai Dịch).

Anh Nguyên (trú quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Quê nội tôi ở tỉnh Bắc Ninh, thời gian đầu khi mới thông tuyến đường vành đai 3 trên cao, tôi về quê chỉ mất khoảng 40 phút. Nhưng 3 năm gần đây tôi ít lưu thông trên đoạn đường này. Mới đây nhất, ngày chủ nhật (15/11), tôi trở lại đi đường này và thật sự thất vọng, đoạn tắc kéo dài cả chục kilomet".

13 giờ ngày thứ Hai (16/11), lại xuất hiện ùn tắc, kéo dài cả chục km trên con đường này.

Theo chia sẻ của anh Nguyên, do đường trên cao quá tắc nên hàng nghìn phương tiện đổ xuống đường thấp gây tắc nghẽn cả trên và dưới, giao thông thật sự hỗn loạn.

Hình ảnh tắc đường vành đai 3 trên cao

Hình ảnh tắc đường vành đai 3 trên cao

Còn anh Nguyễn Hoàng Long (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Ngày nào tôi cũng di chuyển đến công ty làm việc ở quận Thanh Xuân, vì thế nhiều năm nay tôi chọn đi đường vành đai 3 trên cao. Tuy nhiên, vào khung giờ cao điểm, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tuyến đường trên cao này chưa thực sự phát huy được khả năng giảm tải ùn tắc giao thông".

Theo anh Long, các vị trí tắc đường thường xảy ra tại các điểm rẽ xuống hoặc đường dẫn lên đường trên cao. Anh dẫn chứng, tại vị trí đường Khuất Duy Tiến dẫn lên đường vành đai là 'điểm nóng', hầu như ngày nào cũng xảy ra ùn ứ cục bộ, ảnh hưởng đến cả giao thông bên dưới cũng như ở đoạn trên cao.

"Cứ đi được một đoạn, đến điểm các phương tiện rẽ xuống, đây là những điểm nghẽn khiến việc lưu thông trên đoạn đường này bị ảnh hưởng", anh Long nói.

Còn chị Lê Tuyết Lan (quận Thanh Xuân) bày tỏ bức xúc: "Tôi thấy việc cắm biển cho phép đi 80km/h thật sự vô nghĩa, đa phần tôi đi chỉ được 1/3 tốc độ cho phép, xe tôi đi chỉ đạt 15km/h, có hôm xe phải "bò" 5km/h".

Với gia đình anh Nguyễn Xuân, việc chịu cảnh ùn tắc trên vành đài 3 trên cao là việc thường xuyên trải qua. Anh cho biết: “Tôi và gia đình tuần nào cũng về Ecopark hoặc có công việc qua bên Long Biên từ 2-3 lần/ tuần, lựa chọn di chuyển hàng đầu là tuyến đường vành đai 3 trên cao. Tốc độ tối đa cho phép là 80km/h, tuy nhiên thường chỉ chạy ở khoảng 30-40km/h, không dám chạy nhanh hơn".

Theo anh Xuân, nguyên nhân ùn tắc là do mật độ phương tiện quá cao, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm hoặc những hôm trời mưa gió.

Ngoài ra, anh Xuân còn cho rằng, chất lượng mặt đường kém, nhiều đoạn bị mấp mô “lượn sóng” hoặc nhiều đoạn “sống trâu” lồi lõm khiến cho xe bị xóc hoặc tay lái bị rung lắc mạnh khi di chuyển, ví dụ như đoạn giao giữa Phạm Hùng – Nguyễn Trãi.

"Đặc biệt là đoạn qua nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ, mặt đường nhựa bị bào mòn khá nhiều, các khe co giãn, dầm cầu cạn bị sụt lún gây ra xóc mạnh và tiếng ồn khá khó chịu, mỗi lần đi qua đều phải đạp phanh giảm tốc độ. Có đôi lần phải phanh gấp, gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình ngồi trên xe” – lời anh Nguyễn Xuân.

Đường "cõng" gấp 2,5 lần lưu lượng cho phép

Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Đội trưởng đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) cho biết: Các lối dẫn lên xuống từ đường trên cao, vào các khung giờ cao điểm, CSGT đội 7 kết hợp với Công an quận, phường bố trí lực lượng điều tiết các phương tiện giao thông, tăng cường thêm cán bộ chiến sĩ tại các điểm giao cắt như ngõ 214 Nguyễn Xiển, giao cắt trên đường Nguyễn Trãi ngay đầu hầm chui Thanh Xuân.

Nguyên nhân xe di chuyển chậm trên đường vành đai trên cao do có nhiều giao cắt, từ Pháp Vân về đến Phạm Văn Đồng có đến 8 điểm giao cắt lên xuống, áp lực giao thông rất lớn, đây cũng là nguyên nhân ùn ứ các phương tiện trên đường trên cao.

Sở GTVT Hà Nội tới đây sẽ có các biện pháp phân luồng từ xa, điều tiết các phương tiện trên vành đai 3,5, vành đai 4 để giảm tải cho đường vành đai 3 trên cao.

Về các điểm giao cắt bất hợp lý trên địa bàn thuộc đội CSGT số 7 quản lý, ông Thắng cho biết thêm: Những ngày qua vào khung giờ cao điểm tại điểm quay đầu trước cửa hầm chui Thanh Xuân, CSGT đã bịt tạm điểm giao cắt này; việc bịt tạm điểm giao cắt đã phát huy hiệu quá.

Thời gian tới, Thanh tra giao thông Hà Nội sẽ tiến hành bịt cố định điểm giao cắt trước cửa hầm chui Thanh Xuân đoạn cổng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn.

Mới đây, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) báo cáo kết quả đếm lưu lượng phương tiện trên đường Vành đai 3 trên cao, đoạn từ cầu Dậu đến cầu Mai Dịch và ngược lại.

Thời gian Ban đo lưu lượng từ ngày 14/5 đến 21/5, kết quả đã tổ chức đếm xe 24/24h, thực hiện ở 4 vị trí và theo 2 phương pháp, bằng ống hơi và qua camera. Trong đó, phương pháp đếm xe dùng camera cho kết quả trung bình ở mỗi trạm gần 5 nghìn xe/giờ.

Từ số liệu trên, Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông cho biết, lưu lượng xe trên tuyến đường Vành đai 3 gấp khoảng 2,5 lần lưu lượng tiêu chuẩn. Do vậy, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra khi có các sự cố hoặc khi có sự gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông vào các dịp lễ, Tết.

Căn cứ số liệu đếm xe, vận tốc thực tế, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông kiến nghị Sở GTVT Hà Nội đề xuất đơn vị liên quan điều chỉnh giảm tốc độ khai thác trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn từ nút giao Pháp Vân đến cầu vượt Mai Dịch và ngược lại từ 80km/h xuống 60km/h.

Phạm Hải - Đoàn Bổng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/cong-luu-luong-xe-qua-lon-vanh-dai-3-tren-cao-dang-qua-tai-689511.html