Công khai sức mạnh Crimea - pháo đài phòng thủ mạnh nhất Nga

Xin giới thiệu bài viết với tiêu đề 'Crimea- một trong những khu vực phòng thủ mạnh nhất nước Nga' của chuyên gia quân sự Nga Yuferev Xergey.

Bài đăng trên “Bình luận quân sự” ngày 26/6/2018. Chúng tôi sẽ cập nhật một số thông tin mới nhất liên quan ở phần cuối của bài. Chúng tôi có bổ sung bản đồ để tiện theo dõi.

Sau đây là bài viết của Yuferev Xergey:

Đã 4 năm tính từ thời điểm Crimea sát nhập vào Nga. Trong khoảng thời gian từ đó đến nay, Nga đã thành lập mới một cụm quân tương đối lớn trên bán đảo này.

Bộ trưởng Quốc phòng LB Nga Xergey Shoigu đã từng tuyên bố là cụm quân Nga tại Crimea sẽ không cho đối phương tiềm năng xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Nga tại khu vực này có một bất kỳ cơ hội sống sót nào.

Ngoài ra, những hệ thống vũ khí chính xác cao bố trí trên bán đảo cũng giữ một vai trò rất quan trọng góp phần đảm bảo an ninh quốc gia của cả toàn nước Nga nói chung.

Những thông tin cơ bản về thành phần, biên chế lực lượng của cụm quân Nga tại Crinea đã được Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang LB Nga, Đại tướng Valeri Gerasimov công bố công khai từ tháng 11/2017 tại hội nghị cán bộ mở rộng Bộ Quốc phòng Nga.

Trong thành phần của cụm quân Nga tại đây, ngoài căn cứ hải quân, còn có 1 quân đoàn bộ binh và 2 sư đoàn khác – đó là 1 sư đoàn phòng không và 1 sư đoàn không quân. Ngoài ra, Hạm đội Biển Đen cũng được tăng cường một lực lượng đáng kể - hạm đội này đã nhận bàn giao thêm 6 tàu ngầm điện- diezel mới đóng, 3 tiểu đoàn tổ hợp tên lửa bờ “Bal” và “Bastion”.

Thêm nữa, Bộ Tư lệnh Hải quân Nga cũng đã mới điều thêm 2 khinh hạm là “Đô đốc Essen” và “Đô đốc Grigorovich” trang bị tên lửa có cánh phóng từ biển “Kalibr” đến phối thuộc với Hạm đội Biển Đen.

Lực lượng Lục quân Nga tại Crimea

Crimea có nhiều tên gọi được sử dụng rộng rãi. Giới quân nhân Nga thường dùng cụm từ “tàu sân bay không thể đánh chìm”. Và cách gọi đó cũng có lý của nó: Crimea nối với “đất mẹ” ở cực bắc bán đảo bằng eo đất (“cổ chai”) Perekop có chiều ngang rất hẹp (chỗ hẹp nhất chỉ có 7km).

Trước đây, khi cầu Criema nối bán đảo Kerch với bán đảoTamanski chưa thông tuyến thì nếu muốn đến Crimea bằng đường bộ thì chỉ có một tuyến đường ô tô duy nhất nối Ucraine với bán đảo qua “cổ chai” Perekop này.

Chính vị trí địa lý như vậy đã quyết định cơ cấu cụm quân bố trí ở Crimea- nó phải đủ mạnh và có khả năng hành động hoàn toàn độc lập trong một khoảng thời gian nhất định, bởi vì việc điều các đơn vị và binh đoàn đến tăng viện cho bán đảo chắc chắn sẽ rất khó khăn trong điều kiện đang diễn ra các hoạt động tác chiến ác liệt và đối phương cũng sẽ có những biệp pháp đối phó quyết liệt.

BTR-80 của Lữ đoàn bảo vệ bờ độc lập số 126, Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Lực lượng lục quân Nga chủ yếu trên bán đảo là Quân đoàn bộ binh số 22. Quân đoàn này được thành lập tháng 12/2016 từ các đơn vị bộ đội lục quân và bộ đội phòng thủ bờ trong biên chế của Hạm đội Biển Đen đóng quân trên bán đảo.

Như vậy, hiện Hải quân Nga vẫn tiếp tục thực hiện những biện pháp chưa từng có tiền lệ đối với lực lượng hải quân thế giới nói chung- đó là thành lập các binh đoàn bộ binh tương đối lớn nhưng lại nằm dưới sự chỉ huy của hải quân. Một ví dụ cụ thể như Quân đoàn bộ binh số 11 được thành lập trên lãnh thổ tỉnh Kaliningrad trước đây chẳng hạn.

Quân đoàn bộ binh số 22 tại Crimea giải quyết các nhiệm vụ phòng thủ bờ cho bán đảo và cả tiến hành các chiến dịch đổ bộ dưới sự hỗ trợ của các tàu hải quân. Về mặt tổ chức, Quân đoàn bộ binh số 22 nằm trong biên chế của Bộ đội phòng thủ bờ thuộc Hạm đội Biển Đen.

Các sỹ quan và binh sỹ của Quân đoàn này chịu trách nhiệm không chỉ phòng thủ tuyến duyên hải của bán đảo, mà còn phòng thủ trên eo đất Perekop nối Crimea với đất liền (và cũng là eo đất tách Biển Đen với Biển Azov).

Lực lượng chính của Quân đoàn- đó là Lữ đoàn bảo vệ bờ số 126 đóng quân tại làng Perevalnoe, khu Simferopol của Crimea. Lữ đoàn này có hai phần ba quân số là lính hợp đồng (lính chuyên nghiệp) và được trang bị các phuong tiện tác chiến hiện đại. Trong biên chế của lữ đoàn có 2 tiểu đoàn bộ binh cơ giới (trong đó có 1 tiểu đoàn sơn cước), 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ (đóng tại Feodoxia), 1tiểu đoàn tăng, 1 tiểu đoàn pháo phản lực phóng dàn, 1 tiểu đoàn sơn pháo, 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không và một số đơn vị khác.

Lữ đoàn 126 này mới được trang bị các phương tiện kỹ thuật quân sự mới, cụ thể – tiểu đoàn tăng của lữ đoàn được trang bị mới các xe tăng đã cải tiến sâu T-72BZ.

Đóng quân ngay cạnh Lữ đoàn 126 là Ban tham mưu Trung đoàn pháo binh phòng thủ bờ độc lập số 8. Mặc dù có tên gọi như vậy (phòng thủ bờ), nhưng một phần lực lượng của trung đoàn này chuyên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ tuyến đường bộ sang bán đảo qua eo đất Perekop.

Các khẩu đội pháo của trung đoàn sẵn sàng đánh trả bất kỳ đợt tấn công nào từ đất liền (theo đường bộ) bằng các tổ hợp pháo tự hành 152 ly “Msta-S”, các hệ thống pháo phản lực phóng loạt “Tornado-G” (biến thế cải tiến của “Grad”) và các tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành “Khrizantema”.

Trong biên chế của Quân đoàn bộ binh số 22 còn có Lữ đoàn tên lửa phòng thủ bờ độc lập số 15 chịu trách nhiệm bảo vệ Sevastopol chống tấn công từ hướng biển. Đấy là lực lượng tấn công chủ yếu trên bờ biển Crimea bởi vì trong trang bị của lữ đoàn này(số 15) có các tổ hợp tên lửa cơ động hiện đại “Bal” và “Bastion-P” phóng tên lửa có cánh Kh-35 và P-800 “Oniks” (“Bal”- tên lửa Kh-35, “Bastion”- tên lửa P-800).

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/cong-khai-suc-manh-crimea--phao-dai-phong-thu-manh-nhat-nga-3370108/