Công khai quy hoạch để nhân dân biết, chia sẻ

Khi xây dựng cần lấy ý kiến, khi quy hoạch xong cần công khai từng bước để dân biết. Mọi thắc mắc, ý kiến này nọ đều do chúng ta không công khai

Ngày 25-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, với quy hoạch cấp tỉnh cần có tầm nhìn từ 20 năm trở lên, quy hoạch của vùng từ 30 năm và quy hoạch quốc gia từ 50 năm trở lên.

“Cần công khai quy hoạch càng nhiều càng tốt cho nhân dân biết. Khi xây dựng cần lấy ý kiến, khi quy hoạch xong cần công khai từng bước để dân biết. Mọi thắc mắc, ý kiến này nọ đều do chúng ta không công khai”, ông Trí nói.

Ví dụ về xây dựng lại ga Hàng Cỏ, trên mạng đủ mọi ý kiến, nói thế này thế khác, nhưng khi Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội được nghe Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày rõ ràng, thì thấy quá hợp lý, quá hay. “Càng công khai, minh bạch, thì nhân dân càng hiểu, càng chia sẻ, càng ủng hộ”, đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng, quy hoạch nông thôn… đều phải tôn trọng quy hoạch về giao thông. Cái này cần làm nghiêm vì hiện giờ không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang lúng túng trong xử lý vấn đề giao thông, mà kể cả những vùng nông thôn, miền núi cũng có những bế tắc, lúng túng về giao thông.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị công khai các quy hoạch để tránh thắc mắc

Ngoài ra, ông Trí cho rằng, kiến trúc cũng cần được quy hoạch để “chấm dứt được kỷ nguyên nhà ống ở Việt Nam kéo dài 3-4 thập kỷ rồi”.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, nếu được thông qua, Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ 1-1-2019, có rất nhiều việc phải làm, như tích hợp các qui hoạch, danh mục các qui hoạch phải thực hiện… Ông Giang đề nghị Chính phủ dự tính việc tích hợp, triển khai các công việc theo Luật qui hoạch sẽ tốn bao nhiêu tiền.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thời gian hoàn thành toàn bộ quy hoạch từ cấp cao đến cấp thấp nhất và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành sẽ rất mất thời gian, và không thể dưới 5 năm - đây là thực tế đã và đang diễn ra.

Ngay ở Hà Nội, quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2011, nhưng đến nay có huyện vẫn chưa lập xong quy hoạch. Vậy, nếu lập quy hoạch cấp dưới chậm như vậy, sau 5 năm quy hoạch cấp trên sẽ đến kỳ điều chỉnh, quy hoạch cấp dưới sẽ dựa vào đâu?

Còn đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị, cần làm rõ cơ sở pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quy hoạch vì theo dự thảo Luật, Hội đồng thẩm định được giao thẩm quyền rất lớn.

Theo ông Sinh, Hội đồng thẩm định quy hoạch chỉ nên là cơ quan tư vấn giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ. Và chỉ những thành phố lớn mới cần có Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, còn những tỉnh quy mô nhỏ có thể giao trực tiếp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tư vấn, cho ý kiến.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến cho rằng quy định thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 20 năm là chưa hợp lý. Đối với quy hoạch quốc gia mà thời kỳ quy hoạch là 10 năm thì quá ngắn không ổn định cho phát triển lâu dài, do đó thời kỳ quy hoạch cần thống nhất cho từng cấp quy hoạch và mỗi cấp quy hoạch có thời kỳ liền kề nhau, hơn kém nhau 5 năm là hợp lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng đang có thời kỳ là 10 năm. Quy hoạch là việc cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc quy định thời kỳ quy hoạch 10 năm cùng với thời kỳ của Chiến lược để đảm bảo sự thống nhất giữa chiến lược và quy hoạch.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Điều 8 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng điều chỉnh tầm nhìn của các quy hoạch dài hơn, cụ thể tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm để đảm bảo tính kế thừa, ổn định lâu dài của quy hoạch.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cong-khai-quy-hoach-de-nhan-dan-biet-chia-se-106109.html