Công khai ngân sách tỉnh: Địa phương 'đầu tàu' xếp hạng thấp

Năm trước Hải Phòng là số 0 tròn trĩnh, tức không công bố bất cứ gì, năm nay, Hải Phòng chỉ cải thiện được một chút, lên 5 điểm và vẫn là địa phương thấp điểm nhất trong POBI 2018.

Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có mức độ công khai ngân sách ở mức trung bình thấp. Trong khi ấy, nhiều địa phương như Kon Tum, Vĩnh Long... có số điểm rất cao.

Đây là một phần trong kết quả khảo sát chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2018 vừa được công bố. Khảo sát được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI).

Mức độ công khai được cải thiện

Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, có nhiều loại tài liệu bắt buộc phải công khai như: Báo cáo dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2019 trình Hội đồng nhân dân tỉnh; Báo cáo dự toán ngân sách tỉnh; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh; Báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh,...

Từ đó, khảo sát dựa trên việc công khai các tài liệu trên tại cổng thông tin điện tử của Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh.

Theo ông Cường, mức độ công khai năm 2018 đã được cải thiện so với năm 2017 với chỉ số trung bình là 51/100 điểm (năm 2017 là 30,4 điểm).

Một điểm sáng theo phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Sỹ Cường là năm 2018 có 6 tỉnh trong nhóm công khai "đầy đủ" thông tin (nhóm A) về ngân sách nhà nước và không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Trong khi ấy, năm 2017 có 4 tỉnh có điểm số POBI bằng 0 và không có tỉnh nào công khai đầy đủ thông tin về ngân sách tỉnh.

Trong 6 tỉnh xếp vào nhóm A, Vĩnh Long xếp đầu tiên với 90,52 điểm, tiếp đến là Bà Rịa-Vũng Tàu (85,91 điểm), Đà Nẵng (83,09 điểm), Vĩnh Phúc (82,05 điểm),...

Cụ thể hơn, theo báo cáo, số lượng tài liệu ngân sách được các tỉnh công khai năm 2018 đã tăng so với một năm trước đó. Trong số này, dự thảo dự toán trình Hội đồng Nhân dân tỉnh là tài liệu có sự thay đổi lớn nhất với 47 tỉnh (74,6%) có công khai tài liệu này. Trong khi ấy, năm 2017, số lượng địa phương công khai chỉ là 27 tỉnh (42,9%).

Ngoài ra, với tài liệu khác như báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh quý 3, có 46 địa phương (73%) đã thực hiện công khai trong khi năm 2017 là 28 địa phương (44,4%).

"Điều này cho thấy các tỉnh đã có trách nhiệm hơn trong việc công khai dự thảo dự toán ngân sách Nhà nước để người dân có thể tham gia vào quá trình thảo luận và quyết định dự toán ngân sách của tỉnh," đánh giá của nhóm khảo sát nêu lên.

Kết quả chấm POBI 2017 và POBI 2018 trung bình theo từng vùng:

Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ở đâu?

Ở hướng khác, theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trong số các thành phố lớn, Đà Nẵng vẫn thể hiện tính tuân thủ, minh bạch cao với hơn 83 điểm.

Tuy vậy, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo chấm điểm chỉ ở mức trung bình thấp. Cụ thể Hà Nội được 49,72 điểm, Thành phố Hồ Chí Minh là 48,98 điểm.

Đặc biệt, ông nhắc tới trường hợp của Hải Phòng. "Năm trước Hải Phòng là số 0 tròn trĩnh, tức không công bố bất cứ gì, không tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về công khai tài liệu ngân sách Nhà nước. Tới năm nay, từ 0 điểm, chỉ cải thiện được một chút, lên 5 điểm và vẫn là địa phương thấp điểm nhất," ông Thành chỉ ra.

Điều này theo ông là rất đáng lưu ý khi những tỉnh "đầu tàu" cả nước nhưng có số điểm thấp. Trong khi ấy, các tỉnh không lớn nhưng có tính tuân thủ, minh bạch cao như Hậu Giang, Kon Tum,..

Nêu thêm vấn đề, ông Vỹ Sỹ Cường phân tích thêm, về tính kịp thời, kết quả cho thấy, mặc dù đã có cải thiện hơn so với POBI 2017 nhưng vẫn có tình trạng các tỉnh chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo như quy định.

Ví dụ dù có 47 tỉnh (74,6%) có công khai dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2019 trình Hội đồng Nhân dân tỉnh nhưng chỉ có 29 tỉnh (46%) công khai kịp thời (trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Nhân dân tỉnh gửi tài liệu này cho đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh). Trong khi ấy, có 7 tỉnh công bố chậm (trong vòng 15 đến 30 ngày) và 11 tỉnh công bố sau 30 ngày hoặc không xác định được chính xác thời điểm công bố.

"Như vậy, mục tiêu công khai dự thảo dự toán ngân sách nhà nước để cho người dân tham gia ý kiến chưa đạt được," báo cáo nêu lên./.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nói về kết quả khảo sát chỉ số công khai ngân sách tỉnh năm 2018:

Xuân Dũng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cong-khai-ngan-sach-tinh-dia-phuong-dau-tau-xep-hang-thap/574399.vnp