Công khai mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp

Sáng ngày 4/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo lấy ý kiến của doanh nghiệp về 'Dự thảo thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa'.

Theo đó, Hải quan sẽ công khai và thông tin rộng rãi tiêu chí đánh giá tuân thủ, mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Để hỗ trợ DN, ngành Hải quan dự kiến sẽ phân loại DN thành 4 loại thay vì 3 loại như hiện nay.

Phân loại 4 loại doanh nghiệp

Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết hiện ngành hải quan đang thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động hải quan bằng biện pháp quản lý rủi ro, là bước mà hải quan các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực và kiểm soát hiệu quả ngành Hải quan.

Cụ thể, việc quản lý theo hình thức rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của các DN trong hoạt động xuất nhập khẩu. Ngành hải quan đang đánh giá DN dựa trên 3 luồng đó là: luồng xanh – luồng vàng – luồng đỏ. Luồng xanh là luồng được miễn kiểm tra kể cả hồ sơ và hàng hóa (chiếm 60%), luồng vàng chỉ kiểm tra hồ sơ (chiếm 35%) và luồng đỏ hiện nay là 5%.

Tuy nhiên, để hỗ trợ hơn cho DN trong công tác xuất nhập khẩu, ngành hải quan dự kiến sẽ phân loại doanh nghiệp thành 4 loại thay vì 3 loại như hiện nay, đó là tuân thủ cao, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp và không tuân thủ. Trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN, cơ quan hải quan sẽ thực hiện việc áp dụng các chính sách ưu đãi, biện pháp quản lý để đạt được 2 mục tiêu là tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Ông Cường cũng cho hay, việc công khai phương pháp quản lý, tiêu chí đánh giá của cơ quan hải quan để cộng đồng DN nắm được. Từ đó để DN biết được ngành hải quan đang nhìn nhận DN thế nào, đồng thời ngành hải quan biết ưu tiên kiểm soát vấn đề gì với từng loại DN.

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hiện quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đã lớn gấp đôi GDP, các hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng. Quản lý hải quan do vậy đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là gia tăng khối lượng công việc khi hoàng hóa xuất nhập khẩu gia tăng nhanh chóng cả về khối lượng và tính đa dạng của các loại mặt hàng. Trong khi đó ngành hải quan không thể tăng nhanh bộ máy.

Ông Huỳnh Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, khi thủ tục thông quan nhanh nhờ việc phân loại hàng hóa rủi ro cao sẽ giúp giảm thiểu chi phí cho DN nằm trong diện rủi ro thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt.

Doanh nghiệp muốn được cải cách hơn nữa

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo Doing Business 2019 chỉ ra rằng: Chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam vẫn còn xếp hạng thấp so với các nước, là một trong ba lĩnh vực được đánh giá còn ít chuyển biến và không gian thay đổi còn rất lớn.

Báo cáo của VCCI về thực hiện Nghị quyết 19 và 35 công bố cách đây 2 tuần cũng chỉ ra, chỉ có 43% DN tại Việt Nam được hỏi đánh giá thấy lĩnh vực này có sự thay đổi tích cực. Tất nhiên, thương mại biên giới không chỉ là lĩnh vực của riêng ngành hải quan mà còn một phần rất quan trọng nằm tại các thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của rất nhiều bộ ngành.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận chung của DN, họ vẫn muốn được đơn giản hơn trong các thủ tục kiểm tra để đỡ tốn chi phí. Khi nói về dự thảo, đại diện DN cho rằng, cơ quan hải quan cần tổ chức phân loại thử tiêu chí được đưa ra để xác định cách phân loại hợp lý, phù hợp với năng lực quản lý của cơ quan hải quan, tránh trường hợp khi phân loại thực tế các DN có quá nhiều DN phân vào loại 3 và 4, năng lực quản lý của cơ quan hải quan không đáp ứng được.

Tại cuộc đối thoại chính sách thuế hải quan với cộng đồng DN vừa diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho biết: Thực tế đòi hỏi các chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sôi động, đa dạng thì việc áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính vào thực tiễn không tránh khỏi có các khó khăn, vướng mắc. Cơ quan quản lý sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp thẳng thắn từ cộng đồng DN nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/cong-khai-muc-do-tuan-thu-phap-luat-cua-doanh-nghiep-tintuc424418