Công khai, minh bạch các thông tin lựa chọn sách giáo khoa

Cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị:

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Bên cạnh quy định việc giao quyền chọn bộ sách giáo khoa cho địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm sự phù hợp, sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Đồng thời, bên cạnh tiêu chí chọn lựa sách giáo khoa theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT, cần nghiên cứu chú trọng đến điều kiện đời sống, thu nhập của người dân trong khu vực; điều kiện đi lại, học tập; khả năng tiếp cận giáo dục của học sinh; khả năng của đội ngũ giáo viên trong vùng (như: Giữa miền núi, hải đảo với đồng bằng; giữa nông thôn với thành thị…) để xây dựng tiêu chí chọn bộ sách giáo khoa mới phù hợp, đồng bộ trong các khu vực có điều kiện tương đồng.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nghị quyết 88/2014/QH 13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội quy định giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục phổ thông, cụ thể: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (điểm g khoản 2 Điều 2)”. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 giao quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa thuộc về UBND cấp tỉnh. Cụ thể: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (điểm c khoản 1 Điều 32)”. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm sự phù hợp, sử dụng sách giáo khoa ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, Thông tư đã quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp là công khai, minh bạch thông tin lựa chọn sách giáo khoa và giải trình trước dư luận về quyết định lựa chọn sách giáo khoa.

Về xây dựng tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa: Để phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và tính khả thi ở từng địa phương, Thông tư quy định các tiêu chí khung việc lựa chọn sách giáo khoa. Căn cứ vào các tiêu chí khung này, sở GD&ĐT tham mưu cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/cong-khai-minh-bach-cac-thong-tin-lua-chon-sach-giao-khoa-Fj2r6prGg.html