Công khai kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2018

Chiều 20-4, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành Báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh năm 2018.

Theo đó, TTCP nhận định: Trong năm 2018, nhiều địa phương đã xác định công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đã tập trung chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN; nhiều địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018.

Công tác PCTN tiếp tục được các địa phương trên toàn quốc tích cực triển khai, thực hiện. Các hoạt động quản lý nhà nước về PCTN, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng được triển khai đồng bộ ở hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ.

Ðặc biệt, công tác quản lý nhà nước về PCTN ở chính quyền cấp tỉnh đã được thực hiện tương đối đồng đều và toàn diện. Các địa phương triển khai đồng bộ và kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN được đẩy mạnh, thực hiện có kế hoạch và phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện công tác PCTN được thực hiện tốt. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng được triển khai đồng bộ, nhiều hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý, việc thu hồi tài sản tham nhũng và xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được chú ý.

Tuy nhiên, công tác PCTN cấp tỉnh năm 2018 còn một số điểm cần lưu ý. Kết quả thực hiện còn chưa đạt yêu cầu, khoảng cách giữa kết quả thực hiện của các địa phương chưa đồng đều. Tình trạng này phản ánh thực chất về nhận thức và biện pháp tổ chức thực hiện công tác PCTN giữa các địa phương có sự khác biệt.

Về công tác quản lý nhà nước, các tỉnh đã triển khai tương đối đồng đều, mức độ đáp ứng yêu cầu khá cao nhưng vẫn còn sự khác biệt giữa các địa phương và cũng bộc lộ những vấn đề cần phải giải quyết. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp tỉnh trong công tác PCTN còn hạn chế: Thiếu chương trình, kế hoạch phối hợp hành động đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN chưa sáng tạo, hiệu quả tác động của hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về PCTN chưa cao. Việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở một số lĩnh vực chưa bảo đảm yêu cầu; vẫn còn nhiều nội dung định mức, tiêu chuẩn, chế độ chưa phù hợp thực tế; việc thanh tra, kiểm tra thực hiện chưa thường xuyên...

Bên cạnh đó, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng thông qua giải quyết tố cáo hiệu quả thấp. Nhìn chung, việc phát hiện tham nhũng ở các địa phương chủ yếu qua công tác thanh tra, điều tra, truy tố xét xử cũng như qua phát hiện của báo chí, dư luận xã hội.

Từ các nội dung nêu trên, TTCP đã có những kiến nghị, đề xuất cụ thể nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN; việc phát hiện, xử lý tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng; quản lý nhà nước về công tác PCTN và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44165102-cong-khai-ket-qua-danh-gia-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-cap-tinh-nam-2018.html