Công khai danh tính người mua, bán dâm: Luật không cấm, sao không làm?

Liên quan đến đường dây bán dâm nghìn đô vừa bị triệt phá, nhiều người cho rằng cần thiết phải công khai tên những người mua, bán dâm để nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng này.

Mới đây, cơ quan chức năng vừa triệt phá đường dây bán dâm nghìn USD chấn động showbiz. Càng bất ngờ hơn khi kẻ cầm đầu đường dây bán dâm ngàn đô là một “tú ông” tên Kiều Đại Dũ (SN 1996, thường gọi là Pi, ngụ tỉnh Bình Định, trú TP.HCM).

"Tú ông" Kiều Đại Dũ điều hành đường dây bán dâm ngàn đô

"Tú ông" Kiều Đại Dũ điều hành đường dây bán dâm ngàn đô

Các “đào” trong đường dây của Dũ cũng rất đa dạng, từ bình dân đến cao cấp. Theo đó, mức giá cũng khá phong phú. Theo quy định của “tú ông” này, đối với hot girl, sinh viên… mức giá “đi khách” dao động 300 – 1.000 USD/lượt. Riêng với các “đào” như Á hậu, MC, người mẫu nổi tiếng… mức giá dao động 7.000 - 25.000 USD/lượt.

Trong khi chỉ có chế tài hình sự đối với những người môi giới mại dâm, chứa mại dâm, còn những “chân dài” thì thoải mái bán dâm với vô vàn mức giá dù cao đến mấy cũng chỉ bị xử phạt hành chính cao nhất tới 500.000 đồng, một câu hỏi được đặt ra là tại sao không công bố danh tính người mua dâm như một hình thức răn đe, nhằm hạn chế tình trạng mua bán dâm, bài trừ các tệ nạn xã hội, làm cho xã hội tốt lên.

Liên quan đến vấn đề này, dư luận đang có hai luồng quan điểm. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 không xem hành vi mua dâm là tội phạm, mà chỉ xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới, chứa chấp mại dâm. Việc công khai tên người mua bán dâm là trái với quy định của luật Xử phạt vi phạm hành chính, bởi luật chỉ quy định phạt tiền, không có quy định công khai danh tính.

Chưa kể, việc công khai danh tính người mua bán dâm là xâm phạm đến đời sống bí mật cá nhân, vi phạm quy định tại Điều 21 của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, điều luật quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.

Tuy nhiên, luồng quan điểm thứ hai cho rằng, một người khi đã bị xử lý hành chính thì cần thiết phải công bố công khai về hành vi vi phạm. Khi đó, không còn là vấn đề xâm phạm đến đời sống bí mật cá nhân.

Luật sư Lê Minh Đức (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Luật sư Lê Minh Đức (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: Hiện không có quy định nào cấm công khai danh tính của người mua bán dâm. Hành vi này đang bị cả xã hội lên án, vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, làm băng hoại đạo đức, là mầm mống phá hoại hạnh phúc của nhiều gia đình nên cần thiết phải bị lên án.

“Nếu pháp luật chưa có chế tài hình sự xử lý người mua bán dâm thì cũng nên công khai tên của những người mua bán dâm để nhằm răn đe, hạn chế tình trạng này”, luật sư Đức nói.

Luật sư Đức mở rộng thêm, nhiều hành vi như vi phạm giao thông, sai phạm trong lĩnh vực thuế, y tế, đăng ký kinh doanh… chưa đến mức độ xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính thì cũng đã bị rất nhiều cơ quan báo chí phản ánh trên mặt báo. Cũng như hành vi mua, bán dâm thì người bán dâm chỉ là một chủ thể trong việc này.

“Ở một số địa phương, người vi phạm giao thông còn bị ghi tên công khai trên một bảng tin để cho mọi người trong phường cùng xem và rút kinh nghiệm. Đây cũng là một hình thức răn đe, giáo dục rất tốt. Vậy tại sao mua bán dâm lại không được?”, luật sư Đức nêu quan điểm.

Tư Viễn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/neu-danh-tinh-nguoi-mua-ban-dam-luat-khong-cam-sao-khong-lam-a397321.html