Công khai danh sách 26 doanh nghiệp hủy thầu mua gạo dự trữ quốc gia

Tổng cục Dự trữ Nhà nước ngày 17/4 đã thông tin với Báo Giao thông danh sách các doanh nghiệp hủy thầu mua gạo dự trữ quốc gia.

Danh sách 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng và 2 doanh nghiệp ký một phần hợp đồng

Danh sách 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng và 2 doanh nghiệp ký một phần hợp đồng

24 doanh nghiệp trúng thầu từ chối ký hợp đồng

Cụ thể, theo Tổng cục Dự trữ nhà nước (DTNN), trúng thầu mua gạo năm 2020 có 28 doanh nghiệp với số lượng 178.000 tấn, trong đó có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng đủ số lượng gạo đã trúng thầu, 2 doanh nghiệp ký một phần số đã trúng thầu. Còn lại 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng.

Như vậy, đến thời điểm này, trong tổng số 190.000 tấn gạo tổ chức đấu thầu đã ký hợp đồng 7.700 tấn (đã nhập kho 3.280 tấn). Còn lại 182.300 tấn không ký được hợp đồng và phải tổ chức đấu thầu lại (gồm 12.000 tấn không có nhà đầu tư trúng thầu và 170.300 tấn nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng).

Nói về công tác thẩm định năng lực doanh nghiệp tham gia dự thầu, đại diện Tổng cục DTNN khẳng địinh: “Chỉ những doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về năng lực kinh nghiệm theo quy định của pháp luật và thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới được xem xét lựa chọn”.

Ngày 16/4, Tổng cục DTNN đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu để các cục DTNN khu vực tổ chức đấu thầu lại theo quy trình. Thời gian mời thầu là ngày 12/5. Tổng cục DTNN dự kiến thời gian hoàn thành việc nhập gạo trong tháng 6/2020.

Hủy thầu quốc gia, chạy theo lợi nhuận

Về tình trạng hủy thầu, Tổng cục DTNN cho biết, các năm trước, tình trạng hủy thầu không ký hợp đồng sau khi đã được phê duyệt cũng xảy ra song số lượng rất ít nên không ảnh hưởng lớn tới kết quả đầu thầu và nguồn lực dự trữ quốc gia hàng năm.

Tuy nhiên, năm 2020 mới xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng. Điều này theo Tổng cục DTNN là do ảnh hưởng của Covid-19 nên nhu cầu tạm trữ trong nước tăng cao, cùng với nhu cầu của các nước Philipines, Malaysia, Trung Quốc… tăng mạnh nhất là với loại gạo tẻ đủ tiêu chuẩn nhập kho dữ trữ quốc gia khiến giá gạo liên tục tăng so với thời điểm mở thầu (12/3/2020); Dẫn tới tình trạng nhà thầu không thực hiện và gửi văn bản từ chối ký hợp đồng.

“Điều này dẫn tới việc Tổng cục DTNN sẽ phải tổ chức đấu thầu số gạo còn lại theo kế hoạch vì thế để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu mua gạo năm 2020, thời gian nhập gạo sẽ chậm hơn so với dự kiến ban đầu 15-30 ngày”, lãnh đạo Tổng cục DTNN thông tin.

Doanh nghiệp hủy thầu bị xử lý ra sao?

Đối với các trường hợp hủy thầu, từ chối ký hợp đồng, Tổng cục DTNN cho biết, theo quy định tại điều 11 của Luật Đấu thầu, chủ đầu tư sẽ thu bảo đảm dự thầu của nhà thầu để nộp ngân sách nhà nước (số tiền từ 1-3% giá trị gói thầu tùy quy mô và giá trị gói thầu).

Ngoài ra, theo Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định chế tài xử lý nào khác.

Chính vì thế Tổng cục DTNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có liên quan sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng quy định mức bảo đảm dự thầu cao hơn hoặc bổ sung thêm chế tài xử lý khác. Bởi với mức bảo đảm quy định hiện nay chỉ 1-3% giá trị gói thầu “trong trường hợp thị trường biến động tăng giá cao thì chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi trúng thầu”.

C.Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cong-khai-danh-sach-26-doanh-nghiep-huy-thau-mua-gao-du-tru-quoc-gia-d461746.html