Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người kê khai làm việc

Đó là nội dung nhận được đa số ý kiến thành viên của Ủy ban Tư pháp tán thành khi thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: QH)

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày chiều 9.11 nêu rõ: Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án: Phương án 1, các bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc.

Phương án 2, thay hình thức công khai tại nơi thường xuyên làm việc bằng hình thức công khai tại chi bộ nơi người kê khai là đảng viên sinh hoạt.

“Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với phương án 1 (giữ như quy định của pháp luật hiện hành về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập) và cho rằng, không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập đều là đảng viên. Nếu quy định chỉ công khai bản kê khai tại cuộc họp chi bộ như phương án 2 thì dẫn đến bản kê khai của những cán bộ, công chức, viên chức không phải là đảng viên sẽ không được công khai, gây khó khăn cho hoạt động giám sát, kiểm soát tính trung thực trong bản kê khai của những đối tượng này”- bà Nga nói.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập và tổ xác minh, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh: Dự thảo Luật giao cho cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập và tổ xác minh có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản; cung cấp thông tin, hồ sơ liên quan đến nội dung xác minh, yêu cầu; giám định về tài sản, thu nhập (các điều 51, 60)…

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, UBTP cho rằng, các quy định nêu trên có liên quan đến bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình đã được Hiến pháp quy định, nguyên tắc bảo mật trong hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Vì vậy, cần phải quy định hết sức chặt chẽ về cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; việc yêu cầu phải được thực hiện bằng văn bản; làm rõ nội dung yêu cầu có liên quan đến nội dung xác minh (ví dụ, việc cung cấp thông tin, tài liệu của người có liên quan trong trường hợp xác minh tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, nhưng tài sản đó có liên quan đến người khác)…

Xuân Hải - Đức Thành

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/cong-khai-ban-ke-khai-tai-san-thu-nhap-tai-noi-nguoi-ke-khai-lam-viec-575191.ldo