Cống hiến tuổi xuân nơi vùng đất khó

Tốt nghiệp Đại học, những sinh viên theo tiếng gọi Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai đã đến với những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và sức trẻ của mình họ đã có nhiều tác động biến những bản, làng ở vùng xa xôi thoát cái đói, cái nghèo, dần trở nên trù phú.

Tốt nghiệp Đại học, những sinh viên theo tiếng gọi Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai đã đến với những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và sức trẻ của mình họ đã có nhiều tác động biến những bản, làng ở vùng xa xôi thoát cái đói, cái nghèo, dần trở nên trù phú.

Lê Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne (giữa) thăm mô hình trồng cây bời lời đỏ.

Lê Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne (giữa) thăm mô hình trồng cây bời lời đỏ.

"Quang Kon Pne"

Nhắc đến Lê Văn Quang (34 tuổi), Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne (H. Kbang, Gia Lai), hầu hết những người dân ở 3 làng Ba Na của xã này đều biết và không ngớt khen ngợi. Không chỉ hiền lành, chăm chỉ mà nhiều ý tưởng của chàng trai tốt nghiệp ngành Phát triển nông thôn - khuyến nông Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh đã áp dụng các mô hình kinh tế giúp bà con Ba Na vươn lên thoát nghèo... Năm 2010, sau thời gian ra trường loay hoay với nhiều công việc, đến tháng 4-2010 với 6 tháng học việc tại Trạm Khuyến nông H. Kbang (Gia Lai), Quang được giao nhiệm vụ tại xã đặc biệt khó khăn - xã Kon Pne. Đây là xã nằm xa nhất của tỉnh Gia Lai khi cách trung tâm tỉnh gần 200km. "Ngày nhận nhiệm vụ, từ H. Kbang 8 giờ sáng, một mình một "ngựa" với chiếc xe máy cũ, mình đi vào xã. Thế nhưng, đặt chân được đến xã cũng là lúc mặt trời bắt đầu lặn sau đỉnh núi. 90km đường từ huyện vào hầu hết là đường đất đỏ, mưa tầm tã nên ngã lên ngã xuống là chuyện bình thường. Chưa kể hơn 12km vượt núi với nhiều đoạn đèo dốc trơn trượt, 1 bên núi cao, bên vực thẳm nhiều lúc nổi da gà. Đến nơi, thấy những mái nhà nằm heo hút giữa thung lũng, khung cảnh hoang vắng khiến mình bối rối với quyết định ban đầu", Quang tâm sự. Chàng sinh viên khi đó có lúc định bỏ cuộc để quay trở lại chốn thị thành tìm công việc khác nhưng nghĩ lại việc các chú, các bác lãnh đạo địa phương tin tưởng vào mình và cả sức vóc, trí tuệ của một thanh niên nên Quang quyết tâm ở lại. Để tạo nên sự quyết tâm cho chính mình, Quang đã nhập hộ khẩu vào xã Kon Pne để "cắm chốt" trở thành "người Kon Pne" và từ đây mọi người bắt đầu gọi anh với cái tên thân thương... "Quang Kon Pne".

Trở ngại lớn nhất đầu tiên của Quang là việc tiếp xúc với người dân bản địa. "Kon Pne gần như cô lập thời gian dài bởi đường sá đi lại cực kỳ khó khăn nên người dân nơi đây rất e ngại người lạ. Chỉ cần thấy người lạ, họ tìm cách tránh mặt, chưa kể người biết tiếng phổ thông rất ít", Quang kể. Tuy nhiên, đó chưa phải là trở ngại lớn, nhiệt huyết cống hiến của chàng trai trẻ một lần nữa được đem ra thử thách. Hơn 4 tháng trời, Quang chưa định hình mình phải làm gì vì không được phân công nhiệm vụ cụ thể. Phải đến khi xã Kon Pne có Bí thư Đảng ủy mới thì kiến thức chuyên môn của Quang mới có "đất dụng võ" khi được phân công đúng mảng nông nghiệp mà mình được học.

Tự mày mò học tiếng Ba Na, Quang tìm xuống làng tìm hiểu cách thức, tập quán trồng trọt của bà con. "Hầu hết tập quán canh tác của bà con đều lạc hậu và chủ yếu là cây lúa nước, nhưng giống thì đã bị thoái hóa sau nhiều năm canh tác khiến năng suất chẳng đáng là bao. Thế nên, việc đói ăn xảy ra như cơm bữa. Trong khi đó, quỹ đất rộng mênh mông nhưng bà con chưa biết trồng cây gì để phát triển kinh tế", Quang cho biết. Sau thời gian tìm hiểu, Quang mạnh dạn đề xuất xây dựng mô hình phát triển cây bời lời đỏ. Bằng tâm huyết, kiến thức đã được học, Quang hướng dẫn cho bà con cách trồng. Từ vài héc-ta tự phát giờ diện tích cây bời lời của xã Kon Pne đã lên đến 250ha. Tính trung bình, khi thu hoạch, mỗi héc-ta cho người dân thu lợi từ 100-150 triệu đồng. Quang cũng mạnh dạn sử dụng máy cày xử lý đất ruộng thay cho việc dùng trâu giẫm, đưa giống mới vào khiến năng suất lúa tăng lên rõ rệt. Giờ này, không chỉ đủ ăn mà người dân còn bán lúa, gạo cho tư thương. Ngoài ra, Quang cũng là người đầu tiên đưa giống mì cao sản vào sản xuất nhằm giúp bà con có thêm nhiều nguồn thu nhập. Từ những diện tích đất hoang hóa nay đã phủ xanh hơn 100ha mì.

Và chỉ sau hơn 1 năm cống hiến, tháng 7-2011, Quang được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã cho đến nay.

Xung kích ở vùng đất khó

Cũng như Quang, mới 30 tuổi nhưng Phan Nguyễn Vi Sa-chàng sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh năm nào giờ cũng đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Kon Thụp (H. Mang Yang, Gia Lai). Không những thế, Sa cũng đã trải qua cương vị Phó Chủ tịch UBND xã Đê Ar (H. Mang Yang) vào cuối năm 2016. Cả 2 nơi Sa công tác đều là xã vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn của H. Mang Yang. Sa tâm sự: "Sau khi ra trường với mong muốn được về phục vụ quê hương nên khi nghe về Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai, nên năm 2010 mình đăng kí và trúng tuyển". Đến đầu năm 2016, Sa được phân công công tác tại Văn phòng UBND xã Đê Ar. Từ nhà đến nơi làm việc, Sa phải đi hơn 80km, chưa kể lương thấp nhưng Sa vẫn quyết tâm với mong muốn góp sức mình xây dựng quê hương. Từ những lời động viên của lãnh đạo huyện cũng như được giao các trọng trách trong việc giúp người dân phát triển kinh tế, triển khai các mô hình giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Phan Nguyễn Vi Sa, 2 lần giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND các xã vùng sâu, vùng xa.

Sau nhiều lần xuống tận các làng bản, Sa nhận thấy người dân vẫn kiểu canh tác lạc hậu, đặc biệt việc canh tác lúa rẫy của bà con vẫn phó mặc cho "ông trời" nên việc thiếu ăn vẫn còn hiện diện nơi đây. Để người dân "có thực mới vực được đạo", Sa mạnh dạn đề xuất cho lãnh đạo xây dựng các mô hình trồng lúa nước, xóa bỏ tập tục canh tác lạc hậu. Nhiều lần tuyên truyền, vận động, xuống tận nơi cùng bà con làm ruộng, làm rẫy nên nhờ thế chỉ hơn 3 năm, bà con đồng bào DTTS đã biết trồng cây lúa, cà phê phải bỏ phân bón... Đến đầu năm 2017, từ những mô hình giúp người dân thoát nghèo bền vững mà Sa triển khai ở xã Đê Ar mang lại hiệu quả cao, Sa lần nữa được điều động về giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Kon Thụp. Lần nữa, chàng trai 30 tuổi lại đến với vùng đất còn khó khăn này và tìm hiểu, triển khai những mô hình giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. "Mới ra trường, mức lương chỉ gần 2 triệu đồng nhưng bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Có lúc, gia đình, người thân vận động mình về tìm việc khác gần nhà lại thu nhập cao hơn. Nhưng người dân luôn tin tưởng và mình cũng đã cùng người dân triển khai nhiều mô hình trồng lúa, các cây lâm nghiệp, nếu bỏ ngang thì mô hình cũng đi vào ngõ cụt. Chính vì vậy đã thôi thúc mình tiếp tục với những trọng trách mà lãnh đạo huyện đã tin tưởng giao cho. Dù có vất vả thế nào mình cũng sẽ làm, rồi cũng đến ngày mình cùng với người dân được hái "quả ngọt"... ", Sa cười chia sẻ.

MINH TÂN

-----------------------------------------------------------------------------------------

Ngày 12-6-2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã thông qua quyết định triển khai thực hiện Đề án 03-ĐA/TU "Về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác". Từ năm 2009 đến năm 2014 đã tạo điều kiện cho 165 sinh viên tốt nghiệp Đại học về công tác tại 165 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã lựa chọn được nhiều cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt huyết.

-----------------------------------------------------------------------------------------

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_172264_co-ng-hie-n-tuo-i-xuan-noi-vu-ng-da-t-kho-.aspx