Cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp trồng người

Mặc dù tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ nhưng 29 tấm gương nhà giáo trẻ tiêu biểu được Tỉnh đoàn tuyên dương nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay đều là tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, lối sống; sáng tạo trong công tác chuyên môn, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Cô Đỗ Thị Kim Dung, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh trong giờ học. Ảnh: Nga Sơn

Cô Đỗ Thị Kim Dung, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh trong giờ học. Ảnh: Nga Sơn

14 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, năm nào cô Đỗ Thị Kim Dung, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cũng có sáng kiến trong công tác chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

* Sáng tạo trong chuyên môn

Cô Kim Dung cho biết, 14 năm đứng lớp, cô rất có duyên với học sinh lớp 2, lớp 3. Học sinh ở lứa tuổi này không còn ngây ngô như học sinh lớp 1, nhưng lại chưa tự giác được như học sinh lớp 4, lớp 5. Do đó, để dạy tốt đòi hỏi cô phải có phương pháp. Ngay những tuần đầu tiên nhận lớp, cô tiến hành phân loại theo nhóm học sinh. Đối với học sinh khá - giỏi, cô hướng dẫn để các em tự học. Thời gian còn lại cô dành để kèm cặp những học sinh có học lực yếu hơn. Bên cạnh việc triển khai cho học sinh học tập theo nhóm, cô còn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để tạo hứng thú cho học sinh...

Không chỉ đổi mới phương pháp, cô Kim Dung còn là một trong những giáo viên trẻ có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm giúp nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Mới nhất là sáng kiến phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống trong tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp được hội đồng thẩm định sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố công nhận. Theo cô Kim Dung, với 1 tiết hoạt động ngoài giờ/tuần, giáo viên chủ nhiệm hoàn toàn có thể thiết kế các hoạt động như: hái hoa dân chủ, đóng vai trong các tình huống, văn nghệ... nhằm trang bị kỹ năng sống, giúp học sinh hoàn thiện bản thân.

Mặc dù mới có 4 năm tuổi nghề nhưng cô Lưu Thị Hoa Phượng, giáo viên môn Lịch sử Trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS - THPT Điểu Xiểng (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) đã để lại dấu ấn nhất định trong sự nghiệp trồng người. Cô Phượng chia sẻ, lúc còn đi học cô vẫn thường nghe dư luận về việc ngại học lịch sử của học sinh. Nhưng khi ra trường đi dạy, cô mới thấm thía điều này. Học sinh vẫn coi lịch sử là môn học phụ nên học chỉ mang tính chất đối phó. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô Phượng quyết tâm đổi mới phương pháp dạy lịch sử để tìm lại hứng thú cho học sinh.

Năm 2016, cô Phượng bắt đầu áp dụng mô hình sân khấu hóa trong dạy và học lịch sử Việt Nam ở khối THPT. Với phương pháp này, thay vì cung cấp kiến thức liên quan đến sự kiện để học sinh ghi chép một cách thụ động, cô xây dựng kịch bản hoặc hướng dẫn học sinh tự xây dựng kịch bản. Sau đó, học sinh sẽ hóa thân vào các nhân vật lịch sử, biến lớp học thành “sân khấu”, cá nhân cô sẽ lui vào “cánh gà” và làm nhiệm vụ nhận xét, đánh giá, rút ra bài học. Hiệu quả của phương pháp này thể hiện ở chỗ, kỳ thi học kỳ I năm học 2019-2020 vừa qua, tỷ lệ học sinh lớp 12 đạt điểm trung bình trở lên ở môn Lịch sử là 98% (thi đề thi chung của Sở GD-ĐT).

Bên cạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng là cách để nhà giáo trẻ nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho học trò. 7 năm công tác, thầy Hoàng Đức Thuận, Phó trưởng bộ môn Hóa - Lý - Dược Trường đại học Lạc Hồng đã cho ra đời nhiều đề tài nghiên cứu làm tài liệu phục vụ việc học tập, nghiên cứu của sinh viên. Một trong những đề tài mà thầy tâm đắc nhất chính là nghiên cứu thành phần hóa học theo định hướng chống oxy hóa dịch chiết ethylacetat của cây ngải bún được đánh giá xuất sắc. Thầy Thuận chia sẻ, cây ngải bún có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm... nhưng hiện nay tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu công bố thành phần và tác dụng dược lý của cây ngải bún. Hiện tại, đề tài mà thầy nghiên cứu đã xác định được 5 hợp chất có trong cây ngải bún có tác dụng chống oxy hóa và đang trong quá trình nghiên cứu về tác dụng dược lý của các hợp chất này...

* Tích cực tham gia công tác Đoàn, Đội trường học

Trong số 29 nhà giáo trẻ tiêu biểu năm nay, ngoài các nhà giáo đạt thành tích trong đổi mới phương pháp giảng dạy, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học... góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại đơn vị, còn có sự góp mặt của những thầy cô giáo là cán bộ Đoàn trường, những giáo viên tổng phụ trách Đội có nhiều đóng góp cho công tác Đoàn, Đội trường học, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Anh Hoàng Đức Thuận (thứ 2 từ phải sang), giảng viên Trường đại học Lạc Hồng hướng dẫn sinh viên nhận biết các loại cây dược liệu (Ảnh: Nga Sơn)

Cuối năm 2017, cô Chu Thị Hằng được bầu làm Bí thư Đoàn Trường THPT Long Thành (TT.Long Thành, H.Long Thành). Cô Hằng chia sẻ, mặc dù ban đầu cô chỉ đặt ra mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhưng khi bắt tay vào làm, cô lại bị chính phong trào cuốn hút và luôn “cháy” hết mình với các hoạt động. Vì vậy, gần 3 năm trong vai trò “thủ lĩnh” Đoàn trường, cô Hằng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai phong trào thanh niên tình nguyện mà trường gặt hái được nhiều thành công, cô Hằng cho biết, đầu tiên chính là giáo dục lòng nhân ái cho đoàn viên, thanh niên bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các em về tinh thần chia sẻ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện như: hiến máu nhân đạo, tổ chức các hoạt động từ thiện trong cộng đồng, chú trọng các hoạt động uống nước nhớ nguồn...

Cô Hằng cho hay, với một đơn vị Đoàn trường học nếu chỉ tự mình đứng ra thực hiện các phong trào, hoạt động sẽ quá sức. Kinh nghiệm của Đoàn trường chính là chủ động liên kết với các đơn vị bạn nhằm tăng cường nhân lực, vật lực, phương tiện để tổ chức các hoạt động. Với cách làm của cô Hằng, Đoàn Trường THPT Long Thành nhiều lần được Tỉnh đoàn tặng bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học...

Với thầy Cao Viết Dũng, sau 3 năm đứng lớp giảng dạy môn Mỹ thuật, thầy được phân công làm Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Xuân Hòa (xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc). 7 năm làm giáo viên Tổng phụ trách Đội, thầy không ngừng nghiên cứu giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Giải pháp đầu tiên theo thầy Dũng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức nhằm tạo ấn tượng sâu sắc đối với đội viên, thiếu nhi như: treo băng rôn, khẩu hiệu; phát tài liệu; phát thanh măng non; phát động dưới cờ; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để lồng ghép tuyên truyền trong tiết học. Điều đặc biệt, thầy Dũng không chỉ tuyên truyền trong học sinh, giáo viên chủ nhiệm mà còn chú trọng tuyên truyền đến các bậc phụ huynh...

Bên cạnh đó, thầy Dũng còn áp dụng hàng loạt các biện pháp khác như: xây dựng kế hoạch, tham mưu Ban giám hiệu, phối hợp với các đoàn thể và giáo viên trong trường; thông tin để phụ huynh biết về hoạt động nhằm tạo sự đồng thuận; phát huy vai trò của ban chỉ huy liên đội, chi đội; tổ chức các hoạt động thi đua giữa các chi đội; thực hiện khen thưởng kịp thời... Song song đó, bản thân giáo viên tổng phụ trách phải phát huy hết nội lực của mình, luôn đề ra được những mô hình, hoạt động mới... Với cách làm này của thầy Dũng, Liên đội Trường tiểu học Xuân Hòa năm nào cũng đạt danh hiệu liên đội mạnh cấp huyện, cấp tỉnh.

Tối 22-11, tại Trường đại học Đồng Nai, Tỉnh đoàn sẽ tổ chức lễ tuyên dương 29 nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2020. Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai là giải thưởng của Ban chấp hành Tỉnh đoàn trao tặng hằng năm cho giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, đóng góp tích cực cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202011/cong-hien-suc-tre-cho-su-nghiep-trong-nguoi-3031413/