Công du trá hình

Dư luận cả nước ngỡ ngàng trước thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận điềm nhiên ký quyết định cho 2 đoàn quan chức, cán bộ chủ chốt sang Nhật và Cộng hòa Liên bang Đức, gọi là để… tiếp cận hạ tầng đô thị và công nghệ 4.0 về xây dựng khu dân cư ven biển.

Thông tin càng "nóng" hơn khi toàn bộ chi phí của các chuyến đi được một doanh nghiệp đang có dự án đầu tư tại Bình Thuận tài trợ. Nếu vụ việc không bị phanh phui, "đoàn công tác thứ 3" là những lãnh đạo sở, ngành, địa phương của tỉnh này lại tiếp tục "công du nước ngoài", cũng chính bằng nguồn tiền của doanh nghiệp nói trên.

Chỉ thị 21/2012 của Ban Chấp hành trung ương Đảng có lưu ý khi tổ chức đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài phải có mục đích, kế hoạch rõ ràng, tránh trùng lặp với các đoàn đi trước; những người được cử đi phải thật sự cần thiết cho công việc. Chỉ thị cũng yêu cầu lãnh đạo chủ chốt của địa phương không tham gia đoàn của các doanh nghiệp để đi nước ngoài.

Người dân có quyền đặt câu hỏi: Thực chất các chuyến xuất ngoại vừa qua của một số quan chức tỉnh Bình Thuận là vì công vụ hay chỉ là du hí? Bởi, sang Đức với duy nhất mục đích là "tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng khu dân cư ven biển" thì sao phải 2 đoàn đi. Hơn nữa, trong danh sách những người được đi có cả chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, bí thư một huyện miền núi đã nghỉ hưu, giám đốc công an, lãnh đạo Ban Tổ chức, Ban Nội chính Tỉnh ủy, bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh… Số cán bộ này làm gì có chuyên môn để tham gia vào việc xây dựng hạ tầng đô thị, khu dân cư ven biển của địa phương!?

Mấy năm trở lại đây, Chính phủ đã liên tục có những chỉ đạo yêu cầu cán bộ, nhất là lãnh đạo, hạn chế đi công tác nước ngoài, trừ những chuyến công du rất cần thiết. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 4 năm (2012-2016), đã có gần 42.000 lượt cán bộ của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước xuất ngoại với khoản ngân sách tiêu tốn lên đến trên 1.000 tỉ đồng, chưa kể hàng chục ngàn lượt lãnh đạo các địa phương.

Có thể nói đi nước ngoài không biết từ lúc nào đã trở thành một dạng "kỹ năng mềm" của một bộ phận quan chức. Bởi mục đích và kết quả đích thực của những chuyến đi đó chỉ có những người trong cuộc mới biết. Tất nhiên, thực tế cũng có những đoàn công tác nước ngoài rất hiệu quả, mang về lợi ích lớn cho đất nước.

Trở lại trường hợp quan chức Bình Thuận công du bằng tiền của doanh nghiệp. Quy định không cho phép việc này nhưng thực tế đó vẫn thường xuyên xảy ra, không chỉ ở Bình Thuận. Vì sao? Vì cơ chế xin - cho. Doanh nghiệp tư nhân không phải vô cớ bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng, để bao quan chức xuất ngoại. "Đồng tiền đi liền khúc ruột", họ phải thu về cái lợi lớn hơn thế, như không bị nhũng nhiễu, được ưu tiên trúng thầu hay dễ dàng xin những dự án "một vốn bốn lời"…

Luật Phòng chống tham nhũng đã chỉ rõ người lạm dụng quyền lực để lợi dụng, trục lợi là tham nhũng. Cho nên, cần làm rõ bản chất các chuyến đi nước ngoài của các quan chức. Doanh nghiệp tài trợ và cả cán bộ tham gia đều phải giải trình từ lý do, mục đích đến hiệu quả từ những chuyến đi với cái mác "học tập", "trao đổi kinh nghiệm"…

Lê Trường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/cong-du-tra-hinh-20180718225727375.htm