Công du châu Á, Tổng thống Trump nỗ lực trấn an khu vực

Chính sách chưa rõ ràng của Washington đối với châu Á, đặc biệt là ASEAN, khiến nhiều quốc gia quan ngại liệu chuyến công du của Tổng thống Trump có trấn an được các nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du quan trọng đến châu Á từ ngày 3/11. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, sau đó đến Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC và có chuyến thăm cấp nhà nước trước khi tới Philippines dự Hội nghị Thượng đỉnh các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Giới phân tích đánh giá đây là chuyến công du quan trọng nhất của Tổng thống Trump kể từ khi lên nhậm chức. Ông Trump sẽ thăm 3 trong số 5 đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á, 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á và 3 trong số 6 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.

Khủng hoảng bán đảo Triều Tiên, tự do hàng hải trên Biển Đông, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, chính sách mập mờ của Washington đối với châu Á, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á là những thử thách đang chờ đợi ông Trump trong chuyến công du sắp tới. Tuy vậy, ông Trump cũng có thể tận dụng chuyến công du này để định hình lại bản đồ địa chính trị trong khu vực.

Tín hiệu chưa rõ ràng từ Nhà Trắng

Michael Mazza, nhà nghiên cứu về chính sách quốc phòng và ngoại giao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ lập luận, trước khi Tổng thống Trump có thể định hình lại bản đồ địa chính trị trong khu vực, ông cần thuyết phục giới lãnh đạo Đông Nam Á rằng ông hiểu được tầm quan trọng của khu vực và các quốc gia thành viên ASEAN.

4 tháng sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, Washington mới thực hiện hoạt động tự do hàng hải đầu tiên trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

4 tháng sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, Washington mới thực hiện hoạt động tự do hàng hải đầu tiên trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Ngay khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định tự do thương mại giúp kết nối 12 quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có 4 quốc gia ASEAN (Việt Nam, Singapore, Malaysia và Brunei).

Việc chính quyền mới rút lui khỏi TPP gây thất vọng cho các nước đối tác. Nó cũng báo hiệu chính quyền mới dường như "tỏ ra hài lòng" khi nhìn thấy Trung Quốc dẫn đầu trong việc thiết lập trật tự thương mại trong khu vực.

ASEAN cũng cảm thấy thất vọng khi 4 tháng từ khi ông Trump nhậm chức, Washington không thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, trái với mong đợi chính quyền mới sẽ mạnh mẽ hơn trong vấn đề này. Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã tránh các hoạt động FONOP để giảm căng thẳng với Bắc Kinh khi Washington tìm kiếm sự hỗ trợ đối với vấn đề Triều Tiên.

Chính quyền Trump đã thông qua kế hoạch tuần tra thường xuyên trên Biển Đông vào năm tới nhưng làm thế nào hoạt động này phù hợp với chiến lược của Mỹ ở Biển Đông, hay một kế hoạch như vậy liệu có tồn tại vẫn là một câu hỏi.

Tuy vậy, Nhà Trắng cũng phát đi những tín hiệu đáng mừng đối với khu vực Đông Nam Á. Cuối tháng 4, Tổng thống Trump đã điện đàm riêng với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Philippines và Thái Lan là 2 đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, Singapore là đối tác an ninh quan trọng.

Tổng thống Trump đã mời cả 3 nhà lãnh đạo tới tòa Bạch Ốc. Các cuộc điện đàm được lên kế hoạch chặt chẽ cho thấy tín hiệu rõ ràng chính quyền Trump đánh giá cao mối quan hệ với các đối tác lâu đời ở Đông Nam Á.

Chính sách Đông Nam Á của ông Trump?

Việc Mỹ rút khỏi TPP gửi đi thông điệp không may rằng chính quyền Trump không nhận ra tầm quan trọng của Đông Nam Á, hoặc lợi ích lâu dài của Mỹ ở khu vực.

Susan Thornton, Trợ lý Ngoại trưởng tạm quyền phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, từng nhận xét rằng thời kỳ Obama xoay trục sang châu Á "đã hết", trong khi chính quyền Trump không có "công thức" để thay thế nên chỉ làm tăng thêm mối quan ngại của Đông Nam Á.

Tổng thống Trump đã kéo dài thêm chuyến công du châu Á. Ảnh: AFP.

Trong 4 tháng đầu từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, chính sách không rõ ràng của Washington dấy lên mối lo ngại về cách tiếp cận của Mỹ. Tuy vậy, trong những tháng tiếp theo, Washington đã có những tín hiệu tích cực. Quyết định tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC và ASEAN cho thấy sự quan tâm và cam kết đối với khu vực.

Tuy vậy, giới quan sát vẫn khó xác định chiến lược của chính quyền Trump ở Đông Nam Á. Trước đó, chính quyền Tổng thống Bush và Obama đã xây dựng nền tảng vững chắc cho cách tiếp cận thành công của Mỹ đối với Đông Nam Á. Tổng thống Trump nên tận dụng chuyến công du sắp tới để củng cố nền tảng đó.

Nhà phân tích Mazza gợi ý, Tổng thống Trump nên có bài phát biểu quan trọng, tương tự như bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama trước Quốc hội Australia vào năm 2011, trong đó ông Obama phác thảo chiến lược châu Á của Washington.

Cuộc khủng hoảng và vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không nên nằm trong danh sách ưu tiên, thay vào đó, Tổng thống Trump nên đưa ra tầm nhìn về Đông Nam Á có lợi cho các nước và Mỹ. Tầm nhìn đó cần có 3 trụ cột chính.

- Về lâu dài, Mỹ nên cố gắng hình thành một khu vực Đông Nam Á hòa bình với nội bộ và các nước láng giềng và trong đó các quốc gia có thể chống lại sự “đe dọa” từ bên ngoài.

- Mỹ nên tìm cách định hình khu vực Đông Nam Á bao gồm kinh tế, tự do thương mại và lồng ghép sâu hơn thương mại toàn cầu và dòng chảy tài chính.

- Định hình cộng đồng Đông Nam Á với các nền dân chủ, trong đó quyền con người được bảo vệ.

Nhà phân tích Mazza kết luận, công khai cam kết với tầm nhìn dài hạn như vậy, Tổng thống Trump có thể trấn an các nước ASEAN rằng chiến lược “xoay trục sang châu Á” dưới thời Tổng thống Obama sẽ được tiếp tục.

Những màn bắt tay 'kinh điển' của Tổng thống Trump Nắm chặt, lắc và kéo người đối diện gần về phía mình là những kiểu bắt tay độc đáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Trung Hiếu
(Theo: National Interest)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cong-du-chau-a-tong-thong-trump-no-luc-tran-an-khu-vuc-post790201.html