Cộng đồng Trung Quốc chống Covid-19 giữa tâm dịch Italy thế nào?

Khi người Italy còn ngồi rảnh rang cafe, coi thường mối đe dọa tới từ dịch bệnh, những người Trung Quốc sống giữa họ tìm cách bảo vệ bản thân cùng gia đình.

Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 càn quét Italy, cộng đồng 50.000 người Trung Quốc sống ở thị trấn Prato, vùng Tuscan khiến quan chức Italy đặc biệt chú ý.

2 tháng trước, họ sống quanh những ánh mắt kỳ thị từ những người Italy lo sợ họ là mầm bệnh lây truyền virus.

Nhưng giờ, khi Italy oằn mình chống dịch, cộng đồng này lại trở thành hình mẫu cho việc sớm áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch sớm và nghiêm ngặt.

Cộng đồng Trung Quốc ở thị trấn Prato trở thành hình mẫu chống Covid-19 tại Italy. (Ảnh: The Times)

Cộng đồng Trung Quốc ở thị trấn Prato trở thành hình mẫu chống Covid-19 tại Italy. (Ảnh: The Times)

"Người Italy chúng tôi sợ rằng người Trung Quốc ở Prato là vấn đề. Nhưng thay vào đó, họ làm tốt hơn chúng tôi", Renzo Berti, quan chức y tế nhà nước hàng đầu của khu vực cho hay.

"Trong số những người Trung Quốc ở Prato, thậm chí còn không có lấy một ca mắc Covid-19", ông này cho hay.

Người Trung Quốc chiếm 1/4 dân số Prato, nhưng cách họ chống dịch góp phần giúp tỷ lệ mắc Covid-19 ở thị trấn này bằng gần 1/2 so với mức trung bình của Italy - 62 ca nhiễm trên 100.000 dân so với 115 ca/100.000 dân trên toàn Italy.

Từ cuối tháng 1, cộng đồng người Trung Quốc ở Prato tự phong tỏa. Nhiều người trong số họ trở về từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc nên hiểu được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Khi người Italy mải mê trượt tuyết trên các sườn dốc, chen chúc vào các quán cafe hay các quán bar, cư dân Trung Quốc ở Prato ở nhà. Các con phố gần như bỏ hoang, cửa hàng đóng cửa hàng loạt.

Có những bằng chứng cho thấy người Trung Quốc ở nhiều nơi khác tại Italy cũng thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự.

Video: Italy được cho là đã tới giai đoạn đỉnh dịch Covid-19 vào ngày 1/4

Francesco Wu, một thương nhân ở Italy cho biết ông đã thúc giục các đối tác người Italy của mình vào tháng 2 đóng cửa các doanh nghiệp của họ như ông đã làm.

Nhưng không ai tin lời Wu, mọi người nhìn ông như một người kỳ lạ và không ai tin vào những lời cảnh báo.

"Bây giờ Troy đang bùng cháy và chúng ta đều bị nhốt bên trong", Wu nói.

Hôm 4/2, doanh nhân Luca Zhou bay từ Trung Quốc về hội ngộ cùng vợ và con trai ở Prato. Ngay khi về tới nhà, Zhou tự cách ly trong phòng 14 ngày, hạn chế mọi tiếp xúc với vợ và con trai.

"Chúng tôi nhìn thấy những gì diễn ra ở Trung Quốc và chúng tôi lo sợ cho chính mình, gia đình và bạn bè của chúng tôi", Zhou, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu vang Italy sang Trung Quốc cho hay.

Nếu phải ra đường, Zhou sẽ đeo khẩu trang và găng tay. Ông cho biết một số người Trung Quốc mà ông gặp trên đường cũng như vậy. Họ, giống như ông, lo ngại lây lan virus cho người khác.

"Những người bạn Italy cảm thấy tôi rất kỳ quặc. Tôi đã cố giải thích nhiều lần rằng họ nên đeo chúng, nhưng họ không hiểu", Zhou cho hay.

Italy mất hơn 12.000 người trong cuộc chiến với Covid-19.

Zhou cho biết khi ông trở lại Prato, không cơ quan chức năng nào của Italy đưa ra khuyến cáo gì với ông.

"Chúng tôi làm tất cả một mình. Nếu chúng tôi không làm điều đó, tất cả sẽ nhiễm bệnh, cả người Trung Quốc và người Italy", ông nói.

Berti cho biết ông bắt đầu nhận ra người Trung Quốc chống dịch nghiêm túc thế nào khi dịch bệnh bắt đầu bùng nổ ở Prato.

Hơn 360 gia đình, khoảng 1.300 người Trung Quốc đăng ký tự cách ly và ghi tên vào chương trình giám sát sức khỏe.

Chiara Zheng, sinh viên đại học 23 tuổi, là một trong số đó. Cô tự nguyện cách ly sau khi trở về từ Trung Quốc.

"Tôi ý thức được sự nghiêm trọng của tình hình. Tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải làm điều đó cho những người khác và người gần gũi với mình", Zheng nói.

Song Hy (Nguồn: Reuters)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/cong-dong-trung-quoc-chong-covid-19-giua-tam-dich-italy-the-nao-ar537190.html