Cộng đồng người Việt tại nước ngoài 'bầu bí thương nhau' thời dịch COVID-19

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới ngày càng phức tạp, khó lường. Nhiều điểm dịch bùng phát trên thế giới cũng là nơi có nhiều người lao động và du học sinh Việt Nam. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là với những người làm công việc tự do, kinh doanh buôn bán nhỏ nơi xứ người. Thế nhưng, tinh thần tương thân tương ái tiếp tục được phát huy. Các Hội người Việt tiếp tục là những điểm tựa vững chắc để bà con vững tâm vượt khó.

Ban Liên lạc người Việt Nam ở Malaysia hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn

Tại Malaysia, có khá nhiều người Việt tại Malaysia đang gặp khó khăn. Có những trường hợp lao động bị nghỉ việc không lương, có cả lao động thiếu giấy tờ không dám đi ra đường do sợ bị cảnh sát kiểm tra bắt giữ. Cũng có những trường hợp là phụ nữ Việt lấy chồng người Malaysia song gặp phải hoàn cảnh khó khăn, hay các trường hợp ốm đau, bệnh tật... Họ đa phần bị thiếu đồ ăn thức uống hoặc không có tiền để mua thực phẩm, thuốc men…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ quán Việt Nam, Ban Liên lạc người Việt Nam ở nhiều bang đã tổ chức các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ hàng trăm hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch COVID-19. Không quản ngại khó khăn, các thành viên Ban Liên lạc chia nhau, người đi vận động doanh nghiệp, cá nhân trợ giúp, người ghi nhận các trường hợp cần giúp đỡ. Sau khi có con số cụ thể, số tiền quyên góp đều được Ban liên lạc chọn sử dụng để mua gạo, trứng và mì tôm giúp các hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài Ban Liên lạc người Việt Nam ở các ban, Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, Ban liên lạc bang Johor, các doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn... cũng hưởng ứng và đăng tải trên các trang thông tin của mình. Nhiều nhóm từ thiện người Việt tại Malaysia cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng đóng góp tiền và hàng hóa cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh, sự ủng hộ, quyên góp được thực hiện theo những cách khác nhau, nhưng đều mang ý nghĩa lớn lao, bởi đó là những nghĩa cử cao đẹp mang đầy tính nhân văn, ấm tình người.

 Đại diện Ban liên lạc và Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia trao quà hỗ trợ đến bà con gặp khó khăn.

Đại diện Ban liên lạc và Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia trao quà hỗ trợ đến bà con gặp khó khăn.

Nhóm tương trợ người Việt Ukraine

Ở Ukraina, dịch bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp. Tại Thủ đô Kiev đã ghi nhận gần 10 trường hợp người Việt mắc COVID-19. Ban phòng chống dịch bệnh đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, tổ chức tốt công tác phòng chống, như phân loại, cách ly người thuộc diện F1, F2 do tiếp xúc với người bệnh. Khu Làng Sen cũng thường xuyên được khử trùng để ngăn ngừa dịch bệnh…

Và trong hoàn cảnh khó khăn này, nhằm tương trợ, giúp đỡ tối đa cho bà con người Việt, các tổ chức hội đoàn đã được thành lập. Cuối tháng 6 vừa qua, một số doanh nhân và cựu sinh viên người Việt tại các thành phố như Kiev, Odessa, Kharkov ở Ukraine đã cùng nhau thành lập Nhóm tương trợ người Việt Ukraine, đồng thời lập quỹ thiện nguyện nhằm giúp đỡ những kiều bào có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh.

Chính nhờ vậy, hoạt động của nhóm đã nhận được sự tình nguyện đóng góp của nhiều kiều bào, có cả những lao động đang làm các công việc có thu nhập thấp. Ngoài ra, nhóm cũng nhận được trợ giúp từ nhiều người từng sinh sống và làm việc ở Ukraine nhưng đã về Việt Nam. Và tuy gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng người Việt tại Ukraine vẫn luôn đồng hành với chính quyền sở tại trong công tác phòng chống dịch.

Bà con ở Ukraine không phải ai cũng có hợp đồng chăm sóc sức khỏe hay thành thạo ngôn ngữ để có thể liên hệ với bệnh viện, trung tâm y tế khi có vấn đề về sức khỏe…Vì vậy Nhóm tương trợ đã rất chú trọng vào hoạt động hỗ trợ người nghi nhiễm đi làm xét nghiệm, thành lập các tổ phiên dịch, tìm bác sĩ để giúp nhiều gia đình ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó, Nhóm tương trợ cũng thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo kịp thời về tình hình dịch bệnh cũng như chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 trên trang Facebook của nhóm để bà con tham khảo và tự trang bị cho mình những kiến thức phòng bệnh.

Khó khăn là vậy, nhưng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của bà con vẫn ấm áp vô cùng. Nhiều khi các thành viên trong nhóm còn phải thuyết phục bà con nhận tiền hỗ trợ khi đi làm xét nghiệm hoặc khám, chữa bệnh vì ai cũng muốn nhường cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Giảm giá tiền thuê gian hàng ở Đức

Cũng giống như người bản xứ, những ngày qua cộng đồng người Việt đã và đang phải đối mặt với vô khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19. Ở Đức, có rất đông bà con người Việt làm ăn buôn bán với quy mô lớn nhỏ khác nhau, nên dịch bệnh đã tác động trực tiếp tới cuộc sống của nhiều người.

Theo chị Lê Phượng, hiện đang sống ở Hamburg, bà con mình chủ yếu kinh doanh buôn bán, mở nhà hàng, làm dịch vụ với quy mô nhỏ. Vừa qua, để bù đắp một phần thiệt hại cho các chủ doanh nghiệp và người lao động, chính quyền liên bang và các bang đã cung cấp những gói hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, không phải người Việt nào cũng biết thông tin để có thể tiếp nhận được gói hỗ trợ này.

“Thế là một số anh chị sống lâu năm ở Đức và đứng ra dịch toàn bộ những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động rồi tư vấn miễn phí cho bà con người Việt mình. Những thông tin này liên tục được lan truyền qua các trang Facebook cá nhân với mong muốn tất cả mọi người đều có thể đọc được và tiếp cận gói hỗ trợ. Tấm chân tình ấy thật đáng quý biết bao”, chị Phượng nói.

Ngoài ra, để san sẻ khó khăn với bà con kinh doanh, Trung tâm thương mại Thái Bình Dương của người Việt ở Berlin đã quyết định giảm 20% tiền thuê gian hàng cho các doanh nghiệp hoạt động ở trung tâm trong những tháng dịch bệnh, rồi mua nước khử trùng phát cho bà con doanh nghiệp. Trong khi đó, Trung tâm thương mại Đồng Xuân ở Berlin cũng giảm 10% giá thuê gian hàng trong hai tháng cao điểm dịch bệnh để giúp bà con người Việt mình.

Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản phát 20.000 phần quà

Theo báo SGGP, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã cùng với các tổ chức xã hội như Hội Phật tử Việt Nam kêu gọi quyên góp, phân phát gần 20.000 phần quà, chủ yếu là lương thực, thực phẩm cho những người Việt Nam đang gặp khó khăn. Đại sứ quán cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản có biện pháp hỗ trợ, như gia hạn visa cho cộng đồng người Việt, chuyển đổi visa lao động, hỗ trợ tài chính và điều trị y tế. Những người khó khăn nhất được ưu tiên đăng ký lên trước ở các chuyến bay về nước.

Các tình nguyện viên chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người đến tá túc ở chùa Nisshinkutsu. Ảnh: Reuters

Anh Đỗ Văn Tú đã tốt nghiệp trường tiếng Nhật vào tháng 4 vừa qua nhưng chưa thể trở về nước do dịch bệnh. Không tìm được việc làm thêm, cũng không có chỗ ở, anh phải lên chùa Nisshinkutsu nương náu trong mấy tháng qua. “Tôi đã hết hạn thẻ sinh viên nên không đi làm thêm được nữa. Biết đến chùa qua Facebook; thấy ở đây có các hoạt động thiện nguyện nên tôi đã xin địa chỉ và đến nương náu ở đây chờ ngày hồi hương” - anh Tú chia sẻ. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, theo thông lệ, cứ mỗi tháng, số thực tập sinh hết hợp đồng phải về nước vào khoảng 2.000 đến 3.000 người.

Cùng chung hoạn nạn với các du học sinh có nhiều lao động người Việt, như trường hợp của chị Lương Thị Tư, 22 tuổi, làm công cho một khách sạn ở Tokyo. Mùa dịch bệnh, khách sạn đóng cửa, nhân viên bị sa thải không có chỗ ở. Chị Tư buộc phải rời khỏi ký túc xá, may mắn gặp cô Jiho Yoshimizu, thành viên một nhóm hỗ trợ lao động Việt Nam, đón về chùa Nisshinkutsu. “Tôi cảm thấy biết ơn vì được ở lại đây”, chị Tư trải lòng.

Khang Anh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/cong-dong-nguoi-viet-tai-nuoc-ngoai-bau-bi-thuong-nhau-thoi-dich-covid-19-114160.html