Cộng đồng góp sức, rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập được bảo vệ hiệu quả

Trước đây, mỗi năm rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập (gọi tắt là Vườn), huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước xảy ra rất nhiều vụ phá rừng, săn bắt thú rừng.

Khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng này đã giảm hẳn. Sở dĩ rừng được quản lý bảo vệ tốt như hiện nay là do sự đóng góp rất lớn của các cộng đồng nhận khoán và lực lượng biên phòng, kiểm lâm.

Thoát nghèo nhờ đi giữ rừng

Gia đình anh Điểu Ganh, thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập trước đây nằm trong diện hộ nghèo của xã, vườn rẫy ít lại có 3 đứa con tuổi ăn học. Hai vợ chồng cày cấy, làm thuê cuốc mướn quanh năm cũng bữa đói bữa no và cái nghèo cứ đeo bám.

Trước cuộc sống quá khó khăn nên cách nay hơn 10 năm, anh Điểu Ganh nhờ lãnh đạo thôn xin vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ Vườn và được chấp nhận. Vào cộng đồng với công việc chính là đi tuần tra bảo vệ rừng được khoảng 3 năm, có nguồn thu nhập tăng thêm khá, nhờ đó gia đình anh Điểu Ganh đã thoát nghèo và cuộc sống dần ổn định.

“Trước đây nhà tôi nghèo lắm, nhà chỉ hơn 1 mẫu điều nhưng có 5 miệng ăn. Năm nào điều sai trái, bán được giá cao thì đỡ chút, còn năm thất mùa là khổ. Đói thì không đói nhưng có khi chưa biết no là gì. Ba đứa con tôi càng lớn ăn uống, học hành càng cao nên tốn tiền lắm.

Nhiều lúc, phải đi vay tiền về xài. Khó lắm nhưng hai vợ chồng cũng cố cho con cái ăn học để sau này đừng khổ như bố mẹ nó. Giờ 2 đứa học lớp 12, đứa còn lại lớp 10 rồi. Cũng may nhà nước tạo điều kiện cho tham gia giữ rừng nên cuộc sống giờ đỡ vất vả hơn”, anh Điểu Ganh nói.

Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đi tuần tra rừng.

Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đi tuần tra rừng.

Tương tự, anh Điểu Chrâm, thôn Bù Dốt cũng tham gia cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng đã hơn 5 năm. Cha anh mất sớm, mẹ anh thì già yếu mất sức lao động, thường xuyên bệnh. Thế là quanh năm anh Chrâm phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ già và bản thân. Thấy hai mẹ con khó khăn, anh Điểu Vi Rút, tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Bù Dốt đã kêu gọi anh tham gia cộng đồng.

Với tính tình siêng năng, chí thú làm ăn, trừ 10 ngày trong tháng đi tuần, thời gian còn lại anh Chrâm về chăm sóc mảnh vườn của gia đình và đi làm thuê. Vào cộng đồng được hơn 2 năm, gia đình anh Chrâm đã thoát nghèo và hiện có cuộc sống ổn định hai vợ chồng cùng đứa con 3 tuổi bên mẹ già.

“Có cuộc sống ổn định như hôm nay là nhờ các anh, các chú giới thiệu đi giữ rừng. Vào cộng đồng tôi mới dám đi lấy vợ vì trước nghèo đâu dám cưới, sợ “rước” cái nghèo về cho vợ thì xui lắm”, anh Điểu Chrâm nói vui.

Theo Ban quản lý Vườn, hiện có 10 cộng đồng nhận khoán với hơn 620 người, chủ yếu là đồng bào Stiêng, Mơ Nông (chiếm hơn 95%) thuộc các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) nhận quản lý bảo vệ 19.000ha và 5 Đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn tỉnh nhận quản lý bảo vệ 5.000ha rừng thuộc Vườn.

Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng nhận khoán thường được trả theo quý. Trung bình mỗi người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có thu nhập bình quân 2-2,5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể tiền hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giam gia bảo vệ rừng từ Chính phủ.

Xử lý nghiêm nạn phá rừng, săn bắt thú

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Vườn cho biết, công tác tuần tra, bảo vệ rừng để ngăn chặn các đối tượng khai thác lâm sản trái phép được đơn vị thực hiện thường xuyên, liên tục.

Hạt Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng tăng cường công tác tuần tra trên toàn lâm phần Vườn quốc gia, chú trọng các tiểu khu có nguy cơ cao về khai thác lâm sản.

Ngoài việc tuần tra bảo vệ rừng theo kế hoạch hàng tháng, Hạt còn tổ chức phối hợp với các lực lượng của xã Bù Gia Mập, các Đồn biên phòng, các đơn vị nhận khoán tổ chức tuần tra dài ngày tại các khu vực có nguy cơ về khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng.

Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông tuần tra bảo vệ rừng tại các khu vực giáp ranh giữa Vườn quốc gia với tỉnh Đắk Nông. Do đó, toàn lâm phần Vườn quốc gia được bảo vệ rất tốt.

Theo lãnh đạo Vườn, rừng trên toàn lâm phần Vườn quốc gia được bảo vệ tốt là do sự phối hợp hiệu quả giữa 3 lực lượng gồm: cộng đồng nhận khoán, kiểm lâm và Bộ đội Biên phòng.

Nhờ sự phối hợp này mà hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, cháy rừng, săn bắt thú… ở Vườn đã giảm đáng kể. Từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ xảy ra hơn 10 vụ khai thác lâm sản trái phép, tuy nhiên tính chất, quy mô nhỏ, không đáng kể.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích hơn 25.600ha. Vườn hiện có 1.117 loài thực vật. Vườn có nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, gỗ mật, thạch tùng, giáng hương, trắc và 278 giống cây dùng làm thuốc.

Vườn cũng là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (như gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, bò rừng, gà tiền mặt đỏ, gấu ngựa, voi, voọc chà vá chân đen...). Vườn cũng là nơi cư trú của nhiều loài động vật thuộc bộ linh trưởng (như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc ngũ sắc, voọc xám...).

Về động vật, Vườn có 437 loài, trong đó thú có 73 loài thì có tới 59 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam; chim có 168 loài, có 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như gà lôi, hồng hoàng, hồng tía, niệc mỏ vằn, chim công, gà tiền mặt đỏ, chim yến hồng xám...; bò sát có 30 loài, có 12 loài ghi trong sách đỏ.

Đức Trí

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/cong-dong-gop-suc-rung-o-vuon-quoc-gia-bu-gia-map-duoc-bao-ve-hieu-qua-594892/