Cộng đồng doanh nghiệp ứng phó dịch Covid-19: Khó khăn, thách thức vẫn ở phía trước

Cộng đồng doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn trong quý I-2020 do dịch Covid-19, trong khi nhiều bất ổn, thách thức vẫn đang ở phía trước. Doanh nghiệp đang cần chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả. Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Hànôịmới với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Trong ba tháng đầu năm 2020, có tới gần 35 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong ảnh: Sản xuất tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Mạnh Hùng

- Xin ông cho biết thực trạng doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến nhiều lĩnh vực?

- Dịch Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp. Trong ba tháng đầu năm 2020, có tới gần 35 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Đây là lần đầu tiên sau hàng thập niên, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Theo khảo sát nhanh của VCCI mới đây, tác động của đại dịch với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% doanh nghiệp được khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh làm đứt dòng tiền kinh doanh; hơn 40% doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu; 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019.

Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, có gần 30% trong tổng số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động không quá 3 tháng; 50% chỉ trụ được 6 tháng. Hệ lụy là hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm.

- Vậy doanh nghiệp đang làm gì để vượt qua khó khăn, thưa ông?

- Hầu hết các đơn vị đã tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, đồng thời cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp tận dụng điều kiện sẵn có, nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm phòng, chống dịch. Bảo vệ người lao động cũng là giải pháp bảo vệ sản xuất, kinh doanh và thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp. Đó là “nhiệm vụ kép” mà các doanh nghiệp đang triển khai.

Được biết, 73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động. Hơn 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian; 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm; 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo lại nhân lực...

- Theo ông, doanh nghiệp đang cần hỗ trợ như thế nào?

- Để hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương để các giải pháp bước đầu đi vào thực tiễn, hỗ trợ tích cực cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Tuy vậy, tôi cho rằng còn rất nhiều việc cần làm, đòi hỏi tinh thần quyết liệt và khẩn trương. Đó là giãn thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài do điều kiện dịch bệnh không thể vào Việt Nam để hoàn thành thủ tục đúng thời gian quy định.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề xuất, bên cạnh việc hoãn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, thực hiện ngay cơ chế hoãn nộp bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…, vì quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo chỉ thị của Thủ tướng của các bộ, ngành còn chậm, doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng...

- Còn việc hỗ trợ người lao động thì sao, thưa ông?

- Liên quan đến người lao động, doanh nghiệp đề nghị tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020. Chính phủ xem xét trình Quốc hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% cho năm 2020.

Sử dụng quỹ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động khi phải nghỉ việc vì thiếu việc làm; đồng thời sử dụng quỹ kết dư này cùng với nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động.

Đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể về trường hợp người có hợp đồng lao động nghỉ việc, ngừng việc không hưởng lương trong thời gian dịch bệnh để họ vẫn giữ được việc làm; xem xét các chính sách về thời gian làm việc linh hoạt để doanh nghiệp có thể giảm giờ làm việc hằng tuần và điều chỉnh mức lương phù hợp cho người lao động...

Chúng tôi cũng đề xuất việc giảm giờ làm và trả lương tương ứng với giờ làm việc; cho phép người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp toàn phần trong trường hợp doanh nghiệp phải dừng hoạt động nhằm phòng, chống dịch để giữ chân người lao động…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/964262/cong-dong-doanh-nghiep-ung-pho-dich-covid-19-kho-khan-thach-thuc-van-o-phia-truoc