Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hà Nội

Với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho DN hoạt động, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 được khống chế, TP Hà Nội được cộng đồng DN, chuyên gia kinh tế đánh giá cao và trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV: Vừa tiên phong, vừa đi đầu để hút đầu tư

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã liên tục thay đổi những cơ chế chính sách nhằm hướng tới tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Công tác cải cách hành chính cũng được cải thiện tích cực nhằm tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư và các dự án có thể triển khai một cách nhanh nhất. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong 5 năm trở lại đây, Hà Nội đã có nhiều cải tiến, tiến bộ với thứ hạng trong năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính liên tục tăng lên, luôn luôn nằm trong Top đầu của Việt Nam.

Trong Bảng xếp hạng PCI năm 2019, TP Hà Nội đạt 68,8 điểm, tăng 3,4 điểm so với năm 2018 và trụ vững tại vị trí thứ 9/63 tỉnh, TP. Để có được kết quả đó, TP Hà Nội đã cho thấy quyết tâm đồng hành cùng DN, chủ động hỗ trợ DN thông qua những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cụ thể như tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với hiệp hội và DN để tháo gỡ khó khăn, chia sẻ cơ hội đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực... Những hành động thiết thực này đã được cộng đồng DN đánh giá cao.

Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút DN đầu tư vào các dự án phát triển Thủ đô, Hà Nội cũng còn nhiều việc phải làm. Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách để khẳng định vị thế là trung tâm đầu não Thủ đô của cả nước, cũng là nơi T.Ư thử nghiệm các cơ chế, chính sách mới thì TP phải sẵn sàng tiên phong.

Thứ hai, liên quan đến cơ sở hạ tầng, Hà Nội cần phải phát triển tốt hơn, hạn chế tối thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông, sân bay, cầu cảng cũng cần được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn. Thứ ba chính là phát triển nguồn nhân lực, bởi rõ ràng khi thu hút đầu tư kinh doanh từ các nhà đầu tư thì phải chuẩn bị sẵn sàng vấn đề này, nhất là đào tạo nghề công nghệ chất lượng cao.

Cuối cùng, liên quan đến khoa học công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, với việc Chính phủ ban hành chiến lược phát triển kinh tế số thì Hà Nội cũng phải tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, kinh doanh số, Chính phủ điện tử, thanh toán không tiền mặt... Nghĩa là vừa tiên phong, vừa đi đầu góp phần vào diện mạo của Thủ đô ngày một phát triển hơn để thu hút đầu tư.

Tôi hy vọng sau nhiều năm tổ chức thành công, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” sẽ là cơ hội thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền TP Hà Nội, lãnh đạo các tỉnh, thành tham dự với các nhà đầu tư, DN cũng như với các đơn vị, tổ chức làm chức năng cầu nối, đưa nhà đầu tư, DN đến với TP nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa: Sự thân thiện sẽ thu hút khách du lịch

Chúng ta đang muốn thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế, trong đó du lịch là ngành kinh tế “không khói” tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất. Theo tính toán, ngành du lịch tạo ra giá trị gia tăng trên một lao động còn cao hơn ngành chế biến. Phát triển ngành du lịch có lợi cho thu nhập quốc dân nói chung. Đây là cơ hội tốt để hoàn thiện chính sách, đặc biệt là chính sách về du lịch.

Với Hà Nội có rất nhiều cơ hội thu hút đầu tư, phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch gắn liền với vui chơi giải trí khi du khách vào Hà Nội nói riêng cả nước nói chung. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ tính toán cả triệu lượt khách nhưng lại chưa tính toán cụ thể số lượng tiền du khách chi tiêu. Nói cách khác, số lượng triệu khách quan trọng nhưng triệu cái ví tiền cũng hết sức quan trọng.

Hiện đang thiếu nhiều chính sách, trong đó có những chính sách liên quan đến dịch vụ mới, cơ quan quản lý chưa tìm ra được phương thức quản lý hữu hiệu nên nhiều khi vẫn phải thận trọng. Nếu chúng ta đặt ra các loại hình vui chơi giải trí, trong đó có cá cược bóng đá, đua ngựa, đua chó... với chế tài hiệu quả, lành mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của Việt Nam tại những nơi không có nhiều cơ hội tạo ra nguồn thu ngân sách để người lao động có cơ hội việc làm gắn liền với các di sản văn hóa... Sẽ tạo thành khu du lịch đa dạng về văn hóa, ẩm thực, thiên cảnh, di sản, vui chơi... Đấy là kinh nghiệm của các nước đã áp dùng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để kích cầu du lịch, thu hút đầu tư, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người Hà Nội có nét đặc trưng văn hóa quảng bá du lịch của chính mình, cũng như hạ tầng, di sản... cần tổ chức bảo quản, quảng bá giới thiệu với khách hàng một cách bài bản. Đơn cử ở Đà Nẵng hay Hội An người dân cũng ý thức hơn, nếu thấy một khách cầm túi rác tìm không thấy thùng để bỏ, người dân sẵn sàng từ trong nhà chạy ra gọi lại, hoặc mang thùng rác ra để hỗ trợ bỏ... Nói về chuyện rất nhỏ để thấy rằng, sự thân thiện của con người mới là yếu tố quan trọng nhất thu hút khách du lịch đến với mình.

Khắc Kiên ghi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cong-dong-doanh-nghiep-danh-gia-cao-no-luc-cua-thanh-pho-ha-noi-388163.html