Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách của Chính phủ

Năm 2018, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt cao hơn mục tiêu 6,7% đã đề ra.

Ngày 4-12, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 với chủ đề "Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu đã diễn ra tại Hà Nội".

Diễn đàn DN Việt Nam là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng DN trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2018, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt cao hơn mục tiêu 6,7% đã đề ra.

Cả nước ước có trên 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư của khu vực tư nhân ngày càng tăng, giải ngân vốn FDI ước đạt 18 tỷ USD; xuất khẩu đạt xấp xỉ 240 tỷ USD... “Đạt được kết quả đáng kể này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Bộ trưởng KH&ĐT nói.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2018

Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức, sức ép lạm phát còn lớn; chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài còn thấp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu...

“Trong thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, nhất là sự nhiệt huyết, năng động của người đứng đầu Chính phủ Tuy nhiên, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ. Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng doanh nghiệp trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong đầu tư, kinh doanh của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương về cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, cải cách kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được các DN ghi nhận. Qua khảo sát của VCCI, nhìn chung các DN đều nhận thấy môi trường đầu tư kinh doanh đang chuyển biến mạnh mẽ.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách của Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là ở 2 điểm sáng nhất: Chương trình cải cách hành chính, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành cùng những nỗ lực bước đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số.

Tuy vậy, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Tính đến tháng 9 - 2018, vẫn có tới 58% doanh nghiệp (theo khảo sát của VCCI) vẫn phải “xin” các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép và chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến, 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên cổng thông tin một cửa quốc gia…

Công tác thanh, kiểm tra có chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm vẫn còn tới 40%, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh kiểm tra còn 14%.

“Những con số như vậy cho thấy môi trường kinh doanh mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khoảng cách giữa các báo cáo kết quả cải cách trên giấy tờ với thực tiễn vẫn còn xa, dư địa cải cách vẫn còn lớn”, Chủ tịch VCCI nói.

Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI kiến nghị sớm có tiêu chí thống nhất về tiêu chuẩn của điều kiện kinh doanh để bảo đảm thực thi có hiệu quả và nhất quán

Về cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch VCCI hoan nghênh Bộ Xây dựng đã đi tiên phong trong việc thành lập trung tâm một cửa liên thông ở cấp bộ. Mô hình này nên được nhân rộng và cần nghiên cứu các phương án liên thông tối đa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. Theo đó, nên quy định doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan nhà nước và những thông tin về doanh nghiệp sẽ trao đổi tự động giữa các các cơ quan khác khi có yêu cầu mà không cần doanh nghiệp phải trình mỗi nơi một bộ hồ sơ.

“Đồng thời cũng cho phép doanh nghiệp làm nhiều thủ tục cùng một lúc, hạn chế tối đa việc phải hoàn thành xong thủ tục này mới được bắt đầu làm thủ tục khác. Cần tăng cường cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp để tạo áp lực nâng cao trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của họ”, ông Lộc nói.

Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư...

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của doanh nghiệp (DN) vào trong các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của DN lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo.

“Chính tinh thần doanh nhân và khí thế của các bạn là liều thuốc tinh thần động viên Chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn và nhanh hơn nữa”, Thủ tướng nói và cho biết, ông đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tất cả ý kiến tại Diễn đàn, báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu, sửa đổi.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-dong-doanh-nghiep-danh-gia-cao-no-luc-cai-cach-cua-chinh-phu-129432.html