Công đoàn Việt Nam qua các kỳ đại hội

VH- Kể từ ngày thành lập (28.7.1929) đến nay, Công đoàn Việt Nam đã trải qua 11 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc lịch sử quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại số nhà 15 phố Hàng Nón (Hà Nội), ngày 28.7.1929 đã diễn ra Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (nay là Công đoàn Việt Nam) do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh-Ủy viên BCH TW lâm thời Đông dương cộng sản Đảng chủ trì
I.Đại hội Thành lập Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ (1929)
Diễn ra ngày 28.7.1929 tại số nhà số 15 Hàng Nón (Hà Nội). Đại hội đã thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (nay là Công đoàn Việt Nam) do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh-Ủy viên BCH TW lâm thời Đông dương cộng sản Đảng chủ trì. Đại hội đã bầu BCH TW lâm thời Tổng Công hội đỏ, do đ/c Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Đại hội đã thông qua Chính cương, Điều lệ; đồng thời quyết định ra Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
(1908-1932)

II. Các kỳ đại hội của Công đoàn Việt Nam

1. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I. Đại hội diễn ra từ ngày 1.1 đến ngày 15.1.1950 tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với sự có mặt của trên 200 đại biểu đại diện cho khoảng 350.000 công nhân, viên chức lao động cả nước. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dự. Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất tiến hành nhằm kiểm điểm, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam từ khi hình thành (nhất là từ sau Cách mạng tháng Tám 1945) đến thời điểm Đại hội; đồng thời đề ra những nhiệm vụ của công đoàn đối với đường lối kháng chiến kiến quốc. Mục tiêu của Đại hội là: “Động viên công nhân viên chức cả nước, nhất là công nhân ngành quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi...”. Đại hội đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng – người thành lập và lãnh đạo Công hội Ba Son (1921) làm Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại hội bầu ra BCH Tổng Liên đoàn lao động VN khóa I gồm 21 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch.
2. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II. Đại hội diễn ra từ ngày 23.2 đến ngày 27.2.1961, tại Thủ đô Hà Nội, với sự có mặt của 752 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu ý kiến. Đại hội quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đại hội bầu BCH Tổng Công đoàn Việt Nam khóa II gồm 55 ủy viên chính thức, 10 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch. Mục tiêu của Đại hội là: “Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất, xây dựng CNXH ở miền Bắc, với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà...”.
3. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III. Đại hội diễn ra từ ngày 11.2 đến ngày 14.2.1974, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự có mặt của 600 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước. Đại hội đã đón 25 đoàn khách đại diện cho giai cấp công nhân và Công đoàn quốc tế và đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam Việt Nam. Các đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng; Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước; Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự Đại hội. Đại hội bầu BCH Tổng Công đoàn Việt Nam khóa III gồm 71 ủy viên. Đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước VNDCCH được bầu làm Chủ tịch danh dự; đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch. Mục tiêu của Đại hội là: “Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước...”.
4. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV. Đại hội diễn ra từ ngày 8.5 đến ngày 11.5.1978, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự có mặt của 962 đại biểu đại diện cho hơn 3 triệu đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ cả nước. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội. Đại hội bầu ra BCH Tổng Công đoàn Việt Nam khóa IV, gồm 155 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị BCH TW Đảng (sau này là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng) được bầu làm Chủ tịch. Mục tiêu của Đại hội là: “Động viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước”.
V. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V. Đại hội diễn ra từ ngày 1611 đến ngày 18.11.1983 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự có mặt của 949 đại biểu. Dự Đại hội có các đồng chí: Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V nhất trí lấy ngày 28.7.1929 (ngày thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ) làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đại hội bầu ra BCH Tổng Công đoàn Việt Nam khóa V, gồm 155 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Chủ tịch (tháng 2.1987 đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu làm Chủ tịch). Mục tiêu của Đại hội là: “Động viên công nhân lao động thực hiện 3 chương trình lớn của Đảng. Phát triển nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu...”.
6. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI. Đại hội diễn ra từ ngày 17.10 đến ngày 20.10.1988, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự có mặt của 834 đại biểu đại diện cho hơn 3 triệu CNVCLĐ cả nước. Tới dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư BCH TW Đảng và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Đây là Đại hội đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đồng thời cũng đặt ra cơ sở lý luận cho việc đổi mới tổ chức của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam. Đại hội đã đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đại hội bầu BCH khóa VI, nhiệm kỳ 1988 - 1993 gồm 155 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư được bầu làm Chủ tịch. Đại hội đặt ra mục tiêu: “Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội ...”.
7. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII. Đại hội diễn ra từ ngày 9.11 đến ngày 12.11.1993 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự có mặt của hơn 600 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước. Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự Đại hội. Đại hội bầu ra BCH khóa VII, nhiệm kỳ 1993 - 1998 gồm 125 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư được bầu lại làm Chủ tịch. Mục tiêu của Đại hội: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân lao động...”.
8. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII. Đại hội diễn ra từ ngày 3.11đến ngày 6.11.1998, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội với sự có mặt của 897 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước. Tới dự Đại hội có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đại hội đã bầu BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa VIII gồm 145 ủy viên. Đồng chí Cù Thị Hậu được bầu làm Chủ tịch. Mục tiêu của Đại hội: “Đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân lao động... vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” theo con đường xã hội chủ nghĩa...”.
9. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX. Đại hội diễn ra từ ngày 10.10 đến ngày 13.10.2003, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội với dự có mặt của 900 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước. Tham dự Đại hội có đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đại hội đã bầu BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa IX gồm 150 ủy viên. Đồng chí Cù Thị Hậu được bầu làm Chủ tịch. Đại hội đã đề ra khẩu hiệu hành động “Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam vững mạnh, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ...”.
10. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X. Đại hội diễn ra từ ngày 2.11 đến ngày 5.11.2008 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội với sự có mặt của 985 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước. Tham dự Đại hội có đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X

Ảnh: Congdoan.org.vn

Đại hội đã xác định mục tiêu “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp; hướng về cơ sở… xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”. Đại hội đã bầu BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X gồm 160 đồng chí. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch.
11. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI. Đại hội đã diễn ra từ ngày 27.7 đến ngày 30.7.2013, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội). Tham dự Đại hội có 944 đại biểu thay mặt cho hàng triệu CNLĐ cả nước. Các đồng chí Nguyễn Phú Trọng-Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đă dự Đại hội.

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI

Đại hội đã đề ra mục tiêu, phương hướng tổng quát của tổ chức CĐVN nhiệm kỳ 2013-2018, đó là: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước…”. Đại hội nhất trí số lượng BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI là 175 đồng chí và đã bầu tại đại hội 172 đồng chí, đồng chí Đặng Ngọc Tùng giữ chức Chủ tịch.
12. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Đại hội XII Công đoàn Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức vào tháng cuối 9 năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội sẽ có khoảng 950 đại biểu thay mặt cho hơn 10 triệu đoàn viên công đoàn, người lao động của cả nước. Phương châm của Đại hội XII là: “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”. Đại hội XII Công đoàn Việt Nam không chỉ quyết định mục tiêu, phương hướng cho cả nhiệm kỳ 2018-2023, mà còn bàn bạc, thảo luận, thống nhất các khâu “đột phá” của tổ chức công đoàn trong thời gian tới, đó là: “Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, chuyên nghiệp, trách nhiệm, sáng tạo, để vận dụng, tổ chức thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn của tổ chức công đoàn cũng như mong muốn của người lao động trong tình hình mới;khi mà Việt Nam sẽ tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”./.

Ths. Nguyễn Hữu Giới
Nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/cong-doan-viet-nam-qua-cac-ky-dai-hoi