Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng tiên phong

Sáng 28/7, tại Hà Nội, Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3, phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Tới dự buổi lễ có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng một số các nguyên lãnh đạo cấp cao. Dự lễ kỷ niệm còn có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh thành và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Cách đây 90 năm, ngày 28/7/1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu.

Đây là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cách mạng Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam, là kết quả tất yếu của phong trào công vận đúng đắn và sự truyền bá lý luận công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Người đặt nền móng lý luận, tư tưởng và tổ chức cho Công đoàn Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Ôn lại truyền thống hào hùng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường chia sẻ, thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930- 1945), Công đoàn Việt Nam thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam, tích cực vận động đoàn viên, người lao động tham gia đấu tranh chính trị và vũ trang trong các cuộc diễn tập cách mạng.

Với hơn 20 vạn người trong năm 1945, đoàn viên công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. 90 năm xây dựng và phát triển, trải qua 12 kỳ đại hội, với các tên gọi khác nhau: Công hội Đỏ, Nghiệp đoàn ái hữu, Hội công nhân phản đế, Hội công nhân cứu quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Công đoàn Việt Nam và nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh toàn diện, với gần 10,5 triệu đoàn viên, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, tham gia đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Tổ chức Công đoàn không chỉ là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động mà thực sự còn là tổ chức để tập hợp, đoàn kết, giáo dục công nhân, người lao động phấn đấu vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vì sự phồn vinh của đất nước.

Ngoài hoàn thành sứ mệnh trên, tổ chức Công đoàn còn là người bạn đồng hành gắn bó, thủy chung với giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động khác, góp phần củng cố khối liên minh vững chắc của cách mạng Việt Nam”, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường khẳng định.

Với những thành tích và những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước, tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3 cho Tổng LĐLĐVN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam là nền tảng chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước.

Công đoàn là tổ chức chính trị- xã hội tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; là chỗ dựa vững chắc và cầu nối giữa công nhân, người lao động với Đảng và Nhà nước. Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị của đất nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tiến hành những cuộc vận động cách mạng to lớn, phát động những phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, đóng góp sức người, sức của và cả máu xương cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần 3 cho Tổng LĐLĐVN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua của đất nước có sự đóng góp rất quan trọng, to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Công đoàn đã có nhiều đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động. Hoạt động công đoàn và phong trào công nhân luôn bám sát chủ trương của Đảng và thực tiễn cuộc sống.

Công đoàn các cấp, đặc biệt là Tổng Liên đoàn đã tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”; xây dựng các thiết chế công đoàn, tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, chăm sóc sức khỏe… tại các khu công nghiệp.

“Hiện nay, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho đất nước ta và tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới. Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả to lớn và truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và trưởng thành; đồng thời, phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân cả nước trong tình hình mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/cong-doan-viet-nam-luon-la-luc-luong-tien-phong-555061/