Công đoàn thực hiện tốt sứ mệnh chăm lo, đại diện

Để tiếp tục khẳng định vị thế, tổ chức Công đoàn đã đề ra 3 khâu đột phá trong hoạt động thực hiện trong 5 năm tới

"Với sự năng động, nhạy bén thích ứng tình hình mới, 5 năm qua, nhất là ở nửa cuối nhiệm kỳ, Công đoàn (CĐ) Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ. Hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ) được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới, tạo sức thu hút cho tổ chức CĐ Việt Nam" - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định tại phiên trọng thể Đại hội XII CĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra sáng 25-9. Tại phiên làm việc trọng thể này, đại hội vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến tham dự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam

Vì lợi ích đoàn viên và người lao động

Thay mặt ban chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) điểm lại những thành tựu nổi bật của tổ chức CĐ trong 5 năm qua. Ông Bùi Văn Cường một lần nữa nhấn mạnh việc đại diện, chăm lo là chức năng bẩm sinh của tổ chức CĐ, do vậy, mọi hoạt động CĐ đều hướng đến thực hiện tốt vai trò bảo vệ và cải thiện đời sống NLĐ. Điều đó được các cấp CĐ từ trung ương đến từng cơ sở cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động có chiều sâu và thực chất.

Minh chứng rõ nét nhất là việc tổ chức CĐ đã phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Trong nhiệm kỳ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có 521 văn bản kiến nghị, đề xuất với Đảng, nhà nước về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi NLĐ. Nhiều đề xuất của CĐ đã được tiếp thu, góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và NLĐ, tiêu biểu là tham gia xây dựng Luật BHXH, các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động, Luật CĐ năm (2012) về quyền, trách nhiệm của CĐ, tài chính CĐ, chế độ chính sách đối với lao động nữ... Đặc biệt, tổ chức CĐ cũng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55%, giúp cải thiện đời sống đoàn viên, NLĐ thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu đặc biệt có ý nghĩa với NLĐ.

Trong khi đó, chương trình nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp (DN), đã có tác động tích cực đến đời sống của NLĐ. Số lượng thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho NLĐ về tiền lương, thưởng, bảo đảm việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; thực hiện chính sách bình đẳng giới... tăng lên rõ rệt.

Song song đó, hoạt động chăm lo lợi ích luôn được các cấp CĐ quan tâm thực hiện. Nhiều chương trình hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho đoàn viên và NLĐ được hình thành như chương trình "Nâng chất lượng bữa ăn ca của NLĐ" chỉ sau 2 năm thực hiện đã giúp nâng giá trị bữa ăn ca của 587.239 NLĐ. Hay việc "Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN-KCX" mở ra những điều kiện mới để tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức CĐ và đoàn viên, trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao... "Chương trình phúc lợi cho đoàn viên CĐ được khởi xướng từ đầu năm 2017 đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động CĐ theo hướng mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho NLĐ là đoàn viên CĐ, tạo sự khác biệt rõ nét so với NLĐ chưa là đoàn viên CĐ. Sau hơn một năm thực hiện, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp CĐ đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với 1.157 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các DN để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và NLĐ, góp phần tăng thêm lợi ích của trên 1,7 triệu lượt đoàn viên" - ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Các đại biểu biểu quyết thông qua đề án nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tạo bước đột phá trong mọi hoạt động

Nhấn mạnh mục tiêu nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và NLĐ, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao là mục tiêu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 2018-2023, BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xác định 9 nhóm chỉ tiêu, 9 nhiệm vụ tổng quát và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể các cấp CĐ sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, việc phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên CĐ; đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của CĐ theo hướng góp phần bảo đảm quyền an sinh xã hội; nâng cao năng lực đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ, cán bộ CĐ; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là nhiệm vụ cốt lõi.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhận định: "CĐ Việt Nam đang ở thời điểm có tính bước ngoặt, 5 năm tới và những năm tiếp theo sẽ có nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố rất mới tác động đến quá trình phát triển và đổi mới của tổ chức CĐ Việt Nam. Để tiếp tục khẳng định vị thế của mình, yêu cầu đặt ra cho tổ chức CĐ là phải đột phá trong hoạt động. Cụ thể, đại hội lần này đề ra 3 khâu đột phá gồm: đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ NLĐ; xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng nguồn lực CĐ đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông CĐ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới".

Tâm đắc với các khâu đột phá mà đại hội đã đề ra, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch CĐ các DN Công ích và Dịch vụ thương mại TP HCM, cho biết: "Đổi mới tổ chức để phù hợp với tình hình mới là yêu cầu tất yếu. Là cán bộ CĐ, tôi rất kỳ vọng sự đổi mới trong tổ chức hoạt động và cả trong khâu quản lý điều hành trong hệ thống CĐ thời gian sắp tới nhằm củng cố địa vị của tổ chức CĐ cũng như mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho NLĐ".

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/thuc-hien-tot-su-menh-cham-lo-dai-dien-20180925222616347.htm