Công đoàn sát cánh người lao động trong thỏa thuận lương

Từ năm 2021, các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Từ năm 2021, các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Thị trường có quy luật của thị trường, và thị trường lao động cũng không thoát lý khỏi quy luật đó. Pháp luật là không thiên vị, không tuân theo cảm xúc, không bị áp lực dư luận dẫn dắt, không chiều theo số đống.

Thị trường lao động không chỉ là sản phẩm hàng hóa bình thường, mà còn là những yếu tố nhân văn, là con người, là cảm xúc của người lao động. Có thể nơi trả lương cao hơn, nơi này trả lương thấp hơn, nhưng tôi chọn nơi này vì ở đây có sự chia sẻ, có tình yêu thương, có sự công bằng và có tấm lòng với người lao động xa hơn là với đất nước.

Nhưng ngoài cảm xúc, yếu tố quan trọng là tay nghề, là trình độ, là chuyên môn. Công nhân, người lao động, muốn có một thỏa thuận lương cao, có sự trân trọng từ phía người sử dụng lao động, thì chính mình phải nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Một thị trường lao động công bằng là không cào bằng, là trả công xứng đáng với sức lao động, trí tuệ, chuyên môn tay nghề mà người lao động đã bỏ ra, hoặc đã cống hiến.

Chúng ta có niềm tin về lòng tốt của doanh nhân, các vị giám đốc doanh nghiệp có sự ứng xử công bằng với người lao động, ai giỏi tới đâu thì sẽ trả lương tương xứng với công sức của họ. Nhưng, để khách quan, được sự ghi nhận của dư luận, cộng đồng, thì cần phải có tổ chức đồng hành với người lao động.

Công đoàn tham gia, đóng góp ý kiến, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, hoặc có khi cần phải thuyết phục người sử dụng lao động và người lao động để tìm tiếng nói chung, đảm bảo lợi ích của cả hai bên. Mục đích cuối cùng là tất cả đều thụ hưởng được sự công bằng và văn minh.

Vậy thì vai trò của người lao động ở đâu?

Công nhân, người lao động không thể ngồi yên một chỗ để chờ đợi công đoàn bảo vệ, mà mỗi cá nhân phải vận động, học tập, rèn luyện, nâng cao tay nghề. Công nhân không chỉ giỏi về chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong vận hành dây chuyền sản xuất, mà còn là những nhân tố tích cực tập hợp được anh em, kêu gọi sự đoàn kết, giữ gìn kỷ luật công nghiệp và bảo vệ môi trường.

Với một công nhân tích hợp được nhiều yếu tố tích cực như vậy, chủ doanh nghiệp nào mà không trả lương cao.

Công đoàn chỉ sát cánh với người lao động tốt, chấp hành kỷ luật lao động, sinh hoạt văn minh, tôn trọng pháp luật.

Lê Thanh Phong

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cong-doan-sat-canh-nguoi-lao-dong-trong-thoa-thuan-luong-627231.ldo