Công đoàn phải làm gì để thực hiện dân chủ cơ sở?

Tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là một trong những hoạt động cốt lõi của tổ chức công đoàn. Nhưng thực tế tại rất nhiều đơn vị công tác này vẫn chưa được coi trọng, mặc dù Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có hướng dẫn, quy định phải thực hiện.

Trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp không chỉ tổ chức lễ phát động triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) trong năm mới mà còn phải tổ chức hội nghị người lao động (NLĐ), đối thoại định kỳ với NLĐ. Chính vì vậy, thời gian qua, sự quan tâm đặc biệt của các cán bộ công đoàn trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là làm sao để thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức một hội nghị lao động có thực chất, hiệu quả, thu nhận được những góp ý, kiến nghị có tính xây dựng từ phía NLĐ, đóng góp vào định hướng, phương án SXKD của đơn vị.

Công đoàn khối Cơ quan PVN tổ chức đối thoại với NLĐ vào tháng 12-2018

Công đoàn khối Cơ quan PVN tổ chức đối thoại với NLĐ vào tháng 12-2018

Trả lời vấn đề này, theo Văn phòng Tư vấn Pháp luật Công đoàn Dầu khí Việt Nam, căn cứ Mục I và Mục II, Phần 2, Hướng dẫn số 1755/HD-TLĐ ngày 20-11-2013 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc thì các cấp công đoàn phải thực hiện những nội dung về công tác đối thoại như xây dựng quy chế đối thoại, lựa chọn thành viên tham gia tổ đối thoại, thành lập tổ đối thoại, tổ chức hội nghị đối thoại với NLĐ.

Trước tiên, công đoàn tham gia xây dựng quy chế đối thoại. Trong đó, công đoàn cơ sở chủ động đề nghị với người sử dụng lao động xây dựng quy chế đối thoại tại doanh nghiệp. Lưu ý việc xây dựng quy chế đối thoại phải bám sát các nội dung quy định tại Mục 1, Chương III, Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19-6-2013 và phù hợp với loại hình doanh nghiệp, với tình hình thực tiễn, đặc điểm SXKD của doanh nghiệp.

Trong quá trình tham gia xây dựng quy chế đối thoại, công đoàn phải đề nghị đưa vào quy chế đối thoại: Các nguyên tắc đối thoại, các nội dung đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất; thành phần, số lượng thành viên mỗi bên tham gia đối thoại và biên bản kết quả từng nội dung đối thoại.

Phải có quy định NLĐ được đề xuất nội dung đối thoại; được tham gia ý kiến vào những vấn đề, nội dung đối thoại với người sử dụng lao động; quy định NLĐ được quyết định nội dung nào cần đối thoại, nội dung nào cần ưu tiên đối thoại; quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm chuẩn bị cơ sở vật chất cho các cuộc đối thoại.

Tiếp đến, công đoàn cơ sở phải xác định được số lượng, thành phần, tiêu chuẩn thành viên đại diện cho tập thể lao động tham gia đối thoại. Trong đó, số lượng thành viên đại diện tập thể NLĐ tham gia đối thoại do ban chấp hành (BCH) công đoàn cơ sở hoặc người đại diện BCH công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp.

Cụ thể, thành phần tham gia đối thoại đối với doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở gồm: Các ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở doanh nghiệp; các thành viên đại diện bên tập thể NLĐ được bầu tại hội nghị NLĐ do ban chấp hành công đoàn cơ sở đề cử trên cơ sở lựa chọn các đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn bộ phận, tổ trưởng, tổ phó tổ công đoàn, hoặc công đoàn viên theo tiêu chuẩn quy định trong quy chế này.

Ngoài ra, công đoàn có thể thành lập nhóm tư vấn gồm cán bộ công đoàn cấp trên, cán bộ trung tâm tư vấn pháp luật hoặc công đoàn viên, NLĐ có năng lực, trình độ, hiểu biết và có kiến thức về pháp luật lao động, công đoàn để tư vấn cho thành viên tổ đối thoại trước mỗi cuộc đối thoại. Đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở, thành viên tham gia tổ đối thoại gồm: Người đại diện BCH công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; các thành viên đại diện bên tập thể NLĐ được bầu tại hội nghị NLĐ do người đại diện ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp đề cử trên cơ sở lựa chọn trong danh sách NLĐ từ các phòng, ban, phân xưởng, đội sản xuất hoặc tổ sản xuất giới thiệu lên và hội đủ các tiêu chuẩn thành viên tham gia đối thoại quy định trong quy chế dân chủ tại doanh nghiệp.

Công đoàn PVEP thường xuyên nhận được những góp ý xây dựng của NLĐ tại các buổi đối thoại định kỳ

Đáng lưu ý là các thành viên được lựa chọn tham gia đối thoại có một số tiêu chuẩn cụ thể như: Có hiểu biết về pháp luật lao động và công đoàn, chế độ chính sách đối với NLĐ, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp; có hiểu biết về tình hình SXKD của doanh nghiệp, đời sống, việc làm của NLĐ và được NLĐ tín nhiệm; có khả năng thuyết trình, thuyết phục hoặc phản biện. Đặc biệt phải là công đoàn viên, NLĐ có thời hạn thực hiện hợp đồng lao động ít nhất đủ từ 12 tháng trở lên. Sau khi lựa chọn được đủ thành viên tham gia tổ đối thoại, công đoàn cơ sở cần thành lập tổ đối thoại đại diện tập thể NLĐ. Trong đó, thành phần, số lượng thành viên tham gia tổ đối thoại tùy thuộc nội dung của cuộc đối thoại, chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc người đại diện BCH công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định thành phần, số lượng thành viên tham gia tổ đối thoại, nhưng ít nhất phải có 3 người. Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc người đại diện BCH công đoàn cấp trên trực tiếp làm tổ trưởng tổ đối thoại. Trường hợp chủ tịch công đoàn cơ sở vắng, hoặc không tham gia đối thoại được thì phó chủ tịch công đoàn cơ sở thay và làm tổ trưởng.

Tổ đối thoại phải thực hiện nhiệm vụ được giao như tổ chức lấy và tổng hợp ý kiến NLĐ, đề xuất nội dung đối thoại, kế hoạch đối thoại; phân công trách nhiệm cho từng thành viên tổ đối thoại chuẩn bị ý kiến về nội dung đối thoại.

Mặt khác, phải trình bày và bảo vệ nội dung đối thoại do phía tập thể NLĐ đề xuất và phân tích, giải trình, phản biện nội dung đối thoại do người sử dụng lao động đề xuất. Cuối cùng là phải có báo cáo kết quả đối thoại với BCH công đoàn cơ sở và tập thể NLĐ. Đặc biệt là theo dõi tổ chức thực hiện kết quả đối thoại để nội dung kiến nghị hợp lý của NLĐ phải đi vào thực hiện một cách hiệu quả.

Ngoài ra, khi tổ chức một hội nghị NLĐ với mục đích đối thoại định kỳ cần phải lưu ý một số điểm như về thời điểm tổ chức hội nghị NLĐ cần thiết phải tổ chức vào quý I hằng năm. Đối với công ty cổ phần, hội nghị NLĐ nên tổ chức trước đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp. Về nội dung tổ chức hội nghị NLĐ có những điểm chính như: Người sử dụng lao động và chủ tịch công đoàn cơ sở trình bày các báo cáo theo phân công; đại biểu thảo luận, chất vấn tại hội nghị; người sử dụng lao động và chủ tịch công đoàn cơ sở tiếp thu góp ý và trả lời chất vấn nội dung thuộc trách nhiệm của mình; ký kết thỏa ước lao động tập thể; bầu đại diện bên tập thể NLĐ tham gia thành viên đối thoại; phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua; biểu quyết thông qua nghị quyết hội nghị NLĐ.

Có thể thấy rằng, việc tổ chức đối thoại thường xuyên tại doanh nghiệp giữa người sử dụng lao động và NLĐ không chỉ nâng cao tính dân chủ trong doanh nghiệp mà là cơ hội để tăng tinh thần đoàn kết, phát huy tính xây dựng của NLĐ đối với doanh nghiệp. Việc chuẩn bị và tổ chức tốt hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ là một trong những giải pháp đưa doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện môi trường làm việc, giảm đi những vướng mắc trong quá trình vận hành và tất nhiên là sẽ tăng đáng kể hiệu quả SXKD của đơn vị khi phát huy đầy đủ tinh thần tập thể, sức sáng tạo và rút kinh nghiệm không ngừng của NLĐ, những người đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho doanh nghiệp và xã hội.

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/cong-doan-phai-lam-gi-de-thuc-hien-dan-chu-co-so-527934.html