Công đoàn phải chủ động hội nhập

CPTPP có hiệu lực sẽ làm thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức Công đoàn

"Khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, đây là lần đầu tiên vấn đề đa Công đoàn (CĐ) được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Khi thực hiện, CPTPP sẽ làm thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức CĐ". Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh như vậy tại hội thảo "Nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn lao động quốc tế và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cho cán bộ CĐ chủ chốt của tổ chức CĐ Việt Nam" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng 12-11 ở TP HCM.

Thúc đẩy thương lượng tập thể

Phân tích những khó khăn mà tổ chức CĐ Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, ông Quảng cho biết các tiêu chuẩn về lao động cơ bản được đề cập trong CPTPP gồm quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể. Điều này cho phép người lao động (NLĐ) làm việc trong một doanh nghiệp (DN) được thành lập tổ chức của mình tại cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này có quyền gia nhập Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đa CĐ được thực hiện và sẽ là thách thức lớn với tổ chức CĐ Việt Nam.

"Các tổ chức CĐ khác của người lao động chỉ tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Trong khi đó, hệ thống CĐ Việt Nam phải thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội nên nguồn lực sẽ bị phân tán, thiếu cơ chế chủ động trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng… Đây là bài toán mà hệ thống CĐ Việt Nam phải giải quyết để giữ vững niềm tin của NLĐ" - ông Quảng nhìn nhận.

Do đó, ông Quảng cho rằng hệ thống CĐ Việt Nam phải có bước đột phá về tư duy lẫn hành động, tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên và NLĐ, giảm thiểu những nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội, ít hoặc không liên quan đến quan hệ lao động.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB-XH, nhấn mạnh hội nhập quốc tế sẽ đặt ra nhiều thách thức cho tổ chức CĐ Việt Nam. Bởi lẽ, khi những cam kết quốc tế, trong đó có các công ước của ILO, được thông qua thì phải được tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện, duy trì trong luật và trong thực tiễn. Điều mà tổ chức CĐ cần quan tâm, nhất là khi Công ước số 98 (lộ trình được đề xuất phê chuẩn là năm 2019) được phê chuẩn và có hiệu lực, là bảo vệ NLĐ và CĐ trước hành vi phân biệt đối xử, đồng thời thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện và thiện chí. Kết quả của quá trình thương lượng tập thể không chỉ mang lại lợi ích cho đoàn viên, NLĐ mà còn thể hiện được vị trí, vai trò, uy tín của tổ chức CĐ.

Cán bộ Công đoàn (bìa trái) Công ty TNHH Điện cơ Solen Việt Nam - KCX Tân Thuận, TP HCM thăm hỏi tình hình việc làm và thu nhập của đoàn viên

Cán bộ Công đoàn (bìa trái) Công ty TNHH Điện cơ Solen Việt Nam - KCX Tân Thuận, TP HCM thăm hỏi tình hình việc làm và thu nhập của đoàn viên

Đổi mới từ nhận thức đến hành động

Trao đổi với các cán bộ CĐ chủ chốt, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng hội nhập quốc tế là bước đi tất yếu. Vì vậy, để thích ứng với tình hình mới, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện là yêu cầu bắt buộc với tổ chức CĐ. Trong đó, nâng cao hiệu quả trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ là vấn đề đặc biệt quan trọng, phải được đặt lên hàng đầu.

Theo ông Hiểu, để làm được điều này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai hàng loạt chương trình hành động cụ thể, yêu cầu cả hệ thống CĐ Việt Nam phải tập trung thực hiện. Trong đó, trọng tâm là việc nâng cao chất lượng xây dựng chính sách liên quan đến NLĐ và CĐ; thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể; xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ làm công tác bảo vệ quyền lợi của NLĐ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới… Điển hình là đề án tư vấn pháp luật trực tuyến cho đoàn viên. Ông Hiểu cho biết sắp tới, ứng dụng phần mềm tư vấn pháp luật tiện dụng, miễn phí với hàng trăm tình huống thường gặp do Tổng LĐLĐ thực hiện sẽ được đưa vào áp dụng nhằm tư vấn, hỗ trợ và cung cấp kiến thức pháp luật cho đoàn viên. NLĐ có thể tiếp cận qua thiết bị điện thoại thông minh hoặc được tư vấn tự động tại các trụ tư vấn điện tử.

Theo các đại biểu, để củng cố vị thế là tổ chức không thể thay thế, CĐ Việt Nam phải hình thành đội ngũ luật sư CĐ am hiểu về lĩnh vực lao động, đặc biệt là có kỹ năng tranh tụng khi đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ tại tòa. "Tổ chức CĐ Việt Nam phải dành một phần nguồn thu tài chính để làm tốt nhiệm vụ này. Với nhiều chương trình được đồng loạt triển khai thực hiện, mục tiêu cuối cùng mà tổ chức CĐ Việt Nam hướng tới là bảo vệ đoàn viên, NLĐ hiệu quả nhất. Tổ chức CĐ phải xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc khi NLĐ bị xâm hại quyền lợi và cần sự đồng hành của CĐ" - ông Nguyễn Phi Hổ, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, bày tỏ.

Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên

Song song với việc đẩy mạnh công tác đại diện, bảo vệ đoàn viên và NLĐ, tổ chức CĐ Việt Nam đã và đang tiếp tục đổi mới bằng nhiều chương trình chăm lo, mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, đồng thời tạo được thương hiệu riêng, như đề án xây dựng thiết chế CĐ nhằm chăm lo về nhà ở và đời sống tinh thần cho đoàn viên hay chương trình hỗ trợ CNVC-LĐ học tập, nâng cao trình độ... Sức hấp dẫn từ những chương trình cụ thể như thế sẽ khẳng định được vị thế của CĐ và thu hút NLĐ gia nhập CĐ.

Bài và ảnh: THANH NGA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cong-doan-phai-chu-dong-hoi-nhap-20181112205530852.htm