Công đoàn ngành Thông tin và Truyền thông: Đồng hành cùng người lao động

Trong thời gian từ 01/5 đến 31/5/2020, các cấp Công đoàn ngành TT&TT đã triển khai đồng thời 'Tháng Công nhân' và 'Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động' năm 2020.

Thông qua các hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở, thúc đẩy sự quan tâm, chăm lo của của xã hội đối với đoàn viên, công nhân lao động; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và hội nhập quốc tế của ngành.

Hành động hướng về công đoàn viên

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết XV Đại hội Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam; Nghị quyết 10c/NQ-BCH ngày 12/7/2017 về nâng cao hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”; Chương trình số 2494/CTr-TLĐ ngày 19/12/2018 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khóa XII) về nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động giai đoạn, giai đoạn 2018-2023” và Kế hoạch số 73/KH-TLĐ ngày 19/9/2029 về triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia cải thiện điều kiện và môi trường, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2019-2023.

Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam tặng quà bệnh nhân ung thư.

Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam tặng quà bệnh nhân ung thư.

Theo đó, hàng năm Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, có nội dung về công tác ATVSLĐ và tổ chức triển khai cho các cấp công đoàn trong tỉnh thực hiện với các nội dung chủ yếu: tuyên truyền, tập huấn, tham gia kiểm tra giám sát; xây dựng kế hoạch thăm và tặng quà cho các nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị tai nạn lao động... Đến nay về cơ bản các đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đều có bộ phận theo dõi làm công tác ATVSLĐ.

Ông Nguyễn Văn Sung, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam chia sẻ, đối với tổ chức công đoàn, công tác bảo hộ lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân lao động.

Ông Nguyễn Văn Sung cho biết, để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, công đoàn các cấp đã có nhiều biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao sức khỏe cũng như đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động. Nhờ đó, mỗi năm có hàng trăm công trình, sản phẩm mới đạt chất lượng cao, nhiều cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất...

“Đến nay, trong các doanh nghiệp đều có tổ chức công đoàn, mỗi tổ sản xuất có bình quân 1 an toàn vệ sinh viên, 100% các đoàn điều tra tai nạn lao động chết người có đại diện công đoàn tham gia”, ông Sung nói.

Góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

Đối với công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức triển khai các phong trào thi đua, phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức được hàng trăm buổi tuyên truyền và mời các đơn vị chuyên môn được cấp phép về tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, quyền và lợi ích của người lao động.

Tăng cường quản lý nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Tổ chức công đoàn trong nhiều doanh nghiệp cũng đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ thay mặt người lao động ký thỏa ước lao động tập thể, trong đó có các nội dung về bảo hộ lao động. Trong các năm gần đây chất lượng các bản thỏa ước đã được nâng lên. Nội dung thỏa ước lao động tập thể đã tập trung vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, điều kiện làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...

Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp đã tổ chức hàng chục lượt đối thoại với người sử dụng lao động về nhiều nội dung, trong đó có các nội dung về ATVSLĐ, về điều kiện và môi trường làm việc. Bình quân hàng năm có khoảng 215 cuộc đối thoại định kỳ và 43 cuộc đối thoại đột xuất trong các loại hình doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Sung, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam, một bộ phận lãnh đạo ở một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ và do tác động của kinh tế thị trường nên một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động cũng như coi trọng thực hiện công tác bảo đảm ATVSLĐ, chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, sự hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ của một bộ phận người lao động vẫn còn nhiều hạn chế nên tình trạng vi phạm cũng như tai nạn lao động vẫn còn xảy ra.

Bởi vậy, để thực hiện tốt các chỉ tiêu Nghị quyết 10c/NQ-BCH và Kế hoạch số 73/KH-TLĐ của Tổng LĐLĐVN, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ trong thời gian tới, các cấp công đoàn trong Ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường các giải pháp chủ động tham gia, phối hợp cùng với người sử dụng lao động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về công tác ATVSLĐ gắn với việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm; đầu tư trang thiết bị, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện điều kiện môi trường làm việc cho người lao động; thực hiện phòng ngừa và kiểm soát các nguy cơ rủi ro.

Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp và tăng cường giám sát, kiểm tra môi trường lao động; đa dạng hóa hình thức tuyên tuyền để nâng cao ý thức người lao động và từng bước hình thành văn hóa an toàn lao động; Nâng cao năng lực của bộ máy quản lý và hiệu quả quản lý an toàn lao động, xây dựng các chính sách về an toàn lao động một cách hiệu quả.

Và, chú trọng việc kiện toàn bộ máy làm công tác ATVSLĐ, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên đủ về số lượng, mạnh về năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Viết Chung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/cong-doan-nganh-thong-tin-va-truyen-thong-dong-hanh-cung-nguoi-lao-dong-644792.html