Công đoàn Giáo dục: Sẵn sàng cho năm học mới

Tháng 9, tháng thầy và trò náo nức tựu trường, mở đầu cho một năm học mới. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động Lâm Đồng đã sẵn sàng bước vào một năm học mới với đầy khát vọng.

Cô và bé Trường Mầm non Tà Nung trong giờ chăm sóc cây

Cô và bé Trường Mầm non Tà Nung trong giờ chăm sóc cây

Ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng thông tin, Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng trực tiếp quản lý và phối hợp chỉ đạo, tổ chức hoạt động công đoàn mang tính ngành nghề đối với 21.901 cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ). Trong đó, công đoàn ngành trực tiếp quản lý 63 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 3716 CBNGNLĐ; 3.641 đoàn viên (nữ đoàn viên là 2.386 người). Với sự chủ động, phối hợp lãnh chỉ đạo kịp thời sâu sát của chính quyền và các cấp công đoàn, đội ngũ CBNGNLĐ Lâm Đồng luôn an tâm công tác, giữ vững kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, chủ động tham gia vào quá trình đổi mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2023-2024 của đơn vị, địa phương và của ngành.

Năm học 2024-2025, Công đoàn ngành Giáo dục xác định là một năm học mới với nhiều thách thức. Đây là năm thứ 4, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; tiếp tục triển khai các chủ trương, giải pháp đổi mới theo Kết luận 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, hoạt động công đoàn trong ngành xác định mục tiêu hướng về cơ sở, ông Ngô Văn Sơn chia sẻ.

"Mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng của Công đoàn ngành là thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, chú trọng triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Chúng tôi tập trung hướng mạnh về cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn các trường ngoài công lập; tăng cường các mối quan hệ phối hợp trong chỉ đạo hoạt động công đoàn", ông Ngô Văn Sơn cho biết.

Để đảm bảo mục tiêu dạy và học, Công đoàn ngành tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đội ngũ CBNGNLĐ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục để mỗi CBNGNLĐ nắm vững các chủ trương đổi mới của ngành, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong từng đơn vị, trường học và xã hội.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua: “Hai tốt”, “Hai giỏi”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” các nội dung thực hiện “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; xây dựng “Trường học hạnh phúc” ở các đơn vị, trường học trong toàn ngành. Để học trò tới trường luôn là ngày vui, là nơi học tập và vui chơi, với thầy cô là người dẫn đường sáng suốt.

Đặc biệt, tại các CĐCS trường học, công đoàn phối hợp cùng Ban Giám hiệu đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và tổ chức hoạt động công đoàn trên website, zalo, facebook, google driver đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, ông Ngô Văn Sơn cho biết. Ông khẳng định, đội ngũ nhà giáo phải tiếp cận chuyển đổi số trong giáo dục, trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; hỗ trợ tiếp cận khai thác các dữ liệu tập trung của ngành. Phát huy hiệu quả, thiết thực Cổng thông tin điện tử của Công đoàn Giáo dục tỉnh; thực hiện cải cách hành chính trong hoạt động công đoàn. Thầy cô tiếp cận được chuyển đổi số sẽ giúp đội ngũ học sinh nhanh chóng tiếp cận được những thay đổi của thời đại, không bị tụt hậu trong giai đoạn thông tin bùng nổ. “Nhất là ở các trường học vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Thầy cô tiếp cận công nghệ thông tin, ứng dụng càng rộng rãi bao nhiêu, học trò cũng được tiếp cận theo với mức độ tương ứng”, ông Ngô Văn Sơn đánh giá.

Việc chăm lo đời sống CBNGNLĐ cũng là nhiệm vụ quan trọng của Công đoàn ngành Giáo dục. Phong trào “Trường giúp Trường”, Phong trào “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ học sinh, chăm lo đời sống người lao động... sẽ tiếp tục được tổ chức Công đoàn quan tâm thực hiện. Ông Ngô Văn Sơn khẳng định: “Thầy cô có an cư lạc nghiệp, có mức thu nhập đủ sống mới có đủ sức khỏe, an tâm để chăm lo cho học trò, cho việc dạy và học. Nhiệm vụ quan trọng nhất của tổ chức Công đoàn là chăm lo cho quyền lợi chính đáng của đội ngũ CBNGNLĐ, để đội ngũ thầy, cô giáo, người lao động an tâm gắn bó với trường, với trò, với sự nghiệp giáo dục”.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202409/cong-doan-giao-duc-san-sang-cho-nam-hoc-moi-d2c2f94/