Công đoàn đẩy mạnh Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS

Mới đây, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố Ngô Văn Tuyến đã ký ban hành công văn số 668/LĐLĐ, triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 trong các cấp công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô.

Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luận về phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động do LĐLĐ quận Hoàn Kiếm tổ chức

Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luận về phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động do LĐLĐ quận Hoàn Kiếm tổ chức

Công văn nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019, căn cứ vào điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, LĐLĐ thành phố đề nghị các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành hữu quan và chuyên môn triển khai và tham gia các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 một cách thiết thực, hiệu quả, thông qua đó nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và nâng cao nhận thức của cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động về sự ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Theo LĐLĐ Thành phố, Tháng hành động năm 2019 có chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”. Đây là Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Thực hiện Tháng hành động, LĐLĐ Thành phố đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tích cực, chủ động triển khai một số hoạt động trọng tâm sau: Trước hết, các đơn vị cần tổ chức các buổi gặp mặt, tọa đàm, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS;

Lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế cũng như tổ chức các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả như: Mô hình trong dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và chống kỳ thị phân biệt đối xử, đặc biệt là các mô hình, các gương điển hình mà người nhiễm HIV hoặc người có hành vi cao đã chủ động tham gia phòng, chống HIV/AIDS, vươn lên làm chủ, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập và giúp nhau trong cuộc sống.

Cùng đó, các cấp Công đoàn cần phối hợp với Ban Chỉ đạo các cấp quận, huyện, thị xã tổ chức cho CNVCLĐ tham gia mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đồng thời tổ chức tập huấn phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội cho công nhân lao động, lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng ngừa HIV/AIDS với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu, tọa đàm, nối chuyện chuyên đề… của tổ chức công đoàn.

Các cấp công đoàn phải đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng: Các cơ quan báo, đài, trang thông tin điện tử Công đoàn Thủ đô xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết về kết quả các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của các cấp Công đoàn Thủ đô cũng như tăng cường việc cung cấp thông tin cho đoàn viên, CNVCLĐ về những kiến thức trong phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống thông tin cơ sở, trên mạng xã hội và các trang thông tin điện tử của các cấp Công đoàn Thủ đô.

Cùng đó, các đơn vị cần xây dựng các panô, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện và các khu công nghiệp, khu chế xuất; sử dụng hiệu quả, phổ biến các ấn phẩm truyền thông của Tổng Liên đoàn về tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn xã hội tới đoàn viên, CNVCLĐ.

Ngoài ra, LĐLĐ Thành phố còn yêu cầu các cấp công đoàn Thủ đô cần triển khai thực hiện một số hoạt động phòng chống HIV/AIDS khác như: Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV; tổ chức vận động các doanh nghiệp tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho người lao động, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm HIV tại đơn vị; tổ chức cho lãnh đạo các cấp tham gia thuyết trình bao gồm cả đánh giá và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các cuộc họp, hội nghị, các sự kiện truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, đi thăm hỏi, động viên các tổ chức, cơ sở chăm sóc, hỗ trợ và điều trị bệnh nhân AIDS, các câu lạc bộ phòng, chống HIV/ADIS, các nhóm tự lực và cá nhân, gia đình bệnh nhân AIDS giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng…

LĐLĐ thành phố Hà Nội đề nghị các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn trực thuộc khẩn trương, nghiêm túc triển khai tuyên truyền Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 và báo cáo về LĐLĐ Thành phố.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cong-doan-day-manh-thang-hanh-dong-phong-chong-hivaids-99901.html