Công diễn vở kịch thơ 'Hoạn Thư ghen'

Diễn biến tâm lý các nhân vật trong vở diễn 'Hoạn Thư ghen' được khai thác đa chiều, thổi cảm xúc đương đại vào câu chuyện của hơn 2 thế kỷ trước. Vở kịch được công diễn 2 đêm liên tiếp tại Nhà văn hóa TP Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân.

Tối 23/9, nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, UBND thành phố Hà Tĩnh phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức công diễn vở kịch “Hoạn Thư ghen”.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải, nhà giáo Hoàng Xuân Khóa - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kiều học Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Kiều học Việt Nam TP Hải Phòng cùng dự.

Vở kịch thơ “Hoạn Thư ghen” là một trích đoạn tiêu biểu trong “Truyện Kiều” do NSƯT Trần Tường đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật. Vở kịch được chuyển từ kịch bản cùng tên của tác giả Phương Văn - Hội Kiều học Việt Nam, do nhà giáo Hoàng Xuân Khóa biên tập.

Trích đoạn “Hoạn Thư ghen” được dàn dựng bằng cái nhìn nhân văn, cảm thông, lồng thổi cảm xúc của đương đại. Bởi thế, vở kịch vừa mang giá trị nghệ thuật đặc sắc, truyền tải thông điệp nhân văn sâu sắc của Đại thi hào Nguyễn Du, vừa mang tính thời sự, vẹn nguyên thông điệp về hôn nhân, gia đình; cách ứng xử văn hóa trong quan hệ chồng vợ.

Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa

Vở kịch quy tụ dàn ê-kíp các văn nghệ sỹ dày dặn kinh nghiệm, tâm huyết của Hội Kiều học Việt Nam và Hội Nghệ sỹ sân khấu Hải Phòng. Vở kịch “Hoạn Thư ghen” lần đầu tiên được công diễn tại Hải Phòng vào cuối năm 2019. Tại Hà Tĩnh, vở kịch sẽ được công diễn 2 đêm liên tiếp, tại Nhà văn hóa TP Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân.

Phát biểu tại buổi công diễn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Phạm Hùng Cường nhấn mạnh: Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc và nhân loại. Vở kịch thơ “Hoạn Thư ghen” là trích đoạn tiêu biểu nhất, được Hội Kiều học Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Hải Phòng sân khấu hóa, nhằm gìn giữ, phát huy và lan tỏa sâu rộng giá trị tinh hoa sâu sắc của Truyện Kiều đến thế hệ hôm nay.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Trịnh Văn Ngọc tặng hoa chúc mừng Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa

Một số trích đoạn trong vở kịch thơ “Hoạn Thư ghen”

Vở kịch bắt đầu bằng phân cảnh Thúc Sinh và Thúy Kiều mặn nồng hạnh phúc sau khi thoát khỏi nhà chứa của Tú Bà

Hoạn Thư phong thanh biết chuyện Thúc Sinh “Từ khi vườn mới thêm hoa/ Miệng người đã lắm, tin nhà thì không” thì tâm lý bắt đầu đẩy lên đỉnh điểm của sự ghen tuông

Phân cảnh chua xót nhất là mối tình tay ba và sự dằn mặt người chồng trăng hoa

Diễn biến tâm lý nhân vật Hoạn Thư được xây dựng khá phức tạp, đan xen nhiều mâu thuẫn, lúc âm mưu, thâm độc, toan tính, cay nghiệt, lúc lại đồng cảm tha thứ bởi “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/cong-dien-vo-kich-tho-hoan-thu-ghen/199017.htm