Công dân toàn cầu thành công dân… toàn làng

Có bậc cha mẹ, chỉ vì thể diện, khi con trượt đại học, đã mượn mác 'du học' để gửi con ra nước ngoài, học tại những trường không tên tuổi, học những ngành nghề cho có.

Gửi các bậc phụ huynh!

Đang buồn vì thằng con 16 tuổi chưa biết chọn lối đi nào cho tương lai, đọc cái “tít” báo mạng “chi tiền tỷ để thành công dân… toàn làng”, tôi thở phào. Hóa ra, trong cái rủi có cái may. Đó là chuyện nhiều phụ huynh đầu tư cho con đi du học để rồi nhận kết đắng.

Chả là thằng quý tử nhà tôi bắt đầu vào lớp 11. Không hiểu bạn bè xúi bẩy, rủ rê thế nào, ngay từ năm lớp 10, cu cậu đã có tư tưởng “cấp tiến”. Nó bảo, bố mẹ cứ yên tâm, con sẽ thành “công dân toàn cầu” cho coi. Lúc đó, mẹ chả phải lọ mọ kiếm tiền, bố cũng không mất sức banh mắt ra “xếp chữ”. Ông bà chỉ cần chờ tiếng ting ting, tha hồ mà sướng.

Tôi hiểu nó muốn nói, vợ chồng tôi chỉ mỗi việc cứ ngồi nhà chờ nó gửi tiền về. Cu cậu chua thêm, muốn vậy, giờ bố mẹ “đầu tư” mạnh cho con. Sang đó, con học hành tử tế, sau làm việc ở thung lũng silicon (Mỹ), thành “công dân toàn cầu”, vừa nhiều tiền, vừa oai oách, bố mẹ cũng mát mặt!

Nghe đường đi nước bước của con trai, tôi “mát mặt” đến nỗi suýt xỉu, nhất là món tiền phải chuẩn bị. Kể cũng nhục, làm bố mà không lo được cho tương lai con mình. Vò đầu, bứt tai, vừa nể phục, vừa căm những kẻ giàu có trong thiên hạ. Sao người ta kiếm được nhiều tiền thế, trăm tỷ, ngàn tỷ cứ nhẹ như lông hồng. Mình chỉ 1-2 tỷ mà méo mặt chưa ra.

Thằng con vẫn quyết tâm “bước ra thế giới”. Vợ chồng tôi sau nhiều đêm mất ngủ, cuối cùng đành chọn phương án thế chấp nhà. Ra ngân hàng, mang hồ sơ về ghi ghi chép chép, thấp thỏm, lo lắng nhưng cũng tràn trề hy vọng…

Chưa kịp hoàn tất thủ tục vay tiền, bất ngờ thằng con xoay 180 độ, không đi du học nữa! Điên tiết, bố mẹ toát mồ hôi chuẩn bị tiền bạc, ngại nhất là trót “khoe” với nội ngoại, tôi mắng té tát. Nó bảo, từ từ nghe con nói. Bạn con có người anh cũng du học đàng hoàng. Học xong, ở lại không được, về nước cũng không xin được việc, phải vay tiền mua xe ô tô cũ chạy Grab. Mà bố thử nhìn chị Hoa nhà bác Thủy xem, 2 lần xuất ngoại du học, giờ thất nghiệp đi bán hàng thuê; Chị Lan nhà cô Hạnh cũng vậy.

Du học các nước… đang là một trào lưu “hot” của các bạn trẻ. (Hình minh họa)

Nó còn nói, lúc trước con hào hứng vì chưa nghe những chuyện này, bây giờ con ngộ ra rồi. Không du học nữa, ở trong nước, nếu học hành nghiêm túc, giỏi vài ba ngoại ngữ, cũng sẽ thành công dân toàn cầu.

Nghe con nói, tôi thấy cũng có lý. Không vơ đũa cả nắm bởi thực tế cũng có nhiều du học sinh chọn nghề tốt, trường chuẩn và có tương lai như mong muốn. Ngoài việc giúp đỡ tài chính cho gia đình, các em còn đóng góp cho đất nước rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít phụ huynh gửi con đi du học, những mong con thành “công dân toàn cầu” thì lại thành “công dân toàn làng”, sau mấy năm tiêu tiền tỷ lại tiếp tục ăn bám bố mẹ…

Tôi gọi đó là sự lãng phí ghê gớm. Có bậc cha mẹ, chỉ vì thể diện, khi con trượt đại học, đã mượn mác “du học” để gửi con ra nước ngoài, học tại những trường không tên tuổi, học những ngành nghề cho có. Họ có biết đâu như vậy là đẩy con vào thế khó, học trong nước bằng tiếng Việt còn không xong, thì nói sao đến học bằng tiếng nước ngoài. Kết cục, sau khi “đốt” tiền tỷ của cha mẹ, quay về cố quốc làm lao động chân tay, thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp.

Những câu chuyện trên, âu cũng là bài học cho nhiều phụ huynh khi coi “du học” là cái đích cho con mình. Bởi lẽ không phải lúc nào, nó cũng trải hoa hồng và oai oách như chúng ta thường nghĩ.

Minh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cong-dan-toan-cau-thanh-cong-dan-toan-lang-a389866.html